09:18 19/05/2009

Xuống ở Mỹ và lên ở Trung Quốc?

Kiều Oanh

Triển vọng thành công của các thương hiệu Mỹ như Citigroup, GM hay KFC tại thị trường Trung Quốc

Bên ngoài một cửa hàng KFC ở Trung Quốc. YUM Brands cho hay, với 2.980 nhà hàng và một nhà hàng mới mở thêm gần như hàng ngày, KFC là “chuỗi nhà hàng lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc hiện nay”.
Bên ngoài một cửa hàng KFC ở Trung Quốc. YUM Brands cho hay, với 2.980 nhà hàng và một nhà hàng mới mở thêm gần như hàng ngày, KFC là “chuỗi nhà hàng lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc hiện nay”.
Trong một bài báo nhan đề “Kentucky fried in China” (tạm dịch “Gà Kentucky rán ở Trung Quốc”) đăng trên tạp chí Newsweek của Mỹ mới đây, tác giả Daniel Gross đã phân tích triển vọng thành công của các thương hiệu Mỹ tại thị trường Trung Quốc.

Trong suốt gần một thế kỷ rưỡi qua, quy mô khổng lồ và sự sơ khai của thị trường Trung Quốc đã trở thành những điểm hấp dẫn khó cưỡng lại đối với cộng đồng doanh nhân Mỹ. Một khi quốc gia châu Á này phát triển thành một xã hội tiêu dùng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, đây sẽ là một sân chơi lý tưởng cho các thương hiệu và các công ty Mỹ - một thị trường lớn hơn và có khả năng đem lại lợi nhuận cao hơn so với thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, giấc mơ này vẫn chưa thành sự thật. Mức độ can thiệp cao của Chính phủ Trung Quốc vào nền kinh tế, tỷ lệ dân nghèo còn ở mức cao và xu hướng tiết kiệm thay vì chi tiêu ở nước này đang là những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Mỹ tới làm ăn tại đây.

Nếu so với hoạt động tại thị trường nội địa, hoạt động của nhiều công ty Mỹ tại Trung Quốc vẫn chưa thấm vào đâu. Chẳng hạn, hãng bán lẻ Wal-Mart có 246 cửa hàng tại Trung Quốc tính tới thời điểm 31/3/2009, phục vụ khoảng 7 triệu khách hàng địa phương mỗi tuần. Số khách hàng này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với dân số Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do những biến động kinh tế vĩ mô tại Mỹ và Trung Quốc, sự hứa hẹn của thị trường Trung Quốc dường như đến gần hơn với các doanh nghiệp Mỹ. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng 25% trong quý 1 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đây vẫn là mức kim ngạch nhỏ bé nếu so sánh với hoạt động thương mại của hai bên, với 5,5 tỷ USD trong tháng 3 vừa rồi.

Mặc dù vậy, quan trọng hơn cả vẫn là sự tăng trưởng nhanh chóng của những sản phẩm mang thương hiệu Mỹ được sản xuất và tiêu thụ ngay tại thị trường Trung Quốc.

Ví dụ thứ nhất, hôm 14/5, tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin, năm 2008, tập đoàn ngân hàng Citigroup của nước này kiếm được nhiều tiền tại Trung Quốc hơn là ở Mỹ. Thông tin này thực tế không nói lên được gì nhiều, vì năm 2008, Citigroup lỗ tới 27,68 tỷ USD, phần lớn do các hoạt động tại thị trường Mỹ. Nhưng theo phóng viên James Areddy của Wall Street Journal, “lợi nhuận ròng của Citigroup tại thị trường Trung Quốc đã tăng 95% trong năm 2008 lên mức 191 triệu USD, nhờ hoạt động giao dịch ngoại hối thương mại tăng 20%”.

Ví dụ thứ hai đến từ hãng xe General Motors (GM). Trong tháng 4 vừa qua, hãng xe Mỹ này tiêu thụ được 173.007 xe tại Mỹ, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng tháng đó, doanh số của GM tại thị trường Trung Quốc tăng 25% lên mức kỷ lục 151.084 xe.

Thật nguy hiểm nếu đưa ra các dự báo theo phương pháp ngoại suy, nhưng xu hướng đang diễn ra là không thể phủ nhận. Nếu doanh số hàng tháng của GM tại Trung Quốc tăng 7% từ mức hiện tại và doanh số hàng tháng của hãng này tại Mỹ giảm 7% từ mức hiện tại, GM sẽ bán được nhiều xe tại Trung Quốc hơn là tại thị trường quê hương của hãng.
 
Ví dụ thứ ba là hãng YUM Brands, công ty mẹ của các thương hiệu Pizza Hut, KFC, Taco Bell và Long John Silver’s. Năm ngoái, số nhà hàng của YUM tại thị trường Mỹ về cơ bản là không có gì thay đổi, nhưng bộ phận của hãng tại Trung Quốc - bao gồm các thị trường Trung Quốc đại lục, Thái Lan và Đài Loan - đã mở thêm được 500 nhà hàng mới và thu về mức hoạt động lợi nhuận là 469 triệu USD.

YUM Brands cho hay, với 2.980 nhà hàng và một nhà hàng mới mở thêm gần như hàng ngày, KFC là “chuỗi nhà hàng lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc hiện nay”. Ngược lại, tại thị trường Mỹ, số nhà hàng KFC đã liên tục giảm hàng năm trong suốt 4 năm qua, từ con số 5.525 nhà hàng vào năm 2004, xuống còn 5.253 nhà hàng vào năm 2008.

Dữ liệu về doanh thu cho thấy, doanh thu năm 2008 của KFC tại Mỹ vẫn cao hơn ở Trung Quốc, với 5,2 tỷ USD tại Mỹ và 3,6 tỷ USD tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không tính doanh thu của các cửa hàng nhượng quyền thương hiệu, các cửa hàng KFC thuộc sở hữu của YUM Brands tại Trung Quốc năm 2008 đạt 2,5 tỷ USD, so với mức doanh thu 1,2 tỷ USD của các cửa hàng KFC do hãng này sở hữu tại Mỹ.

Trong ngắn hạn, những xu hướng trên còn khả năng sẽ tiếp tục kéo dài, không chỉ bởi vì thị trường ngân hàng, ôtô và đồ ăn nhanh của Mỹ đã chín muồi và co lại, trong khi thị trường Trung Quốc cho những hàng hóa và dịch vụ này còn chưa chín muồi và còn phát triển. Ngoài thực tế này, thế giới còn đáng chứng kiến những chuyển biến căn bản trong hành vi của người tiêu dùng giữa hai bờ của Thái Bình Dương.

Trong một bài báo mới đây trên tờ Financial Times, tác giả Geoff Dyer cho hay, tỷ lệ tiết kiệm của người dân Trung Quốc đã đạt con số đáng ngạc nhiên là 50% so với GDP của nước này trong năm 2007. Nguyên nhân của tỷ lệ tiết kiệm cao này không phải là do người Trung Quốc tằn tiện thái quá, mà là do họ thận trọng. “Nhiều người Trung Quốc chuyển phần lớn tiền lương kiếm được vào tài khoản ngân hàng do họ lo lắng về chuyện lương hưu, các chi phí học hành, và nhất là khả năng một thành viên trong gia đình lâm trọng bệnh, dẫn tới phát sinh chi phí y tế lớn”, tác giả Dyer viết.

Người dân Mỹ thời hậu bùng nổ tín dụng cũng có thể đi theo xu hướng này, khi mà tỷ lệ tiết kiệm ở Mỹ thời gian này cũng đang dần tăng, do người dân đã giữ tiền trong ví nhiều hơn, thay vì dốc túi để mua hàng hóa “made in China”. Theo tờ New York Times, xuất khẩu nói chung của Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua đã giảm 22,6% so với cùng kỳ. Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ thì cho thấy, trong quý 1/2009, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2008.

Để bù đắp cho phần sụt giảm doanh thu xuất khẩu và duy trì hoạt động của các nhà máy, Chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào những biện pháp nhằm tăng cường tiêu dùng nội địa. Trong đó, theo tác giả Dyer của tờ Financial Times, một biện pháp then chốt là Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường vai trò cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hiện Chính phủ nước này đang thực thi nỗ lực đầy tham vọng của mình nhằm xây dựng thêm nhiều phòng khám và đã cam kết từ nay tới năm 2011 sẽ đem bảo hiểm y tế tới 90% dân số toàn quốc.

Chiến lược này xuất phát từ quan điểm cho rằng, một hệ thống an sinh phát triển sẽ có tác dụng lớn hơn trong việc thúc đẩy người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít đi, so với hoạt động cắt giảm thuế hay tăng cường chi tiêu chính phủ.

Dù ít dù nhiều, chắc chắn các thương hiệu Mỹ làm ăn tại Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ chính sách này.

(Theo Newsweek)