09:41 14/01/2010

Xuất khẩu thủy sản: Lựa lối để "vượt rào"

Thiện An

Sẽ không nhân nhượng bất cứ doanh nghiệp nào có hành vi làm mất uy tín sản phẩm thuỷ sản Việt Nam

Ngành nông nghiệp sẽ quản lý thuỷ sản theo chuỗi, tổ chức quy hoạch theo từng sản phẩm với ba sản phẩm chính là cá tra, tôm và nhuyễn thể.
Ngành nông nghiệp sẽ quản lý thuỷ sản theo chuỗi, tổ chức quy hoạch theo từng sản phẩm với ba sản phẩm chính là cá tra, tôm và nhuyễn thể.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cương quyết dừng việc cấp chứng thư cho những doanh nghiệp cố tình không tuân thủ các quy định của ngành, đồng thời áp dụng các biện pháp cứng rắn, kể cả việc đình chỉ xuất khẩu, đối với các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng”.

Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cũng khẳng định: “dù quy định mới của những nhà  nhập khẩu hết sức nghiêm ngặt, song không quá khó để thực hiện. Bởi vậy, không thể đổ tại do có quá nhiều rào cản mà đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đi xuống”.

Vạch rào lấy lối

Chia sẻ hàng loạt những khó  khăn của doanh nghiệp khi phải đối mặt với rào cản khi các nhà nhập khẩu yêu cầu, Thứ trưởng Phương cho rằng, cần vạch rào để lấy lối đi thay vì nhìn thấy bụi rậm mà ngại, mà “luồn lách” dẫn đến nguy hiểm.

Cụ thể hơn như với thị trường Nga, từ năm 2006, Cục Thú y và Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) đã kiểm tra trực tiếp đối với sản phẩm thuỷ sản và các doanh nghiệp chỉ được phép xuất khẩu vào thị trường này dựa trên công suất thực tế của nhà máy, tức là không được phép đưa sản phẩm làm gia công ở các cơ sở chế biến bên ngoài vào để xuất khẩu.

Chặt chẽ hơn, trước khi hàng xuất vào thị trường Nga phải được cơ quan chuyên ngành Việt Nam cấp chứng thư điều kiện xuất khẩu, chứng thư này sau đó được VPSS kiểm định lại. Chỉ có các công ty và tàu cá được VPSS công nhận mới được phép xuất khẩu thuỷ sản vào nước này. VPSS cũng là đơn vị cấp phép cho các công ty nhập khẩu thuỷ sản của Nga.

Năm 2010 các thị trường xuất khẩu thuỷ sản chủ lực cũng sẽ áp dụng một số kinh nghiệm từ Nga, trong đó có xây dựng cơ chế hợp tác giữa cơ quan thẩm quyền của Việt Nam và nước nhập khẩu để kiểm soát chất lượng, đồng thời có nhóm đại diện giữa hai bên để bàn kế hoạch cụ thể trong xuất nhập khẩu, thống nhất khung giá hợp lý và đảm bảo vấn đề thương hiệu. Một số thị trường có thể áp dụng được là Trung Đông, Nam Mỹ với một số nhóm hàng cụ thể.

Với thị trường EU, tất cả các lô hàng hải sản muốn vào được đều phải chứng minh nguồn gốc, sản phẩm phải có giấy chứng nhận về tính hợp pháp. EU là thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm.

Cục Thanh tra và kiểm dịch Úc (AQIS) thì ra quyết định tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng malachite green trong thủy sản nuôi nhập khẩu. Theo đó, tất cả thủy sản nuôi sẽ được lấy mẫu, kiểm tra malachite green và leucomalachite green với tỉ lệ kiểm tra là 5%. Các sản phẩm thủy sản đã qua chế biến như ngâm muối, sấy khô, đồ hộp và hun khói sẽ không bị kiểm tra. Danh sách các nhà phân tích được chỉ định sẽ được cập nhật thường xuyên và các doanh nghiệp có thể tìm trên trang web của AQIS.

Theo Thứ trưởng Lương Lê Phương, nếu nhìn nhận rõ từng thị trường cụ thể, từng bước tháo gỡ để lựa lối đưa thủy sản của ta vào được các nước nhập khẩu thì chắc chắn kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2010 đạt 4,7 tỉ USD, tăng 6,8% so với năm 2009 là hoàn toàn khả thi.

Giải quyết tận gốc

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, lâu nay cách ứng xử với các doanh nghiệp trong có gian lận thương mại chủ yếu vẫn là trao đổi rút kinh nghiệm. Năm 2010, việc thanh kiểm tra sẽ nghiêm ngặt hơn, tăng số lần kiểm tra, nặng nhất là ngừng cấp giấy phép xuất khẩu lô hàng, đóng cửa nhà máy. Để thắt chặt quản lý, ngành nông nghiệp sẽ quản lý thuỷ sản theo chuỗi, tổ chức quy hoạch theo từng sản phẩm với ba sản phẩm chính là cá tra, tôm và nhuyễn thể.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị các địa phương cần tiếp tục chấn chỉnh các hoạt động sản xuất, chế biến cá tra trong nước. Bộ trưởng yêu cầu Cục Nuôi trồng thuỷ sản phải sớm ban hành hướng dẫn việc đăng ký vùng nuôi cho các hộ nuôi trồng và hướng dẫn bà con thực hiện quy trình nuôi an toàn.

Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiếp tục kiểm tra các nhà máy chế biến, không nhân nhượng bất cứ doanh nghiệp nào có hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, có hành vi gian lận, làm mất uy tín sản phẩm thuỷ sản Việt Nam.

Theo quy định hành vi đưa nước, phụ gia giữ nước vào sản phẩm cá tươi đông lạnh nhằm gian lận thương mại về khối lượng sẽ bị xử lý nghiêm. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu nếu doanh nghiệp không giải thích được đầy đủ mục đích sử dụng của thiết bị bị bơm dịch lỏng, phụ gia giữ nước trong phân xưởng chế biến cá theo quy trình công nghệ thì sẽ bị loại khỏi danh sách “doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn ngành”. Đồng thời, không được cấp chứng thư xuất khẩu thủy sản vào các thị trường.

Nhằm đáp ứng các quy định của VPSS, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời chỉ đạo NAFIQAD, VASEP tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.