Hàng T+ không xả, cầu lại nâng giá
Đã không có áp lực chốt lời nào rõ rệt trong phiên chiều nay dù có khối lượng cổ phiếu rất lớn trong phiên bùng nổ hôm 5/12 về tài khoản. Trái lại lực cầu chủ động nâng giá đã giúp cổ phiếu xanh nhiều hơn. Sự giằng co của các mã vốn hóa lớn phần nào hạn chế biên độ tăng của VN-Index, nhưng cổ phiếu nhìn chung vẫn mạnh lên đáng kể...
Đã không có áp lực chốt lời nào rõ rệt trong phiên chiều nay dù có khối lượng cổ phiếu rất lớn trong phiên bùng nổ hôm 5/12 về tài khoản. Trái lại lực cầu chủ động nâng giá đã giúp cổ phiếu xanh nhiều hơn. Sự giằng co của các mã vốn hóa lớn phần nào hạn chế biên độ tăng của VN-Index, nhưng cổ phiếu nhìn chung vẫn mạnh lên đáng kể.
Chỉ số kết phiên tăng 3,7 điểm tương đương +0,29% so với tham chiếu, là mức cải thiện không nhiều so với buổi sáng (+2,51 điểm/+0,2%). Tuy nhiên độ rộng thì khá hơn với 235 mã tăng/146 mã giảm (chốt phiên sáng là 207 mã tăng/155 mã giảm).
Không chỉ vậy, mặt bằng giá cổ phiếu thực sự đã tốt hơn: Trong 235 mã xanh có 103 mã tăng hơn 1% và nhóm này chiếm 26,5% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Phiên sáng chỉ có 86 mã.
VN30-Index rất tiếc đóng cửa vẫn giảm 1,1 điểm (-0,08%) dù độ rộng khá tốt với 15 mã tăng/9 mã giảm. FPT chiều nay không cải thiện được giá dù từ 1h30 tới 2h cũng có một nhịp phục hồi khá tốt và co hẹp mức giảm còn 0,8%. Đóng cửa FPT vẫn giảm 1,67%, lấy đi 0,9 điểm của VN-Index. VHM cũng suy yếu, giảm khoảng 0,72% so với mức chốt buổi sáng và đảo chiều xuống dưới tham chiếu 0,12%.
Khá may mắn là nhóm cổ phiếu ngân hàng blue-chips lại cải thiện. VCB tăng thêm 0,42% nữa, chốt phiên tăng tổng cộng 1,17% đem về 1,5 điểm. CTG, HDB, SSB, STB, TCB, MBB là những mã khác chốt giá cao hơn. Thống kê toàn rổ VN30 có 14 cổ phiếu cải thiện và 9 mã tụt giá.
Hiện tượng giằng co trong nhóm trụ là nguyên nhân VN-Index không tăng đột biến được. Chỉ số đạt đỉnh cao nhất phiên chiều ở mức 1277,69 điểm nhưng cuối phiên chỉ còn 1273,84 điểm. Dù vậy đây vẫn là phiên tăng ngược với kỳ vọng, vì chiều nay dự kiến áp lực sẽ dâng cao. Hôm 5/12 thanh khoản chỉ tính riêng khớp lệnh 2 sàn niêm yết đã lên tới gần 20.700 tỷ đồng với 924,3 triệu cổ. Nếu chiều nay có khối lượng bán lớn xuất hiện thì cũng không có gì bất ngờ.
Ngược lại, thanh khoản chiều nay có tăng nhưng mặt bằng giá lại tốt hơn, cho thấy bên mua đã chủ động nâng giá. Thanh khoản hai sàn tăng 35,6% so với phiên sáng, đạt hơn 7.900 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE tăng 36,3% đạt 7.393 tỷ đồng.
Rất nhiều cổ phiếu đã mở rộng biên độ tăng và thanh khoản cao đáng kể như HAG tăng 5,88% khớp 374,9 tỷ đồng; DXG tăng 1,69% với 305,5 tỷ; HCM tăng 1,2% với 235,3 tỷ; ORS tăng 4,83% với 226,4 tỷ; HDG tăng 2,81% với 210,8 tỷ; HSG tăng 1,34% với 155,5 tỷ… Nhóm Smallcap ghi nhận tăng 1,1% và Midcap tăng 0,52%. Dòng tiền có xu hướng đổ vào hai nhóm cổ phiếu này khi giao dịch của rổ VN30 chỉ còn chiếm 39% tổng sàn HoSE, mức thấp kỷ lục trong vòng 5 tháng trở lại đây.
Thực vậy, toàn sàn HoSE có 40 mã giao dịch vượt 100 tỷ đồng thì rổ VN30 chỉ đóng góp 18 mã. FPT, SSI là hai blue-chips dẫn đầu về thanh khoản toàn thị trường thì giá đều đỏ. HPG, VPB đứng kế tiếp thì mức tăng không đáng kể. Các cổ phiếu vừa và nhỏ nhận được dòng tiền đẩy giá hiệu quả rõ rệt hơn nhiều.
Nhóm cổ phiếu đỏ hôm nay cũng đã cải thiện đáng kể. Trừ FPT và CMG là hai mã duy nhất thanh khoản cao, số còn lại hoặc là giảm rất nhẹ hoặc thanh khoản không có. Điều này cũng là một biểu hiện của dòng tiền nâng đỡ xuất hiện chiều nay vì có khả năng thu hẹp biên độ lại.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cũng vẫn bán ra khá nhiều, giá trị ròng đạt 203,3 tỷ. Tính chung cả ngày khối này rút về 470,5 tỷ đồng ròng. Tuy vậy giao dịch chủ yếu vẫn là ở FPT, cổ phiếu này phiên chiều bị bán ròng thê khoảng 160 tỷ đồng nữa, nâng tổng giá trị bán cả phiên lên 360 tỷ, chiếm 76,5% tổng mức bán ròng. Những cổ phiếu còn lại đáng chú ý là CMG -35,3 tỷ, KBC -34,4 tỷ, VNM -34,2 tỷ, DGC -31,1 tỷ, MWG -29,6 tỷ, SSI -28 tỷ, VND -23 tỷ, VCB -21,2 tỷ. Bên mua ròng có MSN +44,9 tỷ, DXG +32,7 tỷ, TCB +21,1 tỷ.