09:16 08/09/2010

Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI: Mừng và lo

Hồng Thoan

Tăng trưởng vượt bậc về doanh thu xuất khẩu đang thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Chính sách thu hút FDI trong thời gian tới sẽ có chọn lọc hơn - Ảnh: Việt Tuấn.
Chính sách thu hút FDI trong thời gian tới sẽ có chọn lọc hơn - Ảnh: Việt Tuấn.
Bức tranh xuất khẩu 8 tháng đầu năm được Bộ Công Thương đánh giá rất khả quan, tuy nhiên nhóm có tăng trưởng vượt bậc về doanh thu xuất khẩu lại thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do luôn chiếm tỷ trọng áp đảo trong nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) ước đạt 20,65 tỷ USD, tăng 39,9%, tăng 5,89 tỷ USD so với cùng kỳ trong khi kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng 7,34 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, xuất khẩu dệt may của cả nước đạt 5,845 tỷ USD thì khu vực FDI chiếm 3,566 tỷ USD; xuất khẩu túi xách đạt 539 triệu USD, khu vực FDI đạt 442 triệu USD, xuất khẩu giày dép đạt 2,771 tỷ USD riêng khu vực FDI chiếm 1,979 tỷ USD; xuất khẩu máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,6 tỷ USD thì khu vực FDI chiếm 1,4 tỷ USD, xuất khẩu máy tính và linh kiện đạt 1,847 tỷ USD, khu vực FDI đạt 1,811 tỷ USD, xuất khẩu phương tiện vận tải đạt 1 tỷ USD thì khu vực FDI chiếm tới 700 triệu USD...

Một đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong hoạt động xuất khẩu, tỷ trọng của khối doanh nghiệp FDI qua các năm đã không ngừng tăng và tăng rất mạnh. Năm 2001, xuất khẩu của khu vực này chiếm 24,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, năm 2005 đã tăng lên 34,5% và năm 2009 chiếm tới 42,3%, riêng 7 tháng đầu năm 2010 đã chiếm tới 46,2% với cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là công nghiệp, gia công chế biến.

Về nhập khẩu, năm 2001, tỷ trọng nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm 30,7%, năm 2005 chiếm 37%, năm 2009 chiếm 37,3% và 7 tháng đầu năm 2010 chiếm 42%. Điều đáng chú ý là nếu tính chung cả giai đoạn 2001-2005, trong khi tăng trưởng xuất khẩu của cả nước (17,5%) thấp hơn tăng trưởng nhập khẩu (18,6%) thì khu vực FDI đã đạt được tăng trưởng xuất khẩu (27,6%) cao hơn tăng trưởng nhập khẩu (25,7%).

Và từ năm 2006-2010 cũng tương tự như vậy, tăng trưởng xuất khẩu của cả nước trong giai đoạn này đạt 15,8% và tăng trưởng nhập khẩu đạt 17,3%, nếu tính riêng khu vực FDI thì tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt tới 22,8% và tăng trưởng nhập khẩu là 20,2%. Điều này chứng tỏ rằng hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong những năm vừa qua là thiết thực hơn, cũng như các cơ chế chính sách trong chừng mực nào đó đã phát huy tác dụng trong khu vực FDI.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên so sánh, trong xuất khẩu, nếu không tính dầu thô thì kim ngạch của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài là ngang nhau. 8 tháng qua, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 20,55 tỷ USD thì các doanh nghiệp FDI đạt 20,65 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, đặc biệt là trong nhóm hàng công nghiệp và công nghiệp chế biến.

Về quản lý đầu tư, theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, trong thời gian qua, việc đóng góp vào xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI là thành quả rất lớn sau một quá trình rất dài thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Nhưng trong thời gian gần đây đã phải cắt bỏ những ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI có sản phẩm xuất khẩu. Vì trước đây bắt buộc các doanh nghiệp này phải có tỷ trọng xuất khẩu 80 - 100%, nhưng khi gia nhập WTO, Việt Nam phải xóa bỏ. Hơn nữa hiện nay chúng ta cũng không có điều kiện thu hút các doanh nghiệp FDI vào các dự án sản xuất hàng xuất khẩu có ưu đãi như trước.

Với cơ cấu đầu tư hiện nay cùng với chiều hướng lợi nhuận trên thị trường thì đầu tư nước ngoài đang có những thay đổi rất đáng lưu ý như đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào các dịch vụ thương mại, hạ tầng các khu đô thị, các dự án thực chất không sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu nhưng lại đòi hỏi nhập khẩu rất lớn. Đây là vấn đề Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại, có chính sách về phân cấp quản lý đầu tư trong thời gian tới như thế nào. Ví dụ như vấn đề đầu tư tràn lan vào thép, vào xi măng là một bài học rất đáng xem xét trong khi chúng ta thiếu điện thì thép và xi măng lại dư thừa.

Đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định chính sách thu hút FDI trong thời gian tới sẽ có chọn lọc. Bộ đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 108 /2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; ban hành danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư và khuyến khích đầu tư; cũng như rà soát và tổng kết công tác phân cấp quản lý đầu tư để đề xuất những biện pháp quản lý FDI hiệu quả hơn.