07:51 15/10/2018

5 vấn đề đe dọa kinh tế toàn cầu được bàn ở hội nghị IMF, WB

An Huy

Giới chức tài chính dự hội nghị đã nói nhiều về sự sụt giảm gần đây của chứng khoán toàn cầu và chiến tranh thương mại

Các quan chức tài chính dự hội nghị thường niên IMF và  WB tại Bali, Indonesia - Ảnh: Bloomberg.
Các quan chức tài chính dự hội nghị thường niên IMF và WB tại Bali, Indonesia - Ảnh: Bloomberg.

Khi chuỗi sự kiện thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra ở Bali, Indonesia vào tuần trước, một trận động đất mạnh 6,4 độ richter đã khiến hòn đảo du lịch nổi tiếng này rung chuyển.

Theo các quan chức tài chính toàn cầu dự hội nghị IMF và WB, nền kinh tế thế giới cũng đang đối mặt với những "trận động đất" gây rung lắc trên diện rộng.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Joachim Fels, cố vấn kinh tế toàn cầu thuộc Pacific Investment Management, nhận xét rằng trận động đất ở Bali "mang ý nghĩa biểu tượng về tâm trạng của các quan chức dự hội nghị rằng mặt đất bên dưới nền kinh tế toàn cầu, các thị trường tài chính, và hệ thống thương mại đa phương đã bắt đầu dịch chuyển".

Cũng tại hội nghị nói trên, Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo cảnh báo rằng "mùa đông đang đến" với nền kinh tế thế giới.

Dưới đây là 5 nỗi lo về kinh tế toàn cầu được bàn đến nhiều nhất ở hội nghị thường niên IMF và WB vừa khép lại ở Indonesia, theo tóm lược của Bloomberg:

Biến động thị trường

Hầu hết các quan chức tài chính dự hội nghị IMF và WB đều tỏ ra bình tĩnh về những biến động gần đây của thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời chưa tính đến một kế hoạch giải cứu thị trường nào. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là các nhà hoạch định chính sách không có một lịch sử tốt về dự báo các đợt sụt giảm của thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói đợt bán tháo cổ phiếu vừa rồi "không có gì đáng ngạc nhiên lắm", nhưng khẳng định các yếu tố nền tảng của kinh tế Mỹ vẫn đang mạnh.

Ở Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đổ lỗi cho việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là lý do chính khiến thị trường chứng khoán Phố Wall sụt giảm. Ông Trump nói rằng FED "bị điên mất rồi". Tuy nhiên, các thống đốc ngân hàng trung ương dự họp ở Bali đã lên tiếng bảo vệ Chủ tịch FED Jerome Powell.

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh rằng giá cổ phiếu ở Mỹ đã bị đẩy lên "cực cao", ám chỉ một đợt điều chỉnh có thể sắp diễn ra.

Các nhà hoạch định chính sách cũng đề cập đến khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, một thập kỷ sau vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây nhất. "Các mất cân đối tài chính toàn cầu tiếp tục tích tụ, và hệ thống tài chính mới vẫn còn chưa được thử thách", ông Tobias Adrian, trưởng bộ phận thị trường vốn toàn cầu, nhận định.

Thông điệp chung được hội nghị gửi đi là tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chuyển sang một giai đoạn đi ngang và đến năm 2020, tăng trưởng có thể suy giảm đáng kể - một vấn đề mà nhà đầu tư nên lưu ý.

"Liệu tình hình có xấu đi vào năm tới? Khả năng có nhiều hơn là không", ông Jerome Jean Haegeli, chuyên gia kinh tế trưởng của Swiss Re Institute, nhận định. "Chúng ta đang ở vào giai đoạn cuối của chu kỳ kinh tế".

Xung đột thương mại

Các quan chức tài chính dự hội nghị IMF và WB đã gửi đi một thông điệp rằng căng thẳng thương mại đã bắt đầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu và cần phải được giải quyết. Bà Lagarde nói thẳng trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg TV: "Thông điệp của chúng tôi là rất rõ ràng: hãy giảm căng thẳng đi".

Căng thẳng thương mại cũng chính là lý do khiến IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh rằng tác động bất lợi của các hàng rào thuế quan đã bắt đầu trở thành sự thật. Theo IMF, một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực sẽ khiến sản lượng của nền kinh tế toàn cầu hao hụt 0,8% vào năm 2020.

"Thực lòng mà nói, chỉ có một cuộc thảo luận duy nhất diễn ra ở đây, và đó là mức độ căng thẳng của thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc cuộc chiến này sẽ đi đến đâu, kéo dài trong bao lâu và gây thiệt hại tới mức nào", ông Robin Brooks, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nhận xét.

Lãi suất tăng

Một chủ đề khác được nhắc đến nhiều trong các cuộc thảo luận là lãi suất của Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên. Bên cạnh những nền kinh tế mới nổi đang lâm khủng hoảng do những lý do mang tính đặc trưng riêng như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều nền kinh tế mới nổi khác đang điêu đứng vì việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ.

Giới chức tài chính Colombia và Mexico lo ngại sẽ còn đối mặt nhiều khó khăn trong thời gian tới. Họ thậm chí còn lo chưa chuẩn bị sẵn sàng cho nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn diện. Indonesia thì quyết tâm đi trước FED trong việc nâng lãi suất, còn Pakistan đề nghị IMF cung cấp thêm một gói giải cứu tài chính.

"Những trở ngại từ giá dầu tăng cao, FED nâng lãi suất và đồng USD mạnh lên, cũng như nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang có vẻ là những vấn đề sẽ không được giải quyết xong trong 3-5 tháng tới", ông Changyong Rhee, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc IMF, nhận xét. "Các nhà hoạch định chính sách cần tiết kiệm ‘vũ khí’".

FED nhận thức được rằng chính sách của họ đang ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi. Phó chủ tịch Randal Quarles của FED nói "đúng là chúng tôi có trách nhiệm phải đưa ra những chính sách có thể đoán trước và từ tốn nhất một cách có thể".

Tỷ giá đồng Nhân dân tệ

Vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ được nhắc đến không ít ở hội nghị IMF và WB, trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là Bộ Tài chính Mỹ công bố một báo cáo tiền tệ mà trong đó Trung Quốc có thể bị "dán nhãn" là quốc gia thao túng tỷ giá.

Năm nay, Nhân dân tệ đã giảm giá hơn 6% so với USD, đặt ra khả năng đồng tiền này có thể rớt quá ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Tại hội nghị của IMF, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương tiếp tục khẳng định Bắc Kinh sẽ không dùng đồng tiền như một vũ khí trong chiến tranh thương mại với Washington.

Một quan chức cấp cao của IMF nhận định rằng tỷ giá Nhân dân tệ "nhìn chung hợp lý" với các yếu tố căn bản của nền kinh tế Trung Quốc và phù hợp với cam kết của PBoC về đưa tỷ giá hối đoái trở nên linh hoạt hơn.

Rủi ro từ châu Âu

Kế hoạch ngân sách phá vỡ quy tắc của Liên minh châu Âu (EU) mà chính phủ dân túy của Italy đưa ra mới đây đã gây nhiều lo ngại tại các cuộc họp vừa diễn ra của IMF và WB.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Italy Giovanni Tria, lần đầu tiên xuất hiện tại một sự kiện của IMF, đã cố gắng trấn an rằng nước này cam kết ở trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và sẽ cắt giảm mức nợ công.

Ông Francois Villeroy de Galhau, một thành viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gửi đi một lời cảnh báo ngầm đến Chính phủ Italy, sau khi một số quan chức nước này kêu gọi ECB "ra tay" ngăn tình trạng lợi suất trái phiếu nước này liên tục đi lên. Ông de Galhau nói rằng chính sách của ECB "không phụ thuộc vào bấp bênh tài khóa có thể xuất hiện ở các quốc gia thành viên".

Tranh cãi chưa có hồi kết giữa EU và Anh về việc Anh ra khỏi khối này cũng là một chủ đề nữa được nhắc đến nhiều. IMF dự kiến hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận nhằm tránh một vụ "Brexit cứng" vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Philip Hammond nói rằng Chính phủ nước này đã sẵn sàng cho việc tăng cường chi tiêu để ngăn chặn một cú sốc xảy ra đối với nền kinh tế.