18:56 05/04/2009

Doanh nghiệp FDI và những kiến nghị thúc đẩy xuất khẩu

Đặng Nguyên

Những khó khăn trong xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đang được khẩn trương tháo gỡ

Những tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI sụt giảm - Ảnh: Việt Tuấn.
Những tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI sụt giảm - Ảnh: Việt Tuấn.
Tham dự cuộc tọa đàm do Bộ Công Thương vừa tổ chức về các biện pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu trong năm 2009, đại diện của hơn 200 doanh nghiệp FDI đã kiến nghị mạnh mẽ việc cải thiện cơ sở hạ tầng và đơn giản hóa các thủ tục hải quan.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, khu vực doanh nghiệp FDI vẫn giữ vị trí đầu tàu trong  tổng kim ngạch xuất khẩu với sự tham gia xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp.

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may của các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 59%, giày dép chiếm 69,5%, điện tử 96,6%, máy móc - thiết bị 85%, dây cáp điện 81,7%...

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI  chỉ đạt 2,97 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2008 (đạt 3,26 tỷ USD).

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, nếu không có những giải pháp tích cực hữu hiệu thì dự kiến trong năm 2009, mức độ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ lên tới 10 - 15%, chỉ đạt khoảng 19 - 20 tỷ USD.

Ông Okazaki Masahiro - Giám đốc Kế hoạch và Hành chính của Panasonic Việt Nam cho biết, tình hình xuất khẩu trong năm 2009 theo dự kiến của công ty là trên 2 triệu sản phẩm, nhưng  rất khó đạt được con số này.

Đặc biệt, từ đầu năm 2009 đến nay, nhu cầu đột ngột suy giảm mạnh, bởi thị trường tiêu thụ chính của Panasonic Việt Nam là Mỹ và Nga, các đối tác nhập khẩu đã hủy nhiều đơn hàng, đồng thời điều chỉnh cả lượng hàng tồn kho. Phân tích tình hình thị trường, công ty sẽ điều chỉnh hoạt động sản xuất tại Việt Nam, cụ thể dừng sản xuất sản phẩm ổ đĩa quang vào cuối tháng 5/2009, tập trung phát triển sản xuất những sản phẩm truyền thống, cắt giảm 30% lao động.

Theo ông Okazaki Masahiro, bên cạnh nguyên nhân khách quan lớn nhất là nhu cầu của thị trường tiêu thụ thì khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp FDI gặp phải là cơ sở hạ tầng kinh doanh (đặc biệt là trang thiết bị xuất nhập khẩu hàng) và thủ tục hải quan. Nếu các cơ quan chức năng không cải thiện một số điểm bất lợi thì sẽ không thể đáp ứng được những yêu cầu về sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Bởi vậy, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, khi khủng hoảng kinh tế qua đi các doanh nghiệp mới có thể bắt nhịp được với thị trường.

Ông Mark Barnett, Giám đốc Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà (100% vốn đầu tư nước ngoài) cũng cho rằng, Bộ Công thương và các bộ, ngành hữu quan cần có chính sách điều chỉnh hợp lý hơn nữa để giảm thiểu những phức tạp về thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Nhân đây, ông cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một đội ngũ nhân lực vững về chuyên môn để phối hợp tốt hơn với các doanh nghiệp và một hệ thống quản lý minh bạch, rõ ràng hơn. Hải quan đang xúc tiến áp dụng thủ tục hải quan điện tử trong xuất nhập khẩu, nhưng việc này còn chậm, ông nói.

Đại diện của Công ty TNHH Suncall Technology Vietnam cũng đưa ra ý kiến, thủ tục hải quan đang thực hiện mất quá nhiều giấy tờ. Thời gian thanh khoản cho các doanh nghiệp kéo dài, giải phóng phế liệu, phế phẩm chậm dẫn đến doanh nghiệp không có kho để dùng. Các chi cục hải quan, cục hải quan không thống nhất trong thực hiện một số luật, thông tư, công văn dẫn đến hàng hóa của doanh nghiệp không được thông quan nên phải chịu chi phí lưu kho, thiếu nguyên vật liệu sản xuất. Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp không kịp xuất hàng trả khách, hoặc phải sử dụng  vận tải hàng không làm tăng chi phí không đáng có.

Cũng tại diễn đàn này, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nước ngoài như chính sách miễn giảm thuế, thủ tục hoàn thuế, chính sách xuất khẩu để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, Chính phủ đã giao cho Bộ này  làm đầu mối tìm hiểu những khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong xuất khẩu.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; cơ chế chính sách về xuất khẩu, tài chính và tiền tệ chính sách giãn, giảm thuế, điều hành thuế xuất, nhập khẩu, điều hành chính sách tiền, lãi suất, tỷ giá linh hoạt.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trình Thủ tướng Chính phủ một số nhóm giải pháp cần ưu tiên triển khai gồm giải pháp luật pháp, chính sách; giải pháp về quy hoạch; cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực...

Trong năm 2009, Bộ Công thương sẽ tiến hành xây dựng nghị định mới để trình Chính phủ về thủ tục hải quan và thủ tục hải quan điện tử. Hiện hải quan điện tử đang được thí điểm tại Tp.HCM và Tp. Hải Phòng. Mục tiêu đến năm 2012, đảm bảo 80 - 90% tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu thực hiện thủ tục hải quan điện tử và ngang bằng các nước trong khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng Huy Hoàng cho biết.