15:35 01/01/2008

10 sự kiện công nghệ thông tin, truyền thông năm 2007

Ban biên tập

VnEconomy giới thiệu 10 sự kiện công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) nổi bật năm 2007, do các phóng viên bình chọn

Giá cước dịch vụ viễn thông di động ngày một giảm - Ảnh: Việt Tuấn.
Giá cước dịch vụ viễn thông di động ngày một giảm - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngày 27/12/2007, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) đã tổ chức lễ công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) nổi bật năm 2007, do gần 50 phóng viên chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông bình chọn.

Việc bình chọn được thực hiện theo hình thức cho điểm trên cơ sở 18 sự kiện được đề cử.

1. Dừng Đề án 112

Ngày 19/4/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo dừng triển khai Đề án Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005 (Đề án 112).

Đề án 112, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng, đã không thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Không những thế, một số cán bộ trong Ban điều hành Đề án 112 đã có những hành vi tham nhũng, cấu kết với nhau để móc tiền công quỹ. Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã vào cuộc và khởi tố bị can với Trưởng Ban điều hành, Thư ký Ban cùng một số cán bộ liên quan.

Đề án 112 ngừng lại, nhưng điều đó không có nghĩa là công cuộc tin học hóa hành chính nhà nước và rộng ra là xây dựng một nền hành chính điện tử, một nhà nước điện tử phải ngừng lại. Trái lại, để có được một nhà nước hiệu quả hơn, đúng nghĩa là do dân, vì dân, hỗ trợ tốt hơn nữa cho dân và cho doanh nghiệp thì công cuộc này càng cần phải đẩy
mạnh.

2. Thủ tướng đối thoại trực tuyến với nhân dân

Ngày 9/2/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đối thoại trực tuyến với nhân dân và doanh nghiệp trên Website Chính phủ, Báo điện tử Đảng Cộng sản và Báo Điện tử VietnamNet.

Đây là lần đầu tiên, Nhà lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, qua mạng Internet, trả lời trực tiếp người dân xung quanh nhiều vấn đề như tham nhũng, y tế, giáo dục, quản lý nền kinh tế.

Cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ không chỉ là sự khởi đầu cho một loạt các cuộc đối thoại trực tuyến trong năm nay của các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn lớn với nhân dân và doanh nghiệp, mà còn thể hiện tinh thần “thẳng thắn, trách nhiệm và gần dân” của Chính phủ.

Sự kiện này cũng cho thấy vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng được thể hiện một cách thiết thực trong mọi lĩnh vực đời sống chính trị - kinh tế - xã hội đất nước.

3. Tuyến cáp quang biển bị cắt trộm

Ngày 23/3/2007, tuyến cáp quang biển TVH bị đứt trên đoạn rẽ nhánh sang Thái Lan, toàn bộ lưu lượng trên tuyến này đã được chuyển sang tuyến cáp SMW3.

Thế nhưng, ở thời điểm đó nhiều ngư dân đã sắm hẳn phương tiện để đi khai thác cáp biển, thậm chí một số địa phương đã cấp phép cho ngư dân đi khai thác cáp biển cũ và đe doạ trực tiếp đến tuyến SMW3. Nếu tuyến cáp này bị đứt thì hầu hết lưu lượng kết nối đi quốc tế của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) bị gián đoạn và sẽ trở thành “ốc đảo”.

Ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 659/CĐ-TTg yêu cầu triển khai khẩn cấp các biện pháp nhằm bảo vệ an toàn các tuyến cáp quang biển. Mọi biện pháp bảo vệ tuyến cáp SMW3 đã được tăng cường, nhưng hiểm hoạ vẫn lơ lửng và chưa có kế hoạch an toàn thông tin khi tuyến cáp quang này bị đứt.

Trước tình hình này, Bộ Bưu chính Viễn thông đã có cuộc họp với các doanh nghiệp có hạ tầng truyền dẫn đi quốc tế. Tại cuộc họp này, Viettel và EVN Telecom khẳng định một số tuyến cáp quang của họ kết nối đi quốc tế có thể đủ chia sẻ và sẵn sàng miễn phí cho VNPT nếu trong trường hợp tuyến cáp SMW3 bị đứt. Thông tin này đã làm cả cơ quan quản lý nhà nước và VNPT thở phào nhẹ nhõm.

4. Lần đầu tiên công khai kết quả đo kiểm chất lượng mạng di động và Internet

Đây là một bước ngoặt lớn cho thị trường viễn thông Việt Nam khi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ buộc phải tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ chứ không thể cứ khuyến mãi bừa bãi để phát triển thuê bao mới.

Kết quả đo kiểm cũng cho thấy những thông tin khá bất ngờ: điểm về chất lượng thoại cao nhất không thuộc về một mạng CDMA mà lại thuộc về một mạng GSM (MobiFone với 3,576 điểm-điểm chất lượng thoại tương đương với điện thoại cố định), thấp nhất lại thuộc về S-Fone (mạng di động thường được cho là có chất lượng thoại tốt nhất).

Trong kết quả công khai chất lượng đo kiểm ADSL thì điều khá ngạc nhiên là VDC-nhà cung cấp vốn được đánh giá là có chất lượng ADSL tốt hơn các nhà cung cấp khác lại bị phạt tiền vì tốc độ thấp hơn tiêu chuẩn; còn Viettel thì lại đạt, thậm chí còn cao hơn cả tốc độ tối đa quy định cho gói cước đó.

Sau sự kiện này, các nhà cung cấp dịch vụ đã tập trung mạnh vào vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ của mình bởi họ hiểu rằng nếu bị công bố có chất lượng kém sẽ không thu hút được khách hàng. Đây là động thái nhỏ của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng đã thực sự có tác động lớn với doanh nghiệp và có lợi cho khách hàng.

5. Hàng loạt vụ lừa đảo tài chính qua mạng gây hậu quả nghiêm trọng

Bắt đầu bằng vụ “tập đoàn” Colony, hàng loạt các vụ lừa đảo tương tự với hình thức đầu tư tài chính đa cấp qua mạng đã bị báo chí phanh phui.

Theo quảng cáo của những tập đoàn lừa đảo này, lãi suất khi đầu tư tài chính vào Colony và những tập đoàn lừa đảo tương tự lên tới 2,5%/ngày-mức lãi suất không thể tin được với bất kỳ một loại hình kinh doanh nào.

Tuy nhiên, nhà đầu tư khi nộp tiền sẽ chỉ nhận được các đồng tiền ảo trên mạng và rồi không thấy tiền thật quay trở lại. Một vài người nhận được tiền lãi thực chất chỉ là các “con mồi” mà các tập đoàn lừa đảo này dựng lên.

Những vụ lừa đảo tài chính bằng tiền ảo này đã thu hút sự tham gia của hàng chục ngàn nạn nhân và gây nên một hệ lụy xã hội cực lớn do rất nhiều người đã bán nhà, bán đất, thế chấp nhà, vay mượn... để đầu tư vào tiền ảo và mất trắng.

6. Thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngày 2/8/2007, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn việc thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở hợp nhất Bộ Bưu chính, Viễn thông và chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản của Bộ Văn hóa Thông tin. Ông Lê Doãn Hợp được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông không chỉ là sự đổi tên thông thường, cũng không chỉ là phép cộng đơn giản các chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản, phát thanh - truyền hình, mà còn thể hiện một tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực: tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý.

Việc thành lập Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ công nghệ của thế giới.

7. Cước di động giảm mạnh trong khi chỉ số giá cả chung tăng cao

Cuối năm 2007, sự kiện Viettel giảm 15% cước di động, kéo theo hàng loạt các mạng di động GSM khác cũng ráo riết giảm cước theo với mức độ còn lớn hơn so với Viettel là một sự kiện chưa từng xảy ra trong ngành viễn thông Việt Nam.

Ngày 13/12/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định, cho phép VNPT giảm trung bình 20% cước (thay cho mức 25% như đề xuất). Nhưng đây cũng đã là mức giảm lịch sử của doanh nghiệp này từ trước tới nay. Một sự cố đã xảy ra khi VNPT “cầm đèn chạy trước ô tô” bằng việc tự ra quyết định giảm cước trước đúng một ngày được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép.

Sự kiện giảm cước cực lớn của các mạng di động rất có ý nghĩa trong bối cảnh giá của hầu hết các loại hàng hoá, dịch vụ cơ bản phục vụ cho đời sống đều tăng cao.

Bên cạnh đó, sự kiện giảm cước này cũng báo hiệu sự bùng nổ mới của thị trường thông tin di động trong năm 2008 bởi khả năng phát triển thuê bao của các mạng di động sẽ mạnh hơn trước rất nhiều do cước di động đã ở mức rất thấp.

8. Thỏa thuận hợp tác chiến lược Việt Nam - Microsoft

Ngày 21/5, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược Việt Nam Microsoft nhằm thực hiện kế hoạch tổng thể về công nghệ thông tin, truyền thông đã diễn ra, cùng đó thực hiện ký hợp đồng bản quyền sử dụng phần mềm Microsoft Office, thể hiện sự tiên phong và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Không đơn thuần là một hợp đồng thương mại, việc ký kết này nằm trong chiến lược chung của Chính phủ Việt Nam và Microsoft, số lượng mua không được công bố nhưng đủ để Microsoft thấy được thiện chí cũng như cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm nhưng là mức chi phí hợp lý phù hợp với khả năng tài chính của Chính phủ, điều kiện kinh tế xã hội, trình độ phát triển và thu nhập của người dân Việt Nam và được đặt trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên.

Việc ký kết này được đánh giá là sự cải thiện hình ảnh Việt Nam một cách nhanh và hiệu quả nhất trong ngành công nghệ thông tin thế giới, đưa Việt Nam ra khỏi khu vực đèn đỏ về vi phạm bản quyền phần mềm.

9. Mười năm Internet Việt Nam

Ngày 19/11/1997, với một lễ khai trương khiêm tốn, có phần trầm lặng tại tầng 2 hội sở của Tổng cục Bưu điện và Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam, 18, Nguyễn Du, Hà Nội, Việt Nam đã chính thức kết nối vào mạng Internet toàn cầu.

Mặc dù ở thời điểm đó, còn rất ít người hiểu hết về tính ưu việt của mạng thông tin này cũng như còn quan ngại về an toàn thông tin, hay sự xâm nhập của các luồng văn hóa tư tưởng độc hại từ bên ngoài. Nhưng sự kiện này đã trở thành bước mở đầu cho cuộc hành trình đi đến hội nhập.

Sau 10 năm, số lượng thuê bao Internet qui đổi đã đạt con số 5 triệu trong đó có hơn 1 triệu sử dụng ADSL. Hiện số người sử dụng Internet ở Việt Nam là khoảng gần 19 triệu người, tỷ lệ sử dụng Internet là 21,2% vượt ngưỡng trung bình thế giới (16,9%), bỏ xa Thái Lan (12,65%), Trung Quốc (9,41%).

Kết quả 10 năm Internet Việt Nam đang tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam tiếp tục thực hiện mục tiêu xóa khoảng cách số nông thôn-thành thị, để “cơn lốc” Internet phủ kín mọi ngõ ngách của Việt Nam.

10. Quản lý thuê bao: trả trước “siết”, trả sau “mở”

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức quyết định bắt buộc các mạng di động phải quản lý thông tin cá nhân của thuê bao trả trước.

Các mạng di động có thời gian chuẩn bị từ 1/10/2007 đến hết ngày 31/12/2007 để chính thức quản lý thuê bao trả trước bắt đầu từ ngày 1/1/2008 đến hết ngày 31/12/2009. Mọi thuê bao đang sử dụng không đăng ký sau thời điểm 01/01/2010 sẽ chấm dứt hoạt động.

Quyết định có tác động đến hơn 20 triệu thuê bao trả trước đang hoạt động hiện nay phải tiến hành đăng ký lại thông tin.

Trong khi cơ quan quản lý siết chặt thuê bao trả trước thì theo Luật cư trú chính thức có hiệu lực từ 1/7/2007, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bắt đầu thực hiện bỏ hộ khẩu khi đăng ký các dịch vụ viễn thông.

Theo quyết định này, khách hàng cá nhân Việt Nam sẽ không phải xuất trình hộ khẩu (hoặc giấy đăng ký nơi cư trú hiện tại) khi làm thủ tục hoà mạng các dịch vụ viễn thông.

Quyết định này sẽ giảm bớt khó khăn chủ yếu cho các đối tượng khách hàng là người ngoại tỉnh đăng ký sử dụng các dịch vụ viễn thông trả sau mà trước đó họ không thể đăng ký được nếu không có hộ khẩu.