13:20 05/07/2014

4 lựa chọn để Việt Nam kiện Trung Quốc

Ngô Ngọc Châu

GS. Peter Dutton: “Gần đây, rõ ràng Trung Quốc đã nhanh chóng đẩy bạn bè của mình ra xa”

GS. Peter Dutton, chuyên gia nghiên cứu chiến lược kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc.
GS. Peter Dutton, chuyên gia nghiên cứu chiến lược kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc.
Trước một Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận va chạm để độc chiếm biển Đông, hành động pháp lý có thể là bước đi khôn ngoan cho Việt Nam. GS. Peter Dutton, chuyên gia nghiên cứu chiến lược kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (Mỹ) trao đổi với VnEconomy tại New York.

Ông nhận định như thế nào về việc Trung Quốc mới đây đã phát hành bản đồ mới về lãnh thổ nước này, bao gồm trong đó một cách phi pháp gần như toàn bộ biển Đông? Nước này đang muốn chứng tỏ điều gì với cộng đồng quốc tế?
 
Tôi cho rằng điều Trung Quốc muốn nói với thế giới với đường 9 hay 10 đoạn là Trung Quốc có thêm những quyền nằm ngoài những quyền được thừa nhận theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Họ tuyên bố chủ quyền lịch sử bằng đường 9 đoạn.

Các chủ quyền lịch sử đó của Trung Quốc có vẻ rất mù mờ, nhưng dường như họ cũng không quan tâm lắm, bởi các nguồn lực mà họ có thể giành được tại đây.  

Trung Quốc đang tìm cách khẳng định phạm vi thẩm quyền tài phán bằng đường 9 đoạn. Đáng chú ý là họ dùng đường 9 như một cách nắm giữ quyền kiểm soát thực tế và dần dần biến nó thành quyền chủ quyền.   

Hiện có rất nhiều ý kiến đề nghị Việt Nam kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế. Theo ông, Việt Nam có gặp trở ngại nào khi kiện không, và có những phương án nào để khởi kiện?

Tôi cho rằng Việt Nam sẽ không gặp nhiều khó khăn khi có hành động pháp lý đối với Trung Quốc. Việt Nam có thể xúc tiến theo 4 cách như sau.

Thứ nhất, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc theo cách Philippines đã làm. Theo cách này, có vài vấn đề Việt Nam có thể đưa ra toà án quốc tế, đặc biệt là tính pháp lý của Trung Quốc về đường 9 đoạn. Việt Nam cũng có thể dùng việc Trung Quốc tuyên bố có quyền chào thầu các lô dầu khí ngay sát bờ biển Việt Nam làm cơ sở cho vụ kiện.  

Thứ hai là Việt Nam có thể chọn cách làm “thân hữu của toà án” (amicus curiae/friend of the court), tức là hỗ trợ Philippines tiến hành vụ kiện Trung Quốc. Nói cách khác, Việt Nam không cần trở thành một trong các bên trong vụ kiện của Philippine, mà có thể viết biên bản ghi nhớ và đưa ra các lý lẽ cho thấy việc Philippines kiện là chính xác, dựa trên kinh nghiệm của Việt Nam.

Thứ ba là Việt Nam có thể sử dụng điều 290 trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Theo đó, một quốc gia có quyền trực tiếp đề nghị Toà án Trọng tài Luật Biển đưa ra biện pháp tạm thời (provisional measures). Biện pháp tạm thời có mục đích yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng ban đầu cho đến khi thực hiện một vụ kiện chính thức.

Toà án Trọng tài Luật Biển khá thường xuyên đưa ra biện pháp tạm thời thế này trong các tranh chấp.  

Thứ tư, Việt Nam có thể yêu cầu Trung Quốc cùng đưa vấn đề về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và thậm chí quần đảo Trường Sa ra Toà án Công lý Quốc tế (ICJ). Trung Quốc có thể không đồng ý tham gia vụ kiện, nhưng ít nhất Việt Nam cho thấy quyết tâm theo đuổi vụ việc.

Và nếu Trung Quốc không tham gia, thì vị trí của Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế sẽ bị ảnh hưởng, và điều này có thể có lợi cho phía Việt Nam.

Trung Quốc đã đưa thêm giàn khoan vào biển Đông, bất chấp sự căng thẳng sẵn có do sự có mặt của Hải Dương 981. Ông đánh giá thế nào về động thái này?

Điều làm tôi ngạc nhiên là dường như Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận va chạm với các nước láng giềng. Nhưng tôi cũng muốn nói rằng chúng ta cần đợi xem các giàn khoan đó sẽ đi đâu. Nếu họ di chuyển đến các khu vực ai cũng thấy rõ tính chất gây hấn như giàn khoan thứ nhất, thì điều này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng va chạm.

Trung Quốc vẫn luôn tìm cách thể hiện vai trò lãnh đạo ở một mức độ nào đó, đặc biệt tại Đông Nam Á. Nhưng gần đây, rõ ràng Trung Quốc đã nhanh chóng đẩy bạn bè của mình ra xa, với cách cư xử lấn lướt, thậm chí bắt nạt láng giềng.  
 
Ông nhận định thế nào về vai trò của báo chí trong sự việc này, nhất là việc các nhà báo Việt Nam và nước ngoài ra hiện trường và đưa tin từ khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981?

Các quốc gia và cá nhân có thể đi đến những quyết định đúng đắn khi họ biết điều gì đang thực sự xảy ra. Việc báo chí đưa thông tin cho cả thế giới biết chính xác chuyện gì đang diễn ra ở biển Đông là điều rất tốt. Lãnh đạo các quốc gia khác và người dân các nước cũng sẽ có đủ thông tin để đưa ra quyết định trước tình hình.

Nội các Nhật Bản mới đây thông qua việc diễn giải lại hiến pháp nước này. Ông nghĩ sao về tác động của diễn biến này đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương?  


Tôi cho rằng Nhật sẽ rất kiềm chế trong các hành động cụ thể. Cần chú ý rằng, việc Nhật diễn giải lại hiến pháp được dựa trên hợp tác phòng thủ và phạm vi hành động khá hạn chế.

Vì thế theo tôi, động thái này sẽ không tạo nên thay đổi lớn ở khu vực Đông Á, ít nhất chừng nào trong khu vực không nổ ra xung đột. Mà xung đột là điều không ai trong khu vực này mong muốn.