10 năm chứng khoán Việt Nam: “Người không sợ sẽ dám làm”
VnEconomy hỏi chuyện ông Lê Văn Châu, người góp phần không nhỏ trong việc đặt nền móng cho thị trường chứng khoán Việt Nam
“Tôi còn nhớ đầu năm 1991, ông Đỗ Mười lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có mời các ông Đậu Ngọc Xuân - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư với nước ngoài, ông Đỗ Quốc Sam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ông Hồ Tế - Bộ trưởng Bộ Tài chính và tôi lúc đó là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đến bàn làm thế nào để tìm vốn cho phát triển”.
Ông Lê Văn Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, vị chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã kể lại như thế về sự hình thành của thị trường chứng khoán Việt Nam. Người góp phần không nhỏ trong việc đặt nền móng cho thị trường chứng khoán trong nước còn nhớ rõ nhiều điều đã từng trải trong gần 20 năm qua.
Trò chuyện với VnEconomy, ông nói:
- Giai đoạn đó là khi Việt Nam đã nối lại quan hệ vay mượn với quốc tế, sau thời gian dài bị bao vây kinh tế. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng khoản tiền họ cho vay không phải là vô hạn, nó chỉ có mức độ, phụ thuộc vào từng giai đoạn và từng dự án. Trong khi đó, dù hệ thống ngân hàng trong nước đã hình thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và ngân hàng cổ phần, một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng đã được cấp phép… nhưng cũng không thể giải quyết đủ được vốn theo nhu cầu phát triển nhanh mà chúng ta đặt kế hoạch.
Bàn đi bàn lại, chúng tôi mới tính đến chuyện phát hành trái phiếu Chính phủ. Thế nhưng phát hành cho ai, đưa vào đâu? Trước đó, các ngân hàng chúng ta chỉ mua tín phiếu kho bạc ngắn ngày thôi. Cuối cùng phải tính đến việc phát triển thị trường chứng khoán để đưa hàng vào đó mà bán. Vì phát hành trái phiếu Chính phủ, các ngân hàng đứng ra mua thì phải có thị trường đấu giá với nhau mới thành giá cả được chứ.
Ông Đỗ Mười mới hỏi lại là các đồng chí nói thế có cơ sở gì không? Tôi báo cáo là trong thời gian chống Mỹ cứu nước, tôi làm việc trong tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, nên có tiếp cận với vấn đề này từ năm 1967-1968 rồi, biết thế nào là thị trường chứng khoán rồi, Singapore tôi cũng đi rồi, sau giải phóng thì đi Mỹ, thị trường chứng khoán New York cũng đã qua rồi, nên tôi cho là có thể làm được.
Vì nguồn vốn cho đất nước
Nicolas Darvas, nhà đầu tư huyền thoại của Mỹ, trong cuốn "Phố Wall - Một Las Vegas khác" đã ví thị trường chứng khoán Mỹ như một sòng bài với tính chất và vai trò của các bên tham gia. Vào thời điểm đó, các ông nhìn nhận như thế nào về thị trường chứng khoán?
Suy nghĩ của mỗi người mỗi khác. Chính ở Việt Nam đúng là cũng có nhiều người nghĩ tổ chức thị trường chứng khoán chẳng qua là làm sòng bạc.
Nhưng tôi không suy nghĩ như thế. Ở Việt Nam hoàn toàn khác, chúng ta hình thành thị trường chứng khoán là để thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho đất nước, và đó mới là mục tiêu quan trọng nhất.
Doanh nghiệp chúng ta phát triển ra nhiều nhưng vốn yếu thì anh phải cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu ra để huy động thêm vốn. Trong quá trình huy động vốn cho phát triển, cho doanh nghiệp, kể cả nhà nước và tư nhân, hệ thống ngân hàng chỉ cung cấp được một phần, chủ yếu là vốn ngắn hạn.
Nhưng vốn ngân hàng cũng không thể dùng tiền gửi ngắn hạn của dân để đầu tư dài hạn mãi được. Trong khi vay vốn bên ngoài không phải lúc nào người ta cũng cho vay, lãi suất lại cao nữa… Cho nên, muốn tạo nguồn vốn trung và dài hạn thì phải phát triển thị trường vốn. Mục tiêu hình thành thị trường chứng khoán là vì thế.
Hiểu theo góc nhìn của nhà quản lý thì thị trường chứng khoán là nơi mua bán chứng khoán và giấy tờ có giá. Nhưng với nhà đầu tư, đơn giản chỉ là được và mất, gắn với túi tiền của họ...
Những anh đó chỉ tham gia để kiếm lời thôi, những người kinh doanh thì người ta tham gia với mục đích là làm thế nào kiếm được thật nhiều tiền. Còn đứng trên góc độ tạo vốn cho nền kinh tế, tôi nhìn thị trường hoàn toàn khác.
Không có một đất nước nào mà không có nhà đầu cơ. Và cũng không chỉ riêng thị trường chứng khoán, đã là thị trường và tất cả các thị trường đều có đầu cơ hết. Nên hiểu đầu cơ là lẽ tất nhiên trong quá trình phát triển, thế thôi.
“Thế thì làm thôi”
Xin hỏi ông, những điều trên có được bàn đến trong lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “bảo vệ” đề án phát triển thị trường chứng khoán trước Bộ Chính trị, mà ông có tháp tùng?
Ông Võ Văn Kiệt là người ủng hộ. Có một số chuyên viên ngân hàng xuất thân từ thời chính quyền Sài Gòn cũ, cũng tham mưu nên có thị trường vốn như thế. Ông nghe hai luồng ý kiến tương đối khớp, ông nói thế thì tốt quá. Rồi chúng tôi làm một đề án sơ bộ để ông đưa ra Bộ Chính trị và tôi là người tháp tùng lần đó.
Đến. Mình chưa trình bày, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ là Cố vấn Ban chấp hành Trung ương mới hỏi là: “Đồng chí Châu, tại sao chúng ta là nước xã hội chủ nghĩa mà lại phải xây dựng thị trường chứng khoán?”. Nhân đó, ông Đỗ Mười cũng nói: “Đồng chí cho biết tính chất giai cấp của thị trường chứng khoán là gì?”
Tôi biết các ông ấy thử tôi thôi. Tôi nói: “Báo cáo, tôi có chuẩn bị một đề cương để trình bày cụ thể. Các anh có hỏi thì cho phép tôi nói suy nghĩ của tôi”. Tôi nói: “Thị trường chứng khoán không chỉ dành riêng cho các nước tư bản mà nó là sản phẩm của loài người, và bất kỳ chế độ xã hội nào biết vận dụng nó để trở thành công cụ tạo vốn trung dài hạn cho nền kinh tế thì nó sẽ phục vụ cho chính quyền đó, giai cấp đó”.
Ông Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ mới nói lại là: “Tôi hỏi để xem đồng chí hiểu như thế nào, chứ chúng tôi cũng nghĩ như vậy”. Rồi ông bảo: “Thế thì làm thôi”.
Tức là các ông không phải bảo vệ đề án đã dày công chuẩn bị?
Đề án thì sau này, Ngân hàng Nhà nước cũng chuẩn bị một đề án. Viện Nghiên cứu kinh tế Tp.HCM cũng có đề án, sơ lược thôi vì lúc đó không có người chuyên sâu về thị trường chứng khoán. Đồng thời, Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ của Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương cũng có, Bộ Tài chính cũng có… Nhưng cuối cùng, đề án mỗi anh làm một kiểu.
Lúc đó, tôi đề nghị ông Võ Văn Kiệt nên cho thành lập một tiểu ban để chuẩn bị cho có đầu có đũa, thành phần tham gia là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ cùng tham gia. Tôi cũng nói là nên giao cho anh Hồ Tế lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Anh Hồ Tế mới giao lại cho anh Nguyễn Sinh Hùng lúc đó mới được bổ nhiệm vào vị trí Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Tôi cũng muốn rút ra làm chuyên gia phản biện thôi, nhưng cuối cùng vẫn phải làm tổ phó. Sau đó, chúng tôi mới lấy đề án của Ngân hàng Nhà nước làm sườn chính để hình thành lên một đề án chính thức. Lúc thành lập được rồi, ra đề án rồi, trình lên thành viên Chính phủ thì mỗi người hiểu mỗi khác. Cuối cùng, ông Võ Văn Kiệt nhìn tôi hỏi giờ kết luận thế nào?
Để các anh khác phát biểu hết tôi mới nói, thay mặt Ngân hàng Nhà nước, cứ thử ví thị trường chứng khoán là một con voi thì hôm nay tất cả các anh phát biểu cũng như sờ voi thôi, người thì sờ cái vòi cũng bảo tôi sờ voi, người sờ cái tai, cái đuôi cũng bảo tôi sờ được voi… nhưng chưa có ai sờ toàn bộ con voi cả.
Thị trường chứng khoán, các đồng chí có thể đọc tài liệu cách đây trăm năm rồi, có người có thể đọc 3-4 chục năm trước đây… cho nên hiểu rất lõm bõm. Văn bản họ có hàng trăm năm và qua sửa đổi từ đầu chí cuối, hàng năm bổ sung, cho nên nếu mình chọn khúc giữa, hay chọn cái đầu tiên là có thể sai.
Đề án của chúng tôi là trên cơ sở tiếp cận tất cả thị trường, từ lúc hình thành cho đến bây giờ, quá trình diễn biến. Tôi cũng báo cáo là giao lại cho chúng tôi chuẩn bị để trình Chính phủ quyết.
Mô hình hoàn toàn Việt Nam
Nếu theo cách dùng từ của ông là “hiểu lõm bõm” và hình ảnh “sờ voi”, liệu có thể cho rằng quyết định ra đời thị trường chứng khoán vào thời điểm đó vẫn còn mang nặng cảm tính hơn là tri thức?
Cũng không phải cảm tính. Tức là khi các anh ấy thấy được rằng chuyển đổi kinh tế mà không có thị trường chứng khoán là không được, là thiếu đi một mảng quá lớn và cần thiết phải có để cùng đồng bộ với những cải cách về kinh tế và thương mại. Nó là như thế, chứ không phải thích thì làm thôi.
Tôi hay nói là từ nhận thức đi đến hành động là thế này, khi nhận thức thấy là cần thiết và cần làm ngay rồi thì chuyển ngay thành hành động.
Lúc ấy, các ông chọn theo mô hình nào?
Khi chuẩn bị tất cả các mô hình, tôi báo cáo cả mô hình của Mỹ, mô hình của các nước Đông Nam Á, của Trung Quốc… Tôi báo cáo hết. Có người hỏi tôi là anh lấy theo mô hình của nước nào? Tôi trả lời là không lấy mô hình nước nào cả mà mô hình của Việt Nam, hoàn toàn của Việt Nam.
Của người ta, ví dụ như Mỹ là tự phát, khi phát triển lên không ai quản lý thì 10 năm sau, đến năm 1929 mới thành lập ra Ủy ban Chứng khoán để quản lý về mặt pháp luật. Các quốc gia khác cũng thế. Trung Quốc thì năm 1990 họ cho Thâm Quyến và Thượng Hải thành lập thị trường chứng khoán và giao hai địa phương này quản lý, từ đó đề ra luật lệ mà làm. Năm 1990 ra thì 1991-1992 loạn lên rồi, từ đó mới ra đời Ủy ban Giám quản để quản lý thị trường.
Tôi báo cáo là ta không dại gì làm theo họ vì ta là nước đi sau, họ có thời gian không khắc phục được khiến khuyết thị trường thì ta phải khắc phục ngay. Cho nên, tôi xin thành lập một cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên để lo tất cả vấn đề của thị trường, và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra đời từ đó.
“Anh nào cũng có lợi hết”
Ông là thành viên tham gia tích cực nhất ngay từ ngày đầu, là đại diện cho Ngân hàng Nhà nước tham gia các nhóm công tác liên ngành, và sau này là chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vậy theo ông, Ngân hàng Nhà nước được lợi gì khi vận động thành lập thị trường chứng khoán?
Mình nhìn là lợi ích của cả quốc gia, trong đó có của các ngành, chứ không phải ngân hàng lợi gì và tài chính lợi gì. Anh nào cũng có lợi hết.
Anh quản lý ngân sách quốc gia thì anh tạo vốn được nhiều, anh làm về cải cách doanh nghiệp, cổ phần hóa thì chính nhờ cái đó, người ta ra thị trường để tạo vốn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh tốc độ dự án.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, khi quản lý chính sách tiền tệ thì trong đó phải có các công cụ, trước đây chỉ có công cụ ngắn hạn, giờ có công cụ dài hạn này. Chính sách tiền tệ không tự chủ thì không làm được…
Khi có thị trường vốn, thị trường chứng khoán rồi thì các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán sẽ vào để mua bán, kinh doanh. Có pháp luật, có tất cả các thứ rồi thì họ vào thôi. Năm 1990-1997, khi không có thị trường chứng khoán mà các quỹ đầu tư mạo hiểm đã vào, 7 công ty có vốn 400 triệu USD.
“Người không sợ sẽ dám làm”
Ở cương vị chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công việc ông chỉ đạo lúc đầu là những vấn đề gì?
Nhìn lại 10 năm, sự ra đời của thị trường dựa trên yếu tố quan trọng đầu tiên là quyết tâm của Đảng và Chính phủ. Nếu không có sự thúc đẩy đó thì không thể làm được, hoặc còn lâu mới có thị trường chứng khoán tại Việt Nam.
Thứ hai nữa là các cơ quan Chính phủ giao nhiệm vụ và đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi thành lập cũng đã nắm bắt được nhiệm vụ quan trọng, tổ chức ngay bộ máy hoạt động. Chúng tôi đã hình thành 12 vụ, cục để lo từng công việc một cho thị trường.
Dẫn đến, chỉ trong vòng độ gần 2 năm, tất cả các mặt về tổ chức, cán bộ, luật lệ… đã hình thành. Lập các tổ chức trung gian thì không có vốn phải dựa vào ngân hàng, cho phép thành lập thêm một vài công ty, trong đó có công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên là SSI.
Xong rồi thì phải lo chuẩn bị hàng cho thị trường, cán bộ đi hết các tỉnh vận động doanh nghiệp lên sàn. Lúc đầu thì ai cũng ủng hộ, có khoảng 15 công ty dự tính lên sàn. Chuẩn bị xong, khi thị trường sắp mở thì chỉ còn hai công ty quyết tâm, là REE và SAM.
Khi số công ty chỉ còn như vậy thì ra mắt thị trường hay không cũng là một vấn đề. Quan điểm của tôi là phải ra để lấy kinh nghiệm, chứ còn ngồi chờ nhiều mới ra thì chưa chắc đã tốt.
Liệu có nhiều người sợ thị trường chứng khoán sẽ không thành công vào thời điểm đó, thưa ông?
Sợ thì nhiều người sợ, nhưng chúng tôi chẳng sợ.
Khi tôi sang làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhiều người trong đó có bạn bè nói rằng ông đang làm chỗ ngon lành thế, việc gì phải nhảy vào "bụi rậm". Rồi, sau này thành công không sao, nếu như thất bại, bao nhiêu tội tình ông gánh hết.
Tôi nghĩ là Đảng, Nhà nước đang cần đến mình thì tôi sẽ vượt hết khó khăn để làm. Ngay bản thân tôi, cũng thấy là đường đi gian nan vô cùng. Mình ngồi đấy vẽ ra được mô hình, bộ máy ấy, các phòng ban nghiệp vụ…, nhưng thực tế lúc đó đã có ai được đào tạo gì, sau này mới đi học.
Sự tự chủ mà các ông có được khi đó, chắc hẳn phải được sự ủng hộ rất lớn từ các lãnh đạo cấp cao?
Phải nói là lúc thành lập được rồi thì thế như chẻ tre. Tôi yêu cầu cái gì được cái đó. Trong vòng một tháng, tôi xin được trụ sở Ủy ban ở 164 Trần Quang Khải tại Hà Nội, giao ngay. Sau đó ở Tp.HCM tôi xin chỗ là Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM bây giờ. Chủ tịch UBND thành phố đồng ý, tôi xin Chính phủ 50 tỷ đồng để giải tỏa và sau đó được bàn giao ngay. Trụ sở của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội bây giờ, tôi với anh Hoàng Văn Nghiên là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khi đó đi một vòng và chọn được chỗ đầu phố Tràng Tiền - Phan Chu Trinh…
Về nguồn cán bộ, tôi phải nói với "các anh ấy" là các anh không hỗ trợ tôi đội ngũ 200 cán bộ chứng khoán từ ban đầu thì sau này các anh chịu trách nhiệm. Cho nên tổ chức phải cho tôi biên chế 200 người như thế. Tôi cũng trình bày với Chính phủ là cán bộ của Ủy ban Chứng khoán nên là cán bộ trẻ. Tôi cần cán bộ biết tiếp cận nhanh và quyết đoán. Những cán bộ chủ chốt, tôi cho đi học tại thị trường chứng khoán New York, cứ 3 tháng một đợt 3 người đi học.
Người quyết tâm và ủng hộ chúng tôi nhiều nhất là ông Võ Văn Kiệt. Ông nghe thường xuyên về tình hình của chúng tôi, có vấn đề gì đó là gọi chúng tôi tới. Tôi vẫn nói với anh em là nếu không có ông ấy, thị trường chứng khoán chưa chắc có thể đẩy nhanh được như vậy. Trụ sở ở Tp.HCM cũng do ông gợi ý và ủng hộ.
Có yêu cầu nào của ông bị bác bỏ không?
Chẳng có yêu cầu nào bị bác bỏ. Vì lúc bấy giờ, những cái mình đưa lên rất là sát sườn. Khi thị trường ra rồi, kiểm lại thì lúc đó anh em chúng tôi cũng có thể xem là có tầm nhìn.
Không sợ vốn chạy
Khi tham gia vào hoạch định thị trường chứng khoán, có bao giờ các ông xuất hiện ý nghĩ rằng thị trường rồi sẽ phát triển rực rỡ như thời "đỉnh cao" 2006-2007?
Lúc mới bắt đầu, chúng tôi không nghĩ được như vậy. Vì cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm chạp quá, mà đó là hàng hóa cho thị trường. Cho nên, những năm đầu chỉ hy vọng sau 10 năm, với tốc độ cổ phần hóa nhỏ giọt, thì vốn hóa thị trường chỉ chiếm 10-15% GDP là cùng.
Sau đó Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa thì cuối 2005-2006 là giai đoạn cổ phần hóa ra lớn nhất, và đến 2006-2007 thì vốn hóa thị trường chiếm trên 40% GDP rồi, chưa kể trái phiếu Chính phủ. Như vậy, sự đi lên của thị trường không phải đáng ngạc nhiên. Cùng với nó, tôi thấy được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ trong việc đẩy nhanh cổ phần hóa để thị trường phát triển mạnh.
Đã có những thời điểm, thị trường chứng khoán quá "nóng", buộc nhà quản lý phải điều chỉnh chính sách như thu hẹp biên độ, không cho vay cầm cố chứng khoán… Khi đó, ông có lo lắng về việc điều hành thị trường?
Lúc bấy giờ tôi còn làm cố vấn, một số anh em có hỏi tôi. Tôi bảo, đừng có hốt hoảng, theo tôi chưa có gì là nóng với lạnh cả, cứ để cho nó phát triển. Còn điều chỉnh biên độ là bình thường, lúc đó có phát hiện hiện tượng làm giá…
Một chuyện nữa là năm 2005, cũng có người khuyên nên theo chính sách của Thái Lan với nhà đầu tư nước ngoài, vốn đưa vào sau một năm mới được rút ra, rồi khống chế bằng lãi suất…
Tôi bảo, Việt Nam có đặc thù của mình, bởi vì chính sách quản lý ngoại hối của ta chặt chẽ hơn của Thái Lan nhiều, việc anh vào, anh ra không phải dễ dàng. Cuối năm 2008 cũng có một số nhà đầu tư bán tháo để rút lui, nhưng không nhiều, đến năm 2009 thì lại quay trở lại.
Bởi vì đầu tư gián tiếp nước ngoài là dễ tháo chạy, nếu chính sách của anh lỏng lẻo. Cho nên chính sách của mình là làm thế nào để khuyến khích đầu tư dài hạn hơn. Trước khi hình thành thị trường, tôi cũng báo cáo "các anh ấy" là ta có cái van quản lý ngoại hối, tiền vào thế nào, tiền ra ra sao, tỷ giá thế nào là ta nắm chặt trong tay rồi, không sợ họ chạy.
Khi thị trường nóng lên, một số doanh nghiệp từng bỏ cả sản xuất để đầu tư chứng khoán. Hiện tượng đó có đáng lo không?
Theo tôi là bình thường, chẳng có gì đáng lo lắng cả. Tất cả vì lợi ích thôi. Trong quá trình vận động thì thế nào cũng có anh đào thải, có anh phát triển đi lên, cũng có anh chuyển từ ngành này sang ngành khác, tìm chỗ nào có lợi nhuận lớn nhất. Không nên lo gì chuyện ấy.
Trong hoạt động kinh doanh, việc người ta thay đổi tư duy và suy nghĩ là điều cần thiết.
Phải chấp nhận còn tiêu cực
Sau 10 năm, những chức năng cơ bản của thị trường chứng khoán là tạo “chợ” mua bán, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản, tạo kênh huy động vốn và tăng tính minh bạch, theo ông đã đạt được chưa?
Cơ bản là đã đạt được. Thanh khoản bây giờ là khá rồi, các công ty chứng khoán còn đang yêu cầu T+0 là vì thế, đẩy mạnh thanh toán thì càng tốt cho thị trường.
Về việc huy động vốn, cũng có công ty khó khăn cũng vì bản thân họ làm ăn cũng chưa phải thực sự nghiêm chỉnh, chỉ "mông má" cho đẹp để phát hành cổ phiếu. Trong khi, nhìn chung nhà đầu tư đã có kiến thức, đã có người giúp họ phân tích có nên mua cổ phiếu của anh không… Yêu cầu của thị trường chứng khoán là anh lên sàn thì phải rất minh bạch, thua lỗ cũng phải công bố rõ ràng…
Thực tế hiện nay đòi hỏi những anh huy động vốn qua chứng khoán phải làm ăn nghiêm túc, để có đầy đủ điều kiện tạo vốn mà phát triển to hơn nữa. Huy động mà làm ăn thua lỗ thì ai làm ăn với anh.
Lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp cũng thường là người nắm giữ nhiều cổ phiếu. Ông nghĩ gì về tính minh bạch và công bằng trên thị trường hiện nay?
Tất nhiên anh nào cũng vì lợi ích của mình. Trong công ty, lợi ích tập thể thì ít nhưng lợi ích cá nhân có khi nhiều hơn. Nói thật là thế, và điều đó không tránh khỏi.
Thông tin nội gián thì thế giới người ta tổng kết rồi, mình ở mức độ nào đó thôi, hiện nay có nhưng không phải đến mức độ như các thị trường khác. Đã có một số vụ việc được phát giác và cơ quan chức năng xử lý ngay để răn đe và hạn chế.
Vậy theo ông, việc điều hành thị trường hiện nay đã đảm bảo công bằng giữa các bên tham gia hay chưa?
Cái đó đòi hỏi cả một quá trình phát triển. Nếu một lúc đạt hết các cái đó thì tuyệt vời. Nhưng theo tôi, không thể có thị trường nào như thế, lúc hiện tượng này, lúc hiện tượng khác… Trong quá trình phát triển thế nào cũng có chuyện.
Đến như thị trường chứng khoán Mỹ, minh bạch là thế, kiểm toán ghê gớm là thế, mà cũng có công ty lừa đảo. Mặt tiêu cực phải đề phòng, nhưng rõ ràng phải chấp nhận nó cùng tồn tại với thị trường.
Vậy còn những yếu tố nào cần điều chỉnh, theo ông?
Cần làm thế nào để thị trường chứng khoán Việt Nam gắn liền với sự phát triển của kinh tế đất nước. Ví dụ, chúng ta có luật rồi nhưng trong quá trình thực hiện, thị trường phát triển nhanh thì cần điều chỉnh luật cho phù hợp với tình hình. Các chính sách cũng phải đồng bộ với nhau và phải được phân định rõ ràng để các nhà đầu tư, tổ chức trung gian dễ thực hiện.
Đồng thời, cần thúc đẩy cổ phần hóa mạnh mẽ hơn để cung cấp hàng hóa thực sự có chất lượng cho thị trường. Và đặc biệt là tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như tỷ lệ tại các ngân hàng như hiện nay khiến nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chưa vào.
Thị trường chứng khoán được cho là một công cụ của chính sách tiền tệ, liên quan đến cung cấp vốn cho nền kinh tế, vì sao không thuộc Ngân hàng Nhà nước mà lại thuộc Bộ Tài chính, thưa ông?
Quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, thay mặt Chính phủ, là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi thực hiện chính sách tiền tệ của nhà nước thì trong đó có đóng góp của Bộ Tài chính mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện nằm trong đó.
Trước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ, sau đó nhập vào Bộ Tài chính. Nhưng theo tôi, về lâu về dài chắc sẽ tách ra thuộc Chính phủ, bởi vì giải quyết các vấn đề của thị trường chứng khoán phải từng ngày, từng giờ, chứ không phải ngồi đấy để chờ trình qua nhiều cấp...
Ông Lê Văn Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, vị chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã kể lại như thế về sự hình thành của thị trường chứng khoán Việt Nam. Người góp phần không nhỏ trong việc đặt nền móng cho thị trường chứng khoán trong nước còn nhớ rõ nhiều điều đã từng trải trong gần 20 năm qua.
Trò chuyện với VnEconomy, ông nói:
- Giai đoạn đó là khi Việt Nam đã nối lại quan hệ vay mượn với quốc tế, sau thời gian dài bị bao vây kinh tế. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng khoản tiền họ cho vay không phải là vô hạn, nó chỉ có mức độ, phụ thuộc vào từng giai đoạn và từng dự án. Trong khi đó, dù hệ thống ngân hàng trong nước đã hình thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và ngân hàng cổ phần, một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng đã được cấp phép… nhưng cũng không thể giải quyết đủ được vốn theo nhu cầu phát triển nhanh mà chúng ta đặt kế hoạch.
Bàn đi bàn lại, chúng tôi mới tính đến chuyện phát hành trái phiếu Chính phủ. Thế nhưng phát hành cho ai, đưa vào đâu? Trước đó, các ngân hàng chúng ta chỉ mua tín phiếu kho bạc ngắn ngày thôi. Cuối cùng phải tính đến việc phát triển thị trường chứng khoán để đưa hàng vào đó mà bán. Vì phát hành trái phiếu Chính phủ, các ngân hàng đứng ra mua thì phải có thị trường đấu giá với nhau mới thành giá cả được chứ.
Ông Đỗ Mười mới hỏi lại là các đồng chí nói thế có cơ sở gì không? Tôi báo cáo là trong thời gian chống Mỹ cứu nước, tôi làm việc trong tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, nên có tiếp cận với vấn đề này từ năm 1967-1968 rồi, biết thế nào là thị trường chứng khoán rồi, Singapore tôi cũng đi rồi, sau giải phóng thì đi Mỹ, thị trường chứng khoán New York cũng đã qua rồi, nên tôi cho là có thể làm được.
Vì nguồn vốn cho đất nước
Nicolas Darvas, nhà đầu tư huyền thoại của Mỹ, trong cuốn "Phố Wall - Một Las Vegas khác" đã ví thị trường chứng khoán Mỹ như một sòng bài với tính chất và vai trò của các bên tham gia. Vào thời điểm đó, các ông nhìn nhận như thế nào về thị trường chứng khoán?
Suy nghĩ của mỗi người mỗi khác. Chính ở Việt Nam đúng là cũng có nhiều người nghĩ tổ chức thị trường chứng khoán chẳng qua là làm sòng bạc.
Nhưng tôi không suy nghĩ như thế. Ở Việt Nam hoàn toàn khác, chúng ta hình thành thị trường chứng khoán là để thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho đất nước, và đó mới là mục tiêu quan trọng nhất.
Doanh nghiệp chúng ta phát triển ra nhiều nhưng vốn yếu thì anh phải cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu ra để huy động thêm vốn. Trong quá trình huy động vốn cho phát triển, cho doanh nghiệp, kể cả nhà nước và tư nhân, hệ thống ngân hàng chỉ cung cấp được một phần, chủ yếu là vốn ngắn hạn.
Nhưng vốn ngân hàng cũng không thể dùng tiền gửi ngắn hạn của dân để đầu tư dài hạn mãi được. Trong khi vay vốn bên ngoài không phải lúc nào người ta cũng cho vay, lãi suất lại cao nữa… Cho nên, muốn tạo nguồn vốn trung và dài hạn thì phải phát triển thị trường vốn. Mục tiêu hình thành thị trường chứng khoán là vì thế.
Hiểu theo góc nhìn của nhà quản lý thì thị trường chứng khoán là nơi mua bán chứng khoán và giấy tờ có giá. Nhưng với nhà đầu tư, đơn giản chỉ là được và mất, gắn với túi tiền của họ...
Những anh đó chỉ tham gia để kiếm lời thôi, những người kinh doanh thì người ta tham gia với mục đích là làm thế nào kiếm được thật nhiều tiền. Còn đứng trên góc độ tạo vốn cho nền kinh tế, tôi nhìn thị trường hoàn toàn khác.
Không có một đất nước nào mà không có nhà đầu cơ. Và cũng không chỉ riêng thị trường chứng khoán, đã là thị trường và tất cả các thị trường đều có đầu cơ hết. Nên hiểu đầu cơ là lẽ tất nhiên trong quá trình phát triển, thế thôi.
“Thế thì làm thôi”
Xin hỏi ông, những điều trên có được bàn đến trong lần cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “bảo vệ” đề án phát triển thị trường chứng khoán trước Bộ Chính trị, mà ông có tháp tùng?
Ông Võ Văn Kiệt là người ủng hộ. Có một số chuyên viên ngân hàng xuất thân từ thời chính quyền Sài Gòn cũ, cũng tham mưu nên có thị trường vốn như thế. Ông nghe hai luồng ý kiến tương đối khớp, ông nói thế thì tốt quá. Rồi chúng tôi làm một đề án sơ bộ để ông đưa ra Bộ Chính trị và tôi là người tháp tùng lần đó.
Đến. Mình chưa trình bày, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ là Cố vấn Ban chấp hành Trung ương mới hỏi là: “Đồng chí Châu, tại sao chúng ta là nước xã hội chủ nghĩa mà lại phải xây dựng thị trường chứng khoán?”. Nhân đó, ông Đỗ Mười cũng nói: “Đồng chí cho biết tính chất giai cấp của thị trường chứng khoán là gì?”
Tôi biết các ông ấy thử tôi thôi. Tôi nói: “Báo cáo, tôi có chuẩn bị một đề cương để trình bày cụ thể. Các anh có hỏi thì cho phép tôi nói suy nghĩ của tôi”. Tôi nói: “Thị trường chứng khoán không chỉ dành riêng cho các nước tư bản mà nó là sản phẩm của loài người, và bất kỳ chế độ xã hội nào biết vận dụng nó để trở thành công cụ tạo vốn trung dài hạn cho nền kinh tế thì nó sẽ phục vụ cho chính quyền đó, giai cấp đó”.
Ông Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ mới nói lại là: “Tôi hỏi để xem đồng chí hiểu như thế nào, chứ chúng tôi cũng nghĩ như vậy”. Rồi ông bảo: “Thế thì làm thôi”.
Tức là các ông không phải bảo vệ đề án đã dày công chuẩn bị?
Đề án thì sau này, Ngân hàng Nhà nước cũng chuẩn bị một đề án. Viện Nghiên cứu kinh tế Tp.HCM cũng có đề án, sơ lược thôi vì lúc đó không có người chuyên sâu về thị trường chứng khoán. Đồng thời, Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ của Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương cũng có, Bộ Tài chính cũng có… Nhưng cuối cùng, đề án mỗi anh làm một kiểu.
Lúc đó, tôi đề nghị ông Võ Văn Kiệt nên cho thành lập một tiểu ban để chuẩn bị cho có đầu có đũa, thành phần tham gia là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ cùng tham gia. Tôi cũng nói là nên giao cho anh Hồ Tế lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Anh Hồ Tế mới giao lại cho anh Nguyễn Sinh Hùng lúc đó mới được bổ nhiệm vào vị trí Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Tôi cũng muốn rút ra làm chuyên gia phản biện thôi, nhưng cuối cùng vẫn phải làm tổ phó. Sau đó, chúng tôi mới lấy đề án của Ngân hàng Nhà nước làm sườn chính để hình thành lên một đề án chính thức. Lúc thành lập được rồi, ra đề án rồi, trình lên thành viên Chính phủ thì mỗi người hiểu mỗi khác. Cuối cùng, ông Võ Văn Kiệt nhìn tôi hỏi giờ kết luận thế nào?
Để các anh khác phát biểu hết tôi mới nói, thay mặt Ngân hàng Nhà nước, cứ thử ví thị trường chứng khoán là một con voi thì hôm nay tất cả các anh phát biểu cũng như sờ voi thôi, người thì sờ cái vòi cũng bảo tôi sờ voi, người sờ cái tai, cái đuôi cũng bảo tôi sờ được voi… nhưng chưa có ai sờ toàn bộ con voi cả.
Thị trường chứng khoán, các đồng chí có thể đọc tài liệu cách đây trăm năm rồi, có người có thể đọc 3-4 chục năm trước đây… cho nên hiểu rất lõm bõm. Văn bản họ có hàng trăm năm và qua sửa đổi từ đầu chí cuối, hàng năm bổ sung, cho nên nếu mình chọn khúc giữa, hay chọn cái đầu tiên là có thể sai.
Đề án của chúng tôi là trên cơ sở tiếp cận tất cả thị trường, từ lúc hình thành cho đến bây giờ, quá trình diễn biến. Tôi cũng báo cáo là giao lại cho chúng tôi chuẩn bị để trình Chính phủ quyết.
Mô hình hoàn toàn Việt Nam
Nếu theo cách dùng từ của ông là “hiểu lõm bõm” và hình ảnh “sờ voi”, liệu có thể cho rằng quyết định ra đời thị trường chứng khoán vào thời điểm đó vẫn còn mang nặng cảm tính hơn là tri thức?
Cũng không phải cảm tính. Tức là khi các anh ấy thấy được rằng chuyển đổi kinh tế mà không có thị trường chứng khoán là không được, là thiếu đi một mảng quá lớn và cần thiết phải có để cùng đồng bộ với những cải cách về kinh tế và thương mại. Nó là như thế, chứ không phải thích thì làm thôi.
Tôi hay nói là từ nhận thức đi đến hành động là thế này, khi nhận thức thấy là cần thiết và cần làm ngay rồi thì chuyển ngay thành hành động.
Lúc ấy, các ông chọn theo mô hình nào?
Khi chuẩn bị tất cả các mô hình, tôi báo cáo cả mô hình của Mỹ, mô hình của các nước Đông Nam Á, của Trung Quốc… Tôi báo cáo hết. Có người hỏi tôi là anh lấy theo mô hình của nước nào? Tôi trả lời là không lấy mô hình nước nào cả mà mô hình của Việt Nam, hoàn toàn của Việt Nam.
Của người ta, ví dụ như Mỹ là tự phát, khi phát triển lên không ai quản lý thì 10 năm sau, đến năm 1929 mới thành lập ra Ủy ban Chứng khoán để quản lý về mặt pháp luật. Các quốc gia khác cũng thế. Trung Quốc thì năm 1990 họ cho Thâm Quyến và Thượng Hải thành lập thị trường chứng khoán và giao hai địa phương này quản lý, từ đó đề ra luật lệ mà làm. Năm 1990 ra thì 1991-1992 loạn lên rồi, từ đó mới ra đời Ủy ban Giám quản để quản lý thị trường.
Tôi báo cáo là ta không dại gì làm theo họ vì ta là nước đi sau, họ có thời gian không khắc phục được khiến khuyết thị trường thì ta phải khắc phục ngay. Cho nên, tôi xin thành lập một cơ quan quản lý nhà nước đầu tiên để lo tất cả vấn đề của thị trường, và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra đời từ đó.
“Anh nào cũng có lợi hết”
Ông là thành viên tham gia tích cực nhất ngay từ ngày đầu, là đại diện cho Ngân hàng Nhà nước tham gia các nhóm công tác liên ngành, và sau này là chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vậy theo ông, Ngân hàng Nhà nước được lợi gì khi vận động thành lập thị trường chứng khoán?
Mình nhìn là lợi ích của cả quốc gia, trong đó có của các ngành, chứ không phải ngân hàng lợi gì và tài chính lợi gì. Anh nào cũng có lợi hết.
Anh quản lý ngân sách quốc gia thì anh tạo vốn được nhiều, anh làm về cải cách doanh nghiệp, cổ phần hóa thì chính nhờ cái đó, người ta ra thị trường để tạo vốn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh tốc độ dự án.
Đối với Ngân hàng Nhà nước, khi quản lý chính sách tiền tệ thì trong đó phải có các công cụ, trước đây chỉ có công cụ ngắn hạn, giờ có công cụ dài hạn này. Chính sách tiền tệ không tự chủ thì không làm được…
Khi có thị trường vốn, thị trường chứng khoán rồi thì các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán sẽ vào để mua bán, kinh doanh. Có pháp luật, có tất cả các thứ rồi thì họ vào thôi. Năm 1990-1997, khi không có thị trường chứng khoán mà các quỹ đầu tư mạo hiểm đã vào, 7 công ty có vốn 400 triệu USD.
“Người không sợ sẽ dám làm”
Ở cương vị chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công việc ông chỉ đạo lúc đầu là những vấn đề gì?
Nhìn lại 10 năm, sự ra đời của thị trường dựa trên yếu tố quan trọng đầu tiên là quyết tâm của Đảng và Chính phủ. Nếu không có sự thúc đẩy đó thì không thể làm được, hoặc còn lâu mới có thị trường chứng khoán tại Việt Nam.
Thứ hai nữa là các cơ quan Chính phủ giao nhiệm vụ và đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi thành lập cũng đã nắm bắt được nhiệm vụ quan trọng, tổ chức ngay bộ máy hoạt động. Chúng tôi đã hình thành 12 vụ, cục để lo từng công việc một cho thị trường.
Dẫn đến, chỉ trong vòng độ gần 2 năm, tất cả các mặt về tổ chức, cán bộ, luật lệ… đã hình thành. Lập các tổ chức trung gian thì không có vốn phải dựa vào ngân hàng, cho phép thành lập thêm một vài công ty, trong đó có công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên là SSI.
Xong rồi thì phải lo chuẩn bị hàng cho thị trường, cán bộ đi hết các tỉnh vận động doanh nghiệp lên sàn. Lúc đầu thì ai cũng ủng hộ, có khoảng 15 công ty dự tính lên sàn. Chuẩn bị xong, khi thị trường sắp mở thì chỉ còn hai công ty quyết tâm, là REE và SAM.
Khi số công ty chỉ còn như vậy thì ra mắt thị trường hay không cũng là một vấn đề. Quan điểm của tôi là phải ra để lấy kinh nghiệm, chứ còn ngồi chờ nhiều mới ra thì chưa chắc đã tốt.
Liệu có nhiều người sợ thị trường chứng khoán sẽ không thành công vào thời điểm đó, thưa ông?
Sợ thì nhiều người sợ, nhưng chúng tôi chẳng sợ.
Khi tôi sang làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhiều người trong đó có bạn bè nói rằng ông đang làm chỗ ngon lành thế, việc gì phải nhảy vào "bụi rậm". Rồi, sau này thành công không sao, nếu như thất bại, bao nhiêu tội tình ông gánh hết.
Tôi nghĩ là Đảng, Nhà nước đang cần đến mình thì tôi sẽ vượt hết khó khăn để làm. Ngay bản thân tôi, cũng thấy là đường đi gian nan vô cùng. Mình ngồi đấy vẽ ra được mô hình, bộ máy ấy, các phòng ban nghiệp vụ…, nhưng thực tế lúc đó đã có ai được đào tạo gì, sau này mới đi học.
Sự tự chủ mà các ông có được khi đó, chắc hẳn phải được sự ủng hộ rất lớn từ các lãnh đạo cấp cao?
Phải nói là lúc thành lập được rồi thì thế như chẻ tre. Tôi yêu cầu cái gì được cái đó. Trong vòng một tháng, tôi xin được trụ sở Ủy ban ở 164 Trần Quang Khải tại Hà Nội, giao ngay. Sau đó ở Tp.HCM tôi xin chỗ là Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM bây giờ. Chủ tịch UBND thành phố đồng ý, tôi xin Chính phủ 50 tỷ đồng để giải tỏa và sau đó được bàn giao ngay. Trụ sở của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội bây giờ, tôi với anh Hoàng Văn Nghiên là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khi đó đi một vòng và chọn được chỗ đầu phố Tràng Tiền - Phan Chu Trinh…
Về nguồn cán bộ, tôi phải nói với "các anh ấy" là các anh không hỗ trợ tôi đội ngũ 200 cán bộ chứng khoán từ ban đầu thì sau này các anh chịu trách nhiệm. Cho nên tổ chức phải cho tôi biên chế 200 người như thế. Tôi cũng trình bày với Chính phủ là cán bộ của Ủy ban Chứng khoán nên là cán bộ trẻ. Tôi cần cán bộ biết tiếp cận nhanh và quyết đoán. Những cán bộ chủ chốt, tôi cho đi học tại thị trường chứng khoán New York, cứ 3 tháng một đợt 3 người đi học.
Người quyết tâm và ủng hộ chúng tôi nhiều nhất là ông Võ Văn Kiệt. Ông nghe thường xuyên về tình hình của chúng tôi, có vấn đề gì đó là gọi chúng tôi tới. Tôi vẫn nói với anh em là nếu không có ông ấy, thị trường chứng khoán chưa chắc có thể đẩy nhanh được như vậy. Trụ sở ở Tp.HCM cũng do ông gợi ý và ủng hộ.
Có yêu cầu nào của ông bị bác bỏ không?
Chẳng có yêu cầu nào bị bác bỏ. Vì lúc bấy giờ, những cái mình đưa lên rất là sát sườn. Khi thị trường ra rồi, kiểm lại thì lúc đó anh em chúng tôi cũng có thể xem là có tầm nhìn.
Không sợ vốn chạy
Khi tham gia vào hoạch định thị trường chứng khoán, có bao giờ các ông xuất hiện ý nghĩ rằng thị trường rồi sẽ phát triển rực rỡ như thời "đỉnh cao" 2006-2007?
Lúc mới bắt đầu, chúng tôi không nghĩ được như vậy. Vì cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm chạp quá, mà đó là hàng hóa cho thị trường. Cho nên, những năm đầu chỉ hy vọng sau 10 năm, với tốc độ cổ phần hóa nhỏ giọt, thì vốn hóa thị trường chỉ chiếm 10-15% GDP là cùng.
Sau đó Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa thì cuối 2005-2006 là giai đoạn cổ phần hóa ra lớn nhất, và đến 2006-2007 thì vốn hóa thị trường chiếm trên 40% GDP rồi, chưa kể trái phiếu Chính phủ. Như vậy, sự đi lên của thị trường không phải đáng ngạc nhiên. Cùng với nó, tôi thấy được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ trong việc đẩy nhanh cổ phần hóa để thị trường phát triển mạnh.
Đã có những thời điểm, thị trường chứng khoán quá "nóng", buộc nhà quản lý phải điều chỉnh chính sách như thu hẹp biên độ, không cho vay cầm cố chứng khoán… Khi đó, ông có lo lắng về việc điều hành thị trường?
Lúc bấy giờ tôi còn làm cố vấn, một số anh em có hỏi tôi. Tôi bảo, đừng có hốt hoảng, theo tôi chưa có gì là nóng với lạnh cả, cứ để cho nó phát triển. Còn điều chỉnh biên độ là bình thường, lúc đó có phát hiện hiện tượng làm giá…
Một chuyện nữa là năm 2005, cũng có người khuyên nên theo chính sách của Thái Lan với nhà đầu tư nước ngoài, vốn đưa vào sau một năm mới được rút ra, rồi khống chế bằng lãi suất…
Tôi bảo, Việt Nam có đặc thù của mình, bởi vì chính sách quản lý ngoại hối của ta chặt chẽ hơn của Thái Lan nhiều, việc anh vào, anh ra không phải dễ dàng. Cuối năm 2008 cũng có một số nhà đầu tư bán tháo để rút lui, nhưng không nhiều, đến năm 2009 thì lại quay trở lại.
Bởi vì đầu tư gián tiếp nước ngoài là dễ tháo chạy, nếu chính sách của anh lỏng lẻo. Cho nên chính sách của mình là làm thế nào để khuyến khích đầu tư dài hạn hơn. Trước khi hình thành thị trường, tôi cũng báo cáo "các anh ấy" là ta có cái van quản lý ngoại hối, tiền vào thế nào, tiền ra ra sao, tỷ giá thế nào là ta nắm chặt trong tay rồi, không sợ họ chạy.
Khi thị trường nóng lên, một số doanh nghiệp từng bỏ cả sản xuất để đầu tư chứng khoán. Hiện tượng đó có đáng lo không?
Theo tôi là bình thường, chẳng có gì đáng lo lắng cả. Tất cả vì lợi ích thôi. Trong quá trình vận động thì thế nào cũng có anh đào thải, có anh phát triển đi lên, cũng có anh chuyển từ ngành này sang ngành khác, tìm chỗ nào có lợi nhuận lớn nhất. Không nên lo gì chuyện ấy.
Trong hoạt động kinh doanh, việc người ta thay đổi tư duy và suy nghĩ là điều cần thiết.
Phải chấp nhận còn tiêu cực
Sau 10 năm, những chức năng cơ bản của thị trường chứng khoán là tạo “chợ” mua bán, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản, tạo kênh huy động vốn và tăng tính minh bạch, theo ông đã đạt được chưa?
Cơ bản là đã đạt được. Thanh khoản bây giờ là khá rồi, các công ty chứng khoán còn đang yêu cầu T+0 là vì thế, đẩy mạnh thanh toán thì càng tốt cho thị trường.
Về việc huy động vốn, cũng có công ty khó khăn cũng vì bản thân họ làm ăn cũng chưa phải thực sự nghiêm chỉnh, chỉ "mông má" cho đẹp để phát hành cổ phiếu. Trong khi, nhìn chung nhà đầu tư đã có kiến thức, đã có người giúp họ phân tích có nên mua cổ phiếu của anh không… Yêu cầu của thị trường chứng khoán là anh lên sàn thì phải rất minh bạch, thua lỗ cũng phải công bố rõ ràng…
Thực tế hiện nay đòi hỏi những anh huy động vốn qua chứng khoán phải làm ăn nghiêm túc, để có đầy đủ điều kiện tạo vốn mà phát triển to hơn nữa. Huy động mà làm ăn thua lỗ thì ai làm ăn với anh.
Lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp cũng thường là người nắm giữ nhiều cổ phiếu. Ông nghĩ gì về tính minh bạch và công bằng trên thị trường hiện nay?
Tất nhiên anh nào cũng vì lợi ích của mình. Trong công ty, lợi ích tập thể thì ít nhưng lợi ích cá nhân có khi nhiều hơn. Nói thật là thế, và điều đó không tránh khỏi.
Thông tin nội gián thì thế giới người ta tổng kết rồi, mình ở mức độ nào đó thôi, hiện nay có nhưng không phải đến mức độ như các thị trường khác. Đã có một số vụ việc được phát giác và cơ quan chức năng xử lý ngay để răn đe và hạn chế.
Vậy theo ông, việc điều hành thị trường hiện nay đã đảm bảo công bằng giữa các bên tham gia hay chưa?
Cái đó đòi hỏi cả một quá trình phát triển. Nếu một lúc đạt hết các cái đó thì tuyệt vời. Nhưng theo tôi, không thể có thị trường nào như thế, lúc hiện tượng này, lúc hiện tượng khác… Trong quá trình phát triển thế nào cũng có chuyện.
Đến như thị trường chứng khoán Mỹ, minh bạch là thế, kiểm toán ghê gớm là thế, mà cũng có công ty lừa đảo. Mặt tiêu cực phải đề phòng, nhưng rõ ràng phải chấp nhận nó cùng tồn tại với thị trường.
Vậy còn những yếu tố nào cần điều chỉnh, theo ông?
Cần làm thế nào để thị trường chứng khoán Việt Nam gắn liền với sự phát triển của kinh tế đất nước. Ví dụ, chúng ta có luật rồi nhưng trong quá trình thực hiện, thị trường phát triển nhanh thì cần điều chỉnh luật cho phù hợp với tình hình. Các chính sách cũng phải đồng bộ với nhau và phải được phân định rõ ràng để các nhà đầu tư, tổ chức trung gian dễ thực hiện.
Đồng thời, cần thúc đẩy cổ phần hóa mạnh mẽ hơn để cung cấp hàng hóa thực sự có chất lượng cho thị trường. Và đặc biệt là tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như tỷ lệ tại các ngân hàng như hiện nay khiến nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chưa vào.
Thị trường chứng khoán được cho là một công cụ của chính sách tiền tệ, liên quan đến cung cấp vốn cho nền kinh tế, vì sao không thuộc Ngân hàng Nhà nước mà lại thuộc Bộ Tài chính, thưa ông?
Quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, thay mặt Chính phủ, là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi thực hiện chính sách tiền tệ của nhà nước thì trong đó có đóng góp của Bộ Tài chính mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện nằm trong đó.
Trước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ, sau đó nhập vào Bộ Tài chính. Nhưng theo tôi, về lâu về dài chắc sẽ tách ra thuộc Chính phủ, bởi vì giải quyết các vấn đề của thị trường chứng khoán phải từng ngày, từng giờ, chứ không phải ngồi đấy để chờ trình qua nhiều cấp...