23:27 18/07/2010

“Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng theo cấp số nhân”

Minh Đức

Sau 10 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đánh cồng khai trương phiên giao dịch ngày 30/11/2007 tại HNX, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đánh cồng khai trương phiên giao dịch ngày 30/11/2007 tại HNX, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân qua 10 năm hoạt động, theo lời Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Nhưng phía sau tốc độ đó là yêu cầu củng cố nền tảng, chất lượng để phát triển bền vững.

Ngày 18/7, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mốc khởi động của thị trường được đánh dấu vào ngày 20/7/2000, ngày Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (nay là Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM - HOSE) chính thức đi vào hoạt động. Nhưng, sự chuẩn bị đã được thai nghén từ những năm 1990 - 1995, khi các đầu mối chức năng bắt đầu bắt tay vào việc tìm hiểu, xúc tiến xây dựng cơ cấu tổ chức, hành lang pháp lý…

Trong năm đầu tiên chính thức hoạt động, từ mức bình quân 1,4 tỷ đồng mỗi phiên, đến nay giá trị giao dịch bình quân của toàn thị trường đã đạt tới trên 3.300 tỷ đồng; mức vốn hóa từ 986 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,28% GDP nay đã lên tới 695.186 tỷ đồng, chiếm tới hơn 42% GDP; từ 2 cổ phiếu đầu tiên tham gia niêm yết, nay cả hai đầu HOSE và HNX đã có khoảng 550 cổ phiếu.

Đi cùng với sự phát triển nhanh chóng đó, thị trường chứng khoán đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, thay vì lệ thuộc vào kênh ngân hàng trước đó.

Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán, chỉ riêng tổng giá trị vốn huy động qua thị trường này trong 5 năm gần đây đã đạt gần 300 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% GDP. Trong đó, riêng năm 2007 tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 127 nghìn tỷ đồng.

Số lượng các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán đã tăng từ 7 công ty chứng khoán và 1 công ty quản lý quỹ lên 105 công ty chứng khoán và 46 công ty quản lý quỹ tính đến thời điểm này.

Bên cạnh đó, các ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư tham gia thị trường đã góp phần hình thành một hệ thống các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tính đến nay đã có 22 quỹ đầu tư chứng khoán, với tổng tài sản gần 72 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, chứng khoán đã trở thành kênh thu hút sự quan tâm và tham gia nhanh chóng của công chúng đầu tư trong và ngoài nước. Từ 3.000 tài khoản năm 2000, đến nay thị trường đã có 926.000 tài khoản.

Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán cũng đã được mở rộng, với danh mục đầu tư đạt gần 7 tỷ USD và trên 12.000 tài khoản, trong đó có trên 1.300 tài khoản là của các tổ chức.

Nhìn lại những kết quả trên, phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thị trường, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đó là một tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân, nhanh và mạnh. Sự phát triển này một phần khẳng định bước đi quan trọng trong định hướng xâu dựng nền kinh tế thị trường, một phần tạo được kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, phía sau sự phát triển nhanh chóng đó, yêu cầu số một hiện nay là phải đảm bảo được chất lượng của nguồn hàng để tạo được thị trường hấp dẫn; đảm bảo được chất lượng của các tổ chức, định chế trung gian, khi sự phát triển của số lượng phải đi cùng với chất lượng.

Với nhà đầu tư và công chúng đầu tư, Phó thủ tướng cho rằng trình độ và bản lĩnh nói chung đã được nâng cao; và để phát triển thị trường thì đây là lực lượng trọng tâm, bởi “nhà đầu tư tìm hiểu, bỏ tiền tìm cơ hội và hơn ai hết họ là những người chịu rủi ro và giám sát hiệu quả hoạt động đầu tư, giám sát thị trường”.

Và để bảo vệ nhà đầu tư, bên cạnh công tác tạo hàng, hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các định chế trung gian, theo Phó thủ tướng, yêu cầu quan trọng là phải công khai, minh bạch, thông tin phải trong suốt để thị trường hoạt động có hiệu quả.

Một số dữ liệu về quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam
(Nguồn: Ủy ban Chứng khoán)

 

Thời gian

Tài khoản nhà đầu tư Công ty quản lý quỹ Công ty chứng khoán Công ty niêm yết
2000 2.908   7 5
2001 8.780   8 10
2002 13.607   9 20
2003 16.486 1 12 22
2004 21.600 2 13 26
2005 29.065 6 14 41
2006 110.652 18 55 195
2007 312.139 25 78 253
2008 531.428 43 102 342
2009 822.914 46 105 457
2010* 925.955 46 105 557
* Tính đến 30/6/2010

Thời gian Giá trị giao dịch bình quân phiên (tỷ đồng) Vốn hóa TT (tỷ đồng) % GDP
2000 1,4 986 0,28%
2001 6,85 1.570 0,34%
2002 4,58 2.436 0,48%
2003 12,14 2.370 0,39%
2004 79,55 4.516 0,63%
2005 111,90 9.598 1,21%
2006 401,84 237.276 22,70%
2007 1.562,21 492.900 40,00%
2008 1.615,79 225.935 19,76%
2009 2.872,75 620.551 37,71%
2010* 3.306,80 695.186 42,25%
* Tính đến 30/6/2010 - % GDP của năm liền trước năm tính toán