15:35 04/07/2025

Sức mạnh giành thị phần: 5 công ty môi giới hàng hóa giữ vị thế áp đảo

Hà Anh

Quý 2, giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động rất mạnh, tuy nhiên, hoạt động giao dịch vẫn rất sôi động. Trên bảng xếp hạng thị phần môi giới, vẫn là những cái tên quen thuộc nhưng vị trí xếp hạng có đổi khác...

Trong quý 2/2025, khối lượng giao dịch (KLGD) liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, tăng 17,7% so với quý trước và cao hơn 30,73% so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, nhóm thành viên dẫn đầu thị phần môi giới không có nhiều xáo trộn, khi các tên tuổi quen thuộc tiếp tục củng cố vị thế trong top 5, với vị trí số 1 tiếp tục thuộc về Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi.

TOP 5 ÁP ĐẢO THỊ PHẦN MÔI GIỚI CẢ NƯỚC

Top 5 thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam quý 2/2025.
Top 5 thị phần môi giới hàng hóa tại Việt Nam quý 2/2025.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) vừa công bố bảng xếp hạng thị phần quý 2/2025 với sự hiện diện của nhiều cái tên quen thuộc, tuy nhiên thứ hạng của từng thành viên đã có sự biến động rõ rệt.

Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi vẫn giữ vững vị thế là thành viên có thị phần môi giới hàng hóa lớn nhất với tỷ trọng 37,64%. Là một trong những thành viên đầu tiên và có quy mô văn phòng, chi nhánh lớn nhất tại Việt Nam, Gia Cát Lợi vẫn duy trì phong độ “dẫn dắt” cả bảng xếp hạng.

Theo sau Gia Cát Lợi, Công ty Cổ phần Saigon Futures với đội ngũ chuyên viên phân tích kỹ thuật và tư vấn đầu tư phái sinh hàng hóa giàu kinh nghiệm đã xuất sắc vượt ba bậc, ghi tên mình ở vị trí số 2 với 14,82% thị phần. Điều này khẳng định chiến lược kinh doanh linh hoạt của công ty này trong cuộc đua đầy quyết liệt.

Tiếp theo là Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Tp.Hồ Chí Minh với 13% thị phần, dừng chân ở vị trí thứ 3. Đứng thứ 4 là Công ty Cổ phần Hitech Finance nắm giữ 7,98% thị phần. Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị cũng kịp thời góp mặt ở vị trí thứ 5 với 5,22% thị phần.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc MXV.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc MXV.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV, đánh giá cao tiềm năng phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động: “Với chiến lược hoạt động phù hợp, nỗ lực nâng cao năng lực phân tích tư vấn, đầu tư bài bản chuyên nghiệp và thích ứng tốt với biến động của thị trường, trong chặng cuối năm 2025 sẽ có nhiều cái tên mới trên bảng xếp hạng này”.

BẠCH KIM TIẾP TỤC DẪN ĐẦU KHỐI LƯỢNG GIAO DỊCH

Top 10 mặt hàng giao dịch nhiều nhất quý 2/2025.
Top 10 mặt hàng giao dịch nhiều nhất quý 2/2025.

Cả thị phần môi giới và khối lượng giao dịch của các mặt hàng trong quý 2 vừa qua vẫn duy trì xu hướng ổn định, không ghi nhận nhiều xáo trộn đáng kể. Diễn biến này cho thấy thị trường đang ở giai đoạn điều chỉnh nhẹ, khi nhà đầu tư vẫn dành sự quan tâm với các mặt hàng quen thuộc, trong bối cảnh chưa xuất hiện các yếu tố đột biến đủ sức tạo ra sự dịch chuyển lớn trong chiến lược đầu tư.

Theo đó, tâm điểm của thị trường hướng về mặt hàng bạch kim. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 26/6, giá bạch kim đạt 1.399 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 9/2014. Theo ghi nhận của MXV, mặt hàng này vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư và tiếp tục giữ vững vị trí top 1 khi chiếm tới 21,08% tổng khối lượng giao dịch.

Đứng ở vị trí thứ 2 là mặt hàng dầu đậu tương với 17,77% khối lượng giao dịch, khi mà giá dầu đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 chính thức vượt mốc 1.200 USD/tấn, đồng thời thiết lập mức cao kỷ lục trong gần hai năm qua.

Mặt hàng ngô và lúa mì dừng chân ở vị trí thứ 3 và thứ 4, lần lượt chiếm 11,42% và 10,9% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Cả hai mặt hàng này đều tăng một bậc so với quý 1/2025.

Ở chiều ngược lại, mặt hàng đậu tương hạ ba bậc, dừng chân ở vị trí thứ 5 chiếm 9,83% tổng khối lượng giao dịch, giảm mạnh so với tỷ trọng 17,7% ở quý 1/2025. Theo số liệu từ MXV, đậu tương kỳ hạn tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất trong 2,5 tháng trước khi phục hồi.

Các mặt hàng khác như đồng micro, khô đậu tương, bạc micro, cà phê Arabica, đồng, chiếm lĩnh nửa bảng xếp hạng còn lại, với tỷ trọng lần lượt là 6,44%, 3,22%, 2,89%, 2,89% và 2,88%.

Kết thúc quý 2, chỉ số MXV-Index có xu hướng tăng nhẹ so với quý 1. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự phục hồi giá ở một số mặt hàng chủ lực như năng lượng (dầu thô), kim loại (đồng, nhôm) và cà phê, trong khi nhóm nông sản (đậu tương, ngô) chịu áp lực giảm do điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn cung cải thiện.

Ngoài ra, trong quý 2, tổng số tài khoản mở mới tại MXV tăng 44,87% so với quý 1/2025 và tăng 47,45% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng góp phần phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư với thị trường giao dịch hàng hóa.

“Với cá nhân tôi, đầu tư hàng hoá là một kênh hấp dẫn nhờ tính thanh khoản cao, cùng khả năng tạo lợi nhuận ngay cả trong điều kiện thị trường giá tăng hoặc giảm. Tuy nhiên, để đầu tư hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, nhà đầu tư cần chủ động cập nhật các yếu tố vĩ mô, đồng thời theo sát thông tin về cung - cầu trên thị trường quốc tế. Việc này giúp đưa ra quyết định kịp thời, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro”, anh Nguyễn Thành An, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.

Trong thời gian tới, các chuyên gia dự báo giá hàng hóa nguyên liệu sẽ tiếp tục biến động mạnh, từ đó có thể dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong thứ hạng của các mặt hàng được giao dịch liên thông toàn cầu.