11:06 27/09/2010

4 xu hướng ứng dụng công nghệ cho ngành tài chính

M.Chung

Ngành tài chính xác định công nghệ thông tin là “ngòi nổ” cho phát triển tài chính điện tử, với 4 xu hướng ứng dụng

Đến năm 2020, ngành tài chính đặt mục tiêu tự động hóa ít nhất 90% khối lượng công việc trong tất cả các chức năng quản lý thuế và tiến tới thủ tục hải quan đạt chuẩn mực quốc tế.
Đến năm 2020, ngành tài chính đặt mục tiêu tự động hóa ít nhất 90% khối lượng công việc trong tất cả các chức năng quản lý thuế và tiến tới thủ tục hải quan đạt chuẩn mực quốc tế.
Ngành tài chính xác định công nghệ thông tin là “ngòi nổ” cho phát triển tài chính điện tử, với 4 xu hướng ứng dụng trong thời gian tới.

Trong chuỗi hoạt động thường niên về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong lĩnh vực tài chính (Vietnam ICT in Finance) lần thứ 7 do Bộ Tài chính và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG tổ chức, ngày 23 - 24/9, với chủ đề “Phát triển nền tài chính điện tử giai đoạn 2011 - 2015”, mục tiêu về ngành tài chính điện tử được các lãnh đạo đơn vị trong Bộ Tài chính cho biết đang trở thành mũi nhọn để hiện đại hóa ngành.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), đến thời điểm hiện tại đã có 1.496 doanh nghiệp tại 5 tỉnh đã sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử với gần 30 ngàn tờ khai điện tử, có gần 1.600 doanh nghiệp đã được cấp chứng thư số công cộng.

Bộ Tài chính là một trong ít bộ, ngành trong nước đạt được những “chỉ số vàng” về ứng dụng công nghệ thông tin; cụ thể như 100% đơn vị có mạng nội bộ, 100% máy tính được kết nối mạng nội bộ, 95% đơn vị được kết nối Internet băng thông rộng.

Riêng về dịch vụ tài chính công điện tử, tính đến đầu năm 2010, Bộ Tài chính đã triển khai 31 dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, ông Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, trong chiến lược phát triển ngành tài chính, mục tiêu đến năm 2020, các hoạt động Kho bạc Nhà nước cần phải được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành một “Kho bạc điện tử”, giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ pháp luật thuế cho người nộp thuế, tự động hoá ít nhất 90% khối lượng công việc trong tất cả các chức năng quản lý thuế đối với cơ quan thuế và tiến tới thủ tục hải quan đạt chuẩn mực quốc tế…

Với ngành thuế, mục tiêu đến năm 2015 là sẽ cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 các dịch vụ liên quan đến thuế, bao gồm nộp tờ khai thuế đối với doanh nghiệp và tờ khai thuế thu nhập cá nhân.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho rằng, để thúc đẩy hiện đại hóa và cải cách các hoạt động của ngành tài chính, mục tiêu sử dụng công nghệ thông tin sẽ như là “ngòi nổ” làm nền tảng cho việc xây dựng ngành tài chính điện tử từ nay đến 2015, hướng tới hệ thống thông tin quản lý hợp nhất toàn ngành.

Theo ông Trần Nguyên Vũ, Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, có 4 xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa nghiệp vụ ngành tài chính.

Thứ nhất là xu hướng tập trung hóa, với các ứng dụng trong ngành được nâng cấp từng bước theo mô hình tập trung tại Trung ương, người dùng cuối giao dịch nghiệp vụ online với cơ sở dữ liệu tập trung ở Trung ương.

Xu hướng thứ hai là liên kết chia sẻ thông tin giữa các hệ thống trong ngành như: thuế, hải quan, kho bạc và ngân sách và liên kết với bên ngoài là hệ thống ngân hàng để hợp lý hoá quy trình thu thuế qua ngân hàng.

Xu hướng thứ ba là đẩy mạnh các dịch vụ tài chính công trực tuyến. Dự kiến từ nay cho đến 2015, sẽ có khoảng  93 dịch vụ tài chính công được cung cấp cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp qua mạng Internet ở mức 3 trở lên theo bảng phân loại của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ví dụ như: khai hải quan điện tử, nộp tờ khai thuế qua mạng Internet…

Và xu hướng cuối cùng là thuê ngoài một số dịch vụ công nghệ thông tin.

Theo ông Vũ, để đạt được những mục tiêu trên, toàn ngành tài chính cần tiếp tục nâng cấp, mở rộng mạng hạ tầng truyền thông thống nhất, Bộ Tài chính đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng tích hợp có quy mô toàn quốc của Bộ.

Đồng thời, cần đẩy mạnh kết nối với các cơ quan Nhà nước qua mạng truyền số liệu để phối hợp quản lý tài chính, tài sản; xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung toàn quốc của các Tổng cục và Bộ Tài chính, trung tâm dữ liệu dự phòng của toàn ngành tài chính, và triển khai hệ thống chứng thực điện tử và chữ ký số trong các đơn vị của Bộ.