14:43 12/11/2014

6 ngành nghề cấm kinh doanh, 272 ngành nghề có điều kiện

Nguyễn Lê

Quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện luôn là vấn đề khá “căng thẳng”

Tiếp tục được chỉnh sửa, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này vẫn còn 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Tiếp tục được chỉnh sửa, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này vẫn còn 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Đây là con số được chốt tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) mới nhất được Quốc hội thảo luận lần cuối vào hôm 10/11.

Trong suốt quá trình thảo luận từ sau kỳ họp Quốc hội thứ 7 đến nay, quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện luôn là vấn đề khá “căng thẳng”.

Tại dự thảo luật phục vụ hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hồi đầu tháng 9 vừa qua, danh sách ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh là 11 và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là 326.

Sau đó, dự thảo luật gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội cuối tháng 9 đã giảm đi chỉ còn 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Số ngành, nghề nhà nước độc quyền hoặc phải có giấy phép kinh doanh, chấp thuận hoặc xác nhận trước khi tiến hành hoạt động là 322.

Tiếp tục được chỉnh sửa, dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp này vẫn còn 6 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể, sáu hoạt động bị cấm đầu tư kinh doanh gồm có: các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã, mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Trong đó, ba hoạt động một, hai, ba đều có phụ lục quy định cụ thể phạm vi bị cấm.

Dự thảo luật cũng nêu rõ, việc sản xuất, sử dụng sản phẩm của 3 hoạt động từ một đến ba trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ở báo cáo tiếp thu, chỉnh lý giải trình dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được cập nhật, chuẩn xác tên gọi một số ngành, nghề và hệ thống hóa các ngành, nghề theo nhóm lĩnh vực thay vì theo bộ, ngành quản lý.

Việc làm này nhằm phản ánh chính xác, minh bạch các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tránh trùng lặp và tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này, báo cáo nêu rõ.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật cũng bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước và lồng ghép trình tự, thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để tạo bước chuyển biến mới trong cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư.

Việc yêu cầu nhà đầu tư trong nước phải có thêm giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho tất cả các dự án đầu tư có thể tạo ra thủ tục kép, trùng lặp trong hoạt động quản lý nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích.

Với việc bố trí thảo luận gần nhau các dự án luật có nội dung liên quan đến nhau, ngay sau phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), các dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến.

Theo nghị trình, vào sáng 26/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi).