Yêu cầu làm rõ nguyên nhân khiến chứng khoán biến động mạnh
Thị trường chứng khoán vẫn tiềm ẩn rủi ro với đà tăng chậm, đối diện với rủi ro đảo chiều dòng vốn nước ngoài
"Thị trường chứng khoán thời gian gần đây diễn biến không ổn định, mật độ tăng giảm "dày". Bên cạnh các nguyên nhân thị trường, đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát, đánh giá đầy đủ các yếu tố chi phối khác, kể cả giao dịch nội gián".
Chỉ đạo trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra khi ông chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2018 và giai đoạn 2019- 2020, chiều 17/5.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng kinh tế thế giới năm 2018 dự kiến tiếp tục xu hướng phục hồi của năm 2017, diễn ra hầu khắp các khu vực, với mức tăng trưởng dự báo cao hơn năm ngoái.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dẫn các dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng cao (3,9%) từ nay tới hết năm 2019, sau đó tăng trưởng sẽ giảm xuống do các nền kinh tế chủ chốt giảm nới lỏng tiền tệ làm giảm dư địa tài chính hỗ trợ cho tăng trưởng, trong khi chưa có cải tổ mạnh mẽ về cơ cấu lại kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động chưa cải thiện do già hoá dân số... Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn có rủi ro về sự gia tăng bảo hộ thương mại và các bất ổn địa-chính trị.
Với kinh tế Việt Nam trong năm 2018, cùng với kinh tế thế giới có nhiều thuận lợi và những cải cách trong nước, dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc và tiếp tục hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng của thế giới trong 2 năm nữa, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Ngân hàng Thế giới và IMF đánh giá trong trung hạn kinh tế Việt Nam sẽ tăng ổn định ở mức 6,5%, còn theo Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia thì có thể duy trì trên 6,7% từ 2019- 2020.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết quản lý nợ công chuyển biến tích cực qua từng năm (năm 2018 với mức vay nợ như kế hoạch thì nợ công sẽ là 61,7% GDP, tỷ lệ ngân sách chi trả đang ở mức 20%).
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương đều chỉ ra nền kinh tế vẫn đối mặt với những thách thức nội tại là trình độ công nghệ thấp, đất đai- tài nguyên đang bị suy giảm, hiệu quả và năng lực cạnh tranh có chuyển biến nhưng chưa đột phá, gặp nhiều rủi ro khi nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu của khối FDI, dầu thô, rủi ro từ sản xuất nông sản trong nước...
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rủi ro khi đà tăng chậm lại khi định giá thị trường không còn rẻ so với các nước trong khu vực, đối diện với rủi ro đảo chiều dòng vốn nước ngoài mặc dù hiện nay ở mức thấp... Thị trường bất động sản vẫn đang gặp phải vấn đề cung chưa đủ cầu, hành lang pháp lý cho các sản phẩm bất động sản chưa rõ ràng, tín dụng bất động sản chuyển dịch từ chủ đầu tư sang người mua nhà cũng tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Từ nay tới cuối năm, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn về điều hành tỷ giá, lãi suất do lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), biến động khó lường của giá dầu thế giới gây áp lực tới điều hành lạm phát và giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý; áp lực cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu do giảm thuế theo cam kết quốc tế; thị trường lao động sẽ đối mặt nhiều thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành cũng kiến nghị tới Chính phủ các định hướng, giải pháp về các lĩnh vực thương mại đầu tư, chính sách tiền tệ- tài khoá, ổn định và phát triển thị trường chứng khoán và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó thủ tướng đánh giá đây là báo cáo dự báo tình hình vĩ mô rất quan trọng, phục vụ cho điều hành của Chính phủ trong tương lai gần, nhằm lường trước những diễn biến không thuận lợi với mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng đề nghị mỗi bộ, ngành triển khai xây dựng các báo cáo đánh giá rủi ro, thách thức theo từng lĩnh vực, thậm chí phải tính toán tới các vấn đề hình sự, an ninh, truyền thông sẽ tác động ra sao tới vĩ mô, các bối cảnh, dự báo tình hình thế giới tác động tới Việt Nam liệu có khoét sâu thêm các yếu kém hay tạo thêm năng lực sản xuất mới, tiềm năng mới cho đất nước trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về ổn định vĩ mô trong năm 2018, Phó thủ tướng cho rằng giá dầu thế giới dự báo tăng cao và giá thịt heo (nếu tăng giá lại mặt bằng cũ) là sức ép rất lớn tới kiểm soát lạm phát cần phải được quan tâm điều phối. Ngoài ra, các bộ, ngành tiếp tục kéo giảm giá dịch vụ y tế, đốc thúc đấu thầu thuốc. "Đây là những giải pháp ngắn hạn phải làm ngay", Phó Thủ tướng nói.
"Kinh tế vĩ mô trong nước được dự báo có nhiều khả quan nhưng không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ", Phó thủ tướng đề nghị.
Trong một diễn biến liên quan, thị trường chứng khoán thời gian qua đã có sự biến động khá mạnh. So với cuối năm ngoái, VN-Index đến cuối tháng 4/2018 chỉ còn tăng khoảng 9,3% và so với mức đỉnh vừa mới thiết lập trước đó đã giảm 10,4%, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tụt mạnh nhất.