09:24 23/01/2007

Xúc tiến thương mại quốc gia 2007 có gì mới?

Hồng Thoan

158 đề án xúc tiến thương mại cho năm nay đã được Bộ Thương mại phê duyệt, với tổng kinh phí đề nghị Nhà nước hỗ trợ là 174,26 tỷ đồng

Trong năm 2006, có 155 chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 144,77 tỷ đồng.
Trong năm 2006, có 155 chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 144,77 tỷ đồng.

158 đề án xúc tiến thương mại cho năm nay đã được Bộ Thương mại phê duyệt, với tổng kinh phí đề nghị Nhà nước hỗ trợ là 174,26 tỷ đồng.

Đó là thông tin từ ông Ngô Văn Thoan, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại. Ông cho biết 2007 là năm đầu tiên các chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức thẩm định theo Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, giai đoạn 2006 - 2010.

Từ cuối tháng 9/2006, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2007 đã được phê duyệt, nên quỹ thời gian để chuẩn bị thực hiện dài hơn các năm trước. Vì vậy, ngay từ tháng 12/2006, một số đơn vị đã đề nghị được điều chỉnh về thời gian và địa điểm để chương trình đạt hiệu quả cao hơn.

Theo ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng Bộ Thương mại, điểm mới của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2007 là Quyết định 279/Ttg (ban hành ngày 3/11/2006) đã có hiệu lực, điều này giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý chặt chẽ hơn và tìm cách nâng cao chất lượng của các chương trình xúc tiến thương mại.

Theo đó, một hội đồng gồm tất cả các bộ ngành liên quan đã được thành lập để duyệt chương trình nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai, đi vào những lĩnh vực thật cần thiết để tăng hiệu quả của các chương trình trong điều kiện nguồn kinh phí hạn chế.

Trong hội đồng này, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn quốc mới ra đời cũng được bổ sung vào đầu mối của chương trình xúc tiến thương mại bởi đại đa số các doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa.

Nhìn lại xúc tiến thương mại năm 2006

Năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện Quy chế mới của Thủ tướng Chính phủ về chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, theo đó, Nhà nước tập trung hỗ trợ 100% chi phí cho một số hạng mục trong mỗi chương trình.

Ví dụ Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí gian hàng, trang trí tổng thể và hội thảo đối với chương trình hội chợ triển lãm ở nước ngoài; chi phí tổ chức hội thảo và gặp gỡ giao dịch thương mại đối với chương trình khảo sát thị trường...

Trong năm 2006, có 155 chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 144,77 tỷ đồng.

Theo báo cáo kết quả hoạt động của Cục Xúc tiến thương mại, tính đến đầu tháng 12/2006, đã có 112 chương trình thực hiện xong và 24 chương trình đang  triển khai, chiếm gần 88% tổng số các chương trình được phê duyệt. Các chương trình đã và đang thực hiện bao trùm hầu hết các nội dung được Nhà nước hỗ trợ như thông tin thương mại, đào tạo, hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường...

Còn lại 19 chương trình xúc tiến thương mại quốc gia không thực hiện được (chiếm hơn 12%), chủ yếu liên quan đến xuất khẩu dệt may, do Chính phủ Việt Nam thực hiện theo cam kết với Chính phủ Hoa Kỳ, bỏ Quyết định 55/QĐ-CP và ngừng tất cả chương trình hỗ trợ, xúc tiến xuất khẩu cho ngành dệt may.

Đứng trước vấn đề này, một câu hỏi được đặt ra là Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO, vậy các chương trình xúc tiến thương mại có vi phạm quy định của WTO không?

Giải đáp thắc mắc này, Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự khẳng định, việc tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư, du lịch của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy định của WTO. Các nước trên thế giới muốn tăng trưởng thương mại về cả xuất khẩu và nhập khẩu đều phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá cho đất nước của họ cũng như quảng bá cho doanh nghiệp, hàng hoá của họ.