08:46 03/01/2008

6 “chướng ngại vật” của kinh tế Việt Nam

Kiều Oanh

Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào những nhân tố kích thích từ bên ngoài

Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ vốn FDI so với GDP cao nhất thế giới.
Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ vốn FDI so với GDP cao nhất thế giới.
Mới đây, tờ The Star của Malaysia có đăng bài viết của tác giả Chaeh King Yoong nhận định 6 khó khăn đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này.

Vào thời điểm hiện tại, triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam là rất hứa hẹn. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại một số rủi ro và thử thách có khả năng cản trở sự phát triển bền vững của nền kinh tế này trong tương lai.

Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào những nhân tố kích thích từ bên ngoài. Mặc dù tiêu dùng tại thị trường nội địa đã tăng mạnh trong những năm qua, hoạt động ngoại thương và đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn là hai đầu tàu chính của nền kinh tế này.

Tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam hiện tương đương với 150% GDP, cao thứ hai trong khu vực, chỉ sau Malaysia. Ngoài ra, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tỷ lệ vốn FDI so với GDP cao nhất thế giới.

Vì những lý do này, kinh tế Việt Nam sẽ rất nhạy cảm trước sự tăng trưởng chậm không được dự báo trước của kinh tế toàn cầu, cũng như sự tháo lui ngoài dự kiến của các dòng vốn đổ vào từ những thị trường đang nổi lên. Dưới đây là 6 “chướng ngại vật” có thể tác động xấu đến sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam.

Vấn đề thứ nhất là lạm phát. Khác với giai đoạn đầu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam bị ám ảnh bởi tỷ lệ lạm phát cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam trong tháng 11 tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1996. Do đó, mức lạm phát 11 tháng đầu năm nay của Việt Nam là 9,5%, cao nhất trong 10 năm qua, vượt qua cả tốc độ tăng GDP được dự báo là 8,5% cho năm nay và vượt qua cả mục tiêu của Chính phủ trong việc duy trì tỷ lệ lạm phát ở dưới mức tăng trưởng GDP thực.

Lạm phát của Việt Nam được dự báo là sẽ còn tăng cao trong những tháng tới do quyết định vào hồi cuối tháng 11 của Chính phủ nâng giá xăng dầu thêm 15% lên mức 13.000 đồng/lít.

Vấn đề thứ hai là cơ sở hạ tầng. Mặc dù Việt Nam là nước hưởng lợi chính của chiến lược “Trung Quốc + 1”, sự thiếu vắng của một cơ sở hạ tầng tốt có thể là một bất lợi lớn đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế này. Ngân hàng Thế giới tính toán rằng, Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng 5 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2006 - 2010.

Một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay có lẽ là nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vì mạng lưới điện của Việt Nam chưa chắc có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong tương lai gần. Ước tính, Việt Nam thiếu khoảng 4,3 – 10,3 tỷ kWh điện trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2009.

Vấn đề thứ ba là thâm hụt thương mại. Không giống như nhiều nền kinh tế châu Á hướng ra xuất khẩu khác, Việt Nam từ lâu đã ở trong tình trạng thâm hụt thương mại.Trong 11 tháng đầu năm nay, thâm hụt thương mại của Việt Nam là 10,5 tỷ USD, so với mức 5,1 tỷ USD trong cả năm 2006. Mức thâm hụt này cũng vượt quá mức dự tính 10 tỷ USD cho cả năm nay của Bộ Công Thương.

Mặc dù phần lớn lượng thâm hụt tăng thêm là kết quả của việc nhập khẩu các loại hàng hóa trung gian và thiết bị sản xuất, các nhà chuyên môn vẫn cho rằng, nhiều mặt hàng nhập khẩu là bán thành phẩm, không đem lại giá trị gia tăng cao.

Vào thời điểm hiện tại, Việt Nam có đủ nguồn ngoại tệ đổ vào như FDI, kiều hối và ODA để bù đắp cho thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, mức thâm hụt liên tục ở mức cao sẽ cản trở sự phát triển kinh tế trong dài hạn. Bộ Công Thương tính toán rằng, đến năm 2010, thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ không còn. Nhưng dự báo này xem ra quá lạc quan nếu xét đến mức thâm hụt lớn ở thời điểm hiện tại.

Mặc dù việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ hỗ trợ tăng trường xuất khẩu, việc hạ thấp các hàng rào thuế quan cũng khiến hàng hóa nhập khẩu có khả năng cạnh tranh mạnh hơn với các sản phẩm trong nước, do đó, xuất khẩu ròng sẽ có đóng góp âm đối với tăng trưởng kinh tế trong trung hạn.

Vấn đề thứ tư là thâm hụt ngân sách. Trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục ở trong tình trạng thâm hụt ngân sách, với con số thâm hụt được dự báo là ở mức dưới 4% so với GDP trong năm 2007 này.

Nguồn thu từ dầu thô vẫn là nguồn tài chính chủ yếu cho chi tiêu của Nhà nước, trong khi nguồn thu này rất dễ biến động trước sự thay đổi liên tục của giá dầu trên thị trường thế giới. Ngoài ra, thuế nhập khẩu thấp để tuân thủ các cam kết WTO sẽ làm cho nguồn thu từ thuế quan - chiếm hơn 10% nguồn tài chính của Nhà nước - giảm xuống.

Vấn đề thứ năm là số lượng hạn chế các lao động có kỹ năng. Đây sẽ tiếp tục là một thử thách của Việt Nam trong thời gian tới. Một trong những lý do phía sau tình trạng này là hệ thống giáo dục của Việt Nam chưa phù hợp, với một chương trình học có thể nói là lỗi thời, không đáp ứng được những yêu cầu làm việc hiện nay.

Để đảm bảo nguồn cung lao động có kỹ năng, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ việc thành lập các trung tâm đào tạo nghề, đồng thời khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài về nước để giúp phát triển đất nước.

Vấn đề thứ sáu là khoảng cách giữa lượng vốn FDI cam kết và giải ngân. Lượng vốn FDI cam kết mới đổ vào Việt Nam tiếp tục tăng, đạt mức 11,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2007, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, lượng vốn FDI giải ngân thực tế thì chưa chắc đã đạt được 5 tỷ USD trong năm 2007. Tốc độ giải ngân thấp, chưa đầy một nửa so với lượng vốn cam kết, cho thấy khoảng cách giữa kỳ vọng của các nhà đầu tư và tình hình thực tế.

Để cải thiện tình hình, Chính phủ Việt Nam đã liên tục cải thiện hệ thống pháp lý và hành chính, giảm tình trạng quan liêu, cửa quyền.

Trong một cuộc điều tra gần đây do Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Tài chính Quốc tế tiến hành, Việt Nam xếp thứ 91 trong tổng số 178 nền kinh tế về mức độ dễ làm ăn, trong khi Trung Quốc ở vị trí 83, còn Thái Lan xếp hạng 15. Việt Nam phải tăng cường khả năng cạnh tranh với các nước láng giềng nếu muốn tiếp tục thu hút FDI và đảm bảo tốc độ giải ngân ở mức cao.