Mỹ hoãn thời hạn thuế đối ứng tới 1/8, sắp công bố các thỏa thuận thương mại lớn
Với các quốc gia chưa đạt thoả thuận, Mỹ sẽ thông báo về các mức thuế đối ứng cao vào ngày 9/7 và các mức thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8...

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/7 cho biết Washington sẽ chốt một số thoả thuận thương mại trong những ngày tới. Với các quốc gia chưa đạt thoả thuận, Mỹ sẽ thông báo về các mức thuế đối ứng cao vào ngày 9/7 và các mức thuế này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8.
Trước đó, ông Trump và các quan chức cấp cao của Mỹ cũng đề cập tới thời hạn 1/8 nhưng không nêu rõ về mức thuế.
Trả lời với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết thuế đối ứng ở các mức cao sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8 nhưng ông Trump sẽ ấn định các mức thuế và thoả thuận.
Ngày 2/4, ông Trump công bố thuế đối ứng cơ sở 10% với hầu hết các quốc gia và mức cao hơn từ 11-50% với khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau đó, ông hoãn mức thuế quan ở mức cao tới ngày 9/7. Theo đó, với thông tin mới đưa ra, Mỹ sẽ tiếp tục hoãn thuế đối ứng ở mức cao thêm 3 tuần.
Chia sẻ với hãng tin CNN ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Chính phủ sẽ thông báo một số thoả thuận thương mại lớn trong vài ngày tới, đồng thời nhấn mạnh đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) đang tiến triển tốt.
Ông Bessent cũng cho biết Mỹ sẽ gửi thư tới 100 đối tác thương mại nhỏ chưa đạt được thoả thuận với Mỹ để thông báo rằng họ sẽ đối mặt với mức thuế quan cao hơn so với mức đã công bố hôm 2/4.
“Tổng thống Trump sẽ gửi thư tới một số đối tác thương mại và nói rằng nếu họ không có hành động, thì từ ngày 1/8, mức thuế quan ngày 2/4 sẽ trở lại. Vì vậy, tôi cho rằng sẽ có rất nhiều thỏa thuận được xúc tiến nhanh chóng”, ông Bessent nói.
Kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã khởi động cuộc chiến thương mại toàn cầu gây chao đảo các thị trường tài chính và khiến các nhà lập pháp tại nhiều quốc gia đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ nền kinh tế thông qua thảo thuận với Mỹ và các quốc gia khác.
Chia sẻ trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS ngày 6/7, ông Kevin Hassett, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, nói rằng Washing vẫn trao cơ hội cho các quốc gia tham gia đàm phán nghiêm túc.
“Có những thời hạn chót và có những thứ đang cận kề, có thể mọi thứ sẽ được lùi lại sau thời hạn chót", ông Hassett nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông Trump sẽ quyết định điều này.
Theo ông Stephen Miran, chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, các quốc gia cần phải nhượng bộ để được giảm thuế quan.
“Tôi nghe được tin tốt về đàm phán Mỹ - châu Âu. Tôi cũng nghe được tin tốt về đàm phán với Ấn Độ”, ông Miran chia sẻ trong chương trình “This Week” của kênh ABC News. “Vì vậy, tôi cho rằng nhiều quốc gia sẽ nhượng bộ”.
Trong chia sẻ với CNN, ông Bessent cho biết chính quyền ông Trump thời gian qua tập trung vào 18 đối tác thương mại quan trọng chiếm 95% thâm hụt thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng cho biết việc hoàn tất các thỏa thuận thương mại đã bị trì hoãn.
Gần đây, ông Trump nhiều lần nói rằng sắp đạt thoả thuận với Ấn Độ và kỳ vọng sớm đạt thoả thuận với EU, trong khi bày tỏ nghi ngờ về việc đạt thoả thuận với Nhật Bản.
Thái Lan, quốc gia chịu thuế đối ứng 36%, đang đưa ra một số điều kiện tiếp cận thị trường rộng mở hơn với nông sản và hàng hoá công nghiệp Mỹ, đồng thời cam kết mua thêm sản phẩm năng lượng và máy bay Boeing để nhanh chóng đạt thoả thuận với Washington. Đây là thông tin được Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg ngày 6/7.
Theo kênh CNBC-TV18 của Ấn Độ ngày 6/7, New Delhi và Washington có thể sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về một thoả thuận thương mại hẹp trong vòng 24-48 giờ tới với mức thuế quan bình quân áp dụng với hàng từ Ấn Độ vào Mỹ là 10%.
Trong chia sẻ với CBS News, ông Hassett cho biết các thoả thuận khung của Mỹ đạt được với Anh và Việt Nam là các ví dụ điển hình để các quốc gia muốn đạt thoả thuận thương mại với Mỹ làm theo.