47 Bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới 40%
Điển hình là các Bộ, ngành, địa phương như Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Tp Hà Nội, Tp.HCM
Theo Bộ Tài chính, hiện vẫn còn 29 Bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 40%, nên cơ quan này đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ 8 tháng năm 2019.
Báo cáo cho thấy, ước thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách 8 tháng là hơn 161.286 tỷ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Như vậy, kết quả giải ngân này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, bởi cùng kỳ năm 2018, giải ngân 8 tháng đạt 44,24% kế hoạch Quốc hội giao và 45,57% kế hoạch Thủ tướng giao.
Một số Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% là Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội Nhà văn, tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Yên.
Đáng chú ý, vẫn còn 29 Bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% như Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Hà Nội, Tp.HCM…
Cũng theo Bộ Tài chính, nguyên nhân chính dẫn tới việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là do một số chủ đầu tư chưa lường trước được các yếu tố tác động nên xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với khả năng thực hiện của các dự án, dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn nhiều so với khả năng thực hiện.
Vì vậy, kết thúc năm dự án không giải ngân hết kế hoạch được giao, phải cắt giảm hoặc chuyển nguồn sang năm sau.
Một số dự án không có khả năng thực hiện vẫn được đăng ký và giao kế hoạch vốn nên không thể giải ngân.
Công tác phân bổ kế hoạch vốn còn chậm, giao nhiều lần chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án; việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án còn chưa kịp thời gây khó khăn cho công tác giải ngân…
Bên cạnh đó giải ngân vốn đầu tư công chậm còn do các vướng mắc liên quan đến giai đoạn triển khai và thực hiện kế hoạch.
Chẳng hạn, một số chủ đầu tư chưa chú trọng đến công tác lựa chọn tư vấn lập hồ sơ cũng như công tác rà soát, kiểm tra hồ sơ, dẫn đến chất lượng hồ sơ có nhiều nội dung phải sửa đổi, hiệu chỉnh…
Điều này làm kéo dài thời gian thẩm định, trình phê duyệt và triển khai thủ tục tiếp theo. Nhiều dự án chưa có kế hoạch chuẩn bị trước nên khi triển khai thực hiện còn vướng về quy hoạch, đền bù, giải tỏa dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án.
Vướng mắc trong công tác đấu thầu cũng là nguyên nhân gây chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Hiện nay để có đủ thủ tục có thể giải ngân được vốn cho một dự án khởi công mới phải mất khoảng 4 đến 6 tháng mới có thể ký kết hợp đồng và khởi công xây dựng. Do vậy, các dự án, gói thầu mới thường chưa có khối lượng thực hiện trong nửa đầu năm kế hoạch, gây ảnh hưởng tới tiến độ triển khai kế hoạch vốn trong năm.
Ngoài ra, một "nút thắt" lớn đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công phải nhắc tới là các vướng mắc, tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng. Ở các tỉnh, thành phố, công tác giải phóng mặt bằng đều gặp nhiều khó khăn và chậm do các vấn đề liên quan tới việc xác định giá đền bù.
Để đốc thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiên nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019.
Theo công điện này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo theo dõi đôn đốc quyết liệt. Chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đấu thầu; hoàn thiện thủ tục thanh toán; xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng công trình…
Công điện của Thủ tướng cũng nêu rõ, bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện này.
Kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.