15:34 27/03/2008

5 lý do giảm biên độ giao dịch chứng khoán

Hoàng Vũ

Ủy ban Chứng khoán vừa đưa ra 5 nguyên nhân chính giải thích cho quyết định giảm biên độ giao dịch

Bên cạnh những mặt tích cực, Ủy ban Chứng khoán cũng cho rằng việc giảm biên độ cũng có ảnh hưởng nhất định đến tính thanh khoản của thị trường, đến tâm lý của nhà đầu tư và một số vấn đề kỹ thuật trong hoạt động giao dịch.
Bên cạnh những mặt tích cực, Ủy ban Chứng khoán cũng cho rằng việc giảm biên độ cũng có ảnh hưởng nhất định đến tính thanh khoản của thị trường, đến tâm lý của nhà đầu tư và một số vấn đề kỹ thuật trong hoạt động giao dịch.
Ủy ban Chứng khoán vừa đưa ra 5 nguyên nhân chính giải thích cho quyết định giảm biên độ giao dịch.

>>Giảm biên độ dao động giá: Được và mất

Sau nhiều bình luận về giải pháp giảm biên độ giao dịch, chiều 27/3, Ủy ban Chứng khoán đã có thông tin cụ thể về những lý do chính để chọn giải pháp này trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, theo Ủy ban, việc giảm biên độ giao dịch trước hết giúp các nhà đầu tư trấn tĩnh lại trước các biến động bất thường của thị trường và có thời gian để đánh giá lại (theo ý kiến của chuyên gia tổ chức quốc tế PE 12 hiện nay là hấp dẫn, thông thường ở Việt Nam mức 25 là phù hợp và ở các nước các nước châu Á thì mức 20 là phù hợp).

Thứ hai, chỉ số VN-Index và HASTC-Index sẽ không thể tăng, giảm với tốc độ cao liên tục trong một số phiên như thời gian vừa qua, tránh bán tháo cổ phiếu.

Thứ ba là tạo ra khoảng thời gian cần thiết để triển khai các giải pháp của Chính phủ.

Thứ tư là giảm bớt hoạt động giải chấp, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại về việc chưa giải chấp các hợp đồng thế chấp, repo chứng khoán nhưng cũng không quá rủi ro cho ngân hàng.

Thứ năm là cũng giảm bớt được hiện tượng nhà đầu tư “lướt sóng” khi tham gia thị trường.

Bên cạnh những mặt tích cực, Ủy ban Chứng khoán cũng cho rằng việc giảm biên độ cũng có ảnh hưởng nhất định đến tính thanh khoản của thị trường, đến tâm lý của nhà đầu tư và một số vấn đề kỹ thuật trong hoạt động giao dịch.

“Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, khi thị trường có dấu hiệu ổn định trở lại và kết hợp với các giải pháp quyết liệt của Nhà nước thì chắc chắn việc điều chỉnh giảm biện độ này sẽ được bãi bỏ”, Ủy ban Chứng khoán tái nhấn mạnh một thông tin đưa ra trước đó.

Ngoài ra, trong bản phân tích trên, Ủy ban Chứng khoán nhận định rằng trong năm 2008, bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều thuận lợi cho đất nước, như tăng trưởng kinh tế cao, tình hình chính trị - xã hội ổn định, Việt Nam đã vào WTO được hơn một năm và có tăng trưởng tốt, đầu tư nước ngoài tăng cao, xuất khẩu tăng 22-24%. Vị thế Việt Nam ngày càng lớn, các nước đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được. Nhìn chung nền kinh tế phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng quý 1/2008 đạt 7,4%, mặt bằng lãi suất đang giảm dần.

Tuy nhiên trong lĩnh vực chứng khoán thị trường lại có dấu hiệu suy giảm. Cụ thể từ đầu năm đến nay chỉ số VN-Index và HASTC-Index liên tục mất điểm, “mặc dù Chính phủ và các bộ ngành liên quan rất nỗ lực đưa ra các giải pháp phát triển thị trường”.

Theo Ủy ban, tại các nước khi thị trường có dấu hiệu suy giảm liên tục thì hệ thống ngắt mạch tự động (circuit breaking) sẽ đóng. Tại Việt Nam chưa có hệ thống này hơn nữa việc tạm dừng giao dịch cũng chưa có tiền lệ và có thể ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của thị trường. Vì vậy trong khi tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp tích cực hơn nữa thì việc Ủy ban tạm thời chấp thuận điều chỉnh biên độ giao dịch là hợp lý.

Cũng theo Ủy ban, thực tế việc điều chỉnh này cũng đã được các chuyên gia của tổ chức quốc tế đánh giá là tích cực và Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính đã ủng hộ.