11:14 14/01/2016

Yêu cầu làm rõ thông tin công dân bị hạn chế tiếp cận

Nguyễn Lê

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu luật cần nói rõ thông tin gì thì công dân được tiếp cận, thông tin gì thì hạn chế

Chủ tịch Quốc hội vẫn lo ngại nếu quy định không rõ, thì thông tin nào không muốn cung cấp “ông cứ đóng dấu mật phát coi như là xong”. Ông thêm một lần nhấn mạnh là luật này cần nói rõ thông tin nào phải được tự do và thông tin nào là cấm.<br>
Chủ tịch Quốc hội vẫn lo ngại nếu quy định không rõ, thì thông tin nào không muốn cung cấp “ông cứ đóng dấu mật phát coi như là xong”. Ông thêm một lần nhấn mạnh là luật này cần nói rõ thông tin nào phải được tự do và thông tin nào là cấm.<br>
Cơ quan Nhà nước không chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra mà còn phải cung cấp cả thông tin do mình đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Tại phiên họp thứ 44, sáng 14/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tiếp cận thông tin.

Mở rộng chủ thể tiếp cận

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, liên quan đến quy định về thông tin được cung cấp còn hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị mở rộng phạm vi thông tin được cung cấp, theo đó cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình đang nắm giữ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Có như vậy mới thực sự bảo đảm và tạo thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Bởi vì, do người dân sống ở địa bàn cơ sở (tại xã, phường, thị trấn), trong khi đó nhiều trường hợp việc ban hành văn bản tạo ra nguồn thông tin là của cấp trên cơ sở, nếu quy định chỉ cơ quan tạo ra thông tin mới có trách nhiệm cung cấp thì sẽ hạn chế việc tiếp cận, gây thủ tục phiền hà, tốn kém cho công dân.

Ví dụ, theo quy định này thì mặc dù bộ trưởng ban hành văn bản, còn các cơ quan thuộc ngành ở cấp tỉnh, cấp huyện gần với dân hơn cũng không được cung cấp thông tin vì lý do không phải là thông tin do mình tạo ra.

Ý kiến này cho rằng, điều quan trọng là cần làm rõ loại thông tin cơ quan nắm giữ; đồng thời, có hình thức, tổ chức, bố trí thực hiện việc cung cấp thông tin cho người dân cho phù hợp nhằm bảo đảm hiệu quả quyền tiếp cận thông tin của công dân, ông Lý phản ánh.

Loại ý kiến thứ hai tán thành với thảo luật quy định thông tin phải cung cấp là thông tin do cơ quan Nhà nước tạo ra nhằm bảo đảm tính chính xác của thông tin và tính khả thi của luật.

Dự thảo luật đang được thể hiện theo loại ý kiến này nhưng Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất.

Cơ quan thẩm tra cũng đồng ý với ý kiến đại biểu là cần nghiên cứu mở rộng chủ thể cung cấp thông tin không chỉ có cơ quan Nhà nước mà bao gồm cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước có sử dụng ngân sách Nhà nước, vì có rất nhiều thông tin của các tổ chức, đơn vị này có liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - đại diện ban soạn thảo - vẫn kiên trì quan điểm chỉ cơ quan Nhà nước mới có trách nhiệm cung cấp thông tin và chỉ cung cấp thông  tin do mình tạo ra.

Chỉ có thể hạn chế bằng luật

Trong mối liên quan của bảo vệ bí mật Nhà nước với quyền tiếp cận thông tin của công dân, cơ quan thẩm tra dự án luật nhận xét, hiện nay tài liệu mật ở Việt Nam được quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2000 và tại một số pháp lệnh, nghị định có hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân là không phù hợp với Hiến pháp.

Bởi, theo quy định của Hiến pháp thì việc hạn chế quyền công dân chỉ có thể được quy định bằng luật.

Để khắc phục tình trạng này, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Đồng ý với nhận xét nhưng không đồng ý với đề nghị của cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội sốt ruột, nếu phải chờ luật khác có nghĩa là luật này chả có giá trị gì cả.

Ông nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là luật này cần nói rõ thông tin gì thì công dân được tiếp cận, thông tin gì thì hạn chế.

Phê bình ban soan thảo và cơ quan thẩm tra “ngại khó”, Chủ tịch yêu cầu, nếu đến tháng 3 (kỳ họp thứ 11 của Quốc hội) mà không làm rõ được quy định trên thì sẽ chưa thông qua luật này.

Đại diện ban soạn thảo, Bộ trưởng Bô Tư pháp Hà Hùng Cường “trấn an” rằng luật đã quy định cái gì không mật và đã được giải mật thì công dân được quyền tiếp cận.

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội vẫn lo ngại nếu quy định không rõ, thì thông tin nào không muốn cung cấp “ông cứ đóng dấu mật phát coi như là xong”. Ông thêm một lần nhấn mạnh là luật này cần nói rõ thông tin nào phải được tự do và thông tin nào là cấm.

Đồng ý với ý kiến của Chủ tịch, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho rằng vấn đề này có thể xử lý được.