08:47 22/04/2008

8 nguyên nhân khiến tiền không về ngân hàng

Nguyễn Hà

Các ngân hàng thương mại Nhà nước trước đây thường là người cho vay trên thị trường liên ngân hàng thì gần đây lại trở thành người đi vay

Chứng khoán và bất động sản không bán được, tiền không trở lại với nhà đầu tư, lấy đâu ra để gửi ngân hàng? - Ảnh: Việt Tuấn.
Chứng khoán và bất động sản không bán được, tiền không trở lại với nhà đầu tư, lấy đâu ra để gửi ngân hàng? - Ảnh: Việt Tuấn.
Thời gian gần đây, đặc biệt là từ giữa tháng 2/2008 đến nay, mặc dù lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng khá, kèm theo các chi phí lớn về khuyến mại, tiếp thị... nhưng vốn huy động vẫn tăng chậm, thậm chí tại một số ngân hàng còn bị giảm. 

Số liệu thống kê đã được công bố cho hay, tính đến hết quý I/2008, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng tăng có 5,48% và tổng dư nợ cho vay tăng tới 10,8% so với cuối năm 2007. Trong khi đó cùng kỳ này năm ngoái, tổng nguồn vốn huy động tăng 11,76% và dư nợ tăng 6,4%.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), số vốn huy động trong 2 tuần cuối tháng 3/2008 giảm 300 tỷ đồng và 2 tuần đầu tháng 4/2008 giảm tiếp 450 tỷ đồng.

Hệ thống ngân hàng thương mại Nhà nước vốn có thế mạnh về huy động vốn do mạng lưới rộng, uy tín và có truyền thống thu hút tiền gửi của các tổ chức kinh tế, nhưng vốn huy động cũng đang bị giảm.

Một nguồn thông tin khác đã được công bố cho hay, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội đến đầu tháng 4/2008, nguồn vốn huy động của khối ngân hàng thương mại Nhà nước giảm gần 4% so với thời điểm 31/12/2007.

Hai khối ngân hàng thương mại Nhà nước luôn dẫn đầu về huy động vốn còn bị giảm mạnh hơn, đó là các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm tới 13% và các chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương giảm tới 6%.

Do thiếu vốn và vốn huy động giảm, nên các ngân hàng thương mại Nhà nước trước đây thường là người cho vay trên thị trường liên ngân hàng thì thời gian gần đây lại trở thành người đi vay. Đến hết tháng 3/2008, khối ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn Hà Nội có số dư vốn đi vay trên thị trường liên ngân hàng tăng tới 55% so với cuối tháng 2/2008.

Tại Tp.HCM, tính đến ngày 16/4/2008 vốn huy động của các ngân hàng thương mại giảm tới 9.225 tỷ đồng so với hết tháng 3/2008; trong đó riêng tiền gửi tiết kiệm của khối ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 1,74% và của ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,28%; tiền gửi của các tổ chức kinh tế đối với cả hai khối ngân hàng thương mại còn giảm mạnh hơn.

Diễn biến nói trên do một số nguyên nhân chính sau đây:

Một là, do thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, các ngân hàng thương mại bị khống chế hạn mức tín dụng có tính chất bình quân, cào bằng như nhau là tăng trưởng dư nợ không quá 30% đến hết năm 2008 và lãi suất cho vay tăng lên quá cao, nên các doanh nghiệp, đông đảo khách hàng khác rất khó vay được vốn ngân hàng.

Bởi vậy các doanh nghiệp giảm tiền gửi của mình để chuyển sang sử dụng cho đầu tư. Một số doanh nghiệp cho đối tác kinh doanh của mình vay. Các tập đoàn cũng sử dụng vốn tiền gửi của mình để cho các đơn vị thành viên, công ty con vay,...

Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp tư nhân,... cũng giảm tiền gửi của mình để cho người thân trong gia đình, bạn bè, đầu mối bạn hàng vay kinh doanh, đầu tư, thanh toán,...

Hai là, theo dự kiến, tháng 6/2008 là thời điểm rút toàn bộ 52.000 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đang gửi tại các ngân hàng thương mại Nhà nước về Ngân hàng Nhà nước, nên chủ trương này đang được thực hiện theo lộ trình, nếu không sẽ "gây sốc" về nguồn vốn của ngân hàng thương mại.

Ba là, tiền gửi chờ thành lập ngân hàng thương mại cổ phần và Công ty tài chính cổ phần, của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, nay chuyển sang tài khoản tiền gửi phong toả tập trung tại một định chế được lựa chọn cho chuẩn bị xin cấp giấy phép và khai trương hoạt động.

Bốn là, thị trường chứng khoán sụt giảm, giá cổ phiếu trên thị trường OTC xuống quá thấp, hàng loạt nhà đầu tư thua lỗ, thụt vốn. Bởi vậy tiền của các nhà đầu tư gửi tại ngân hàng thương mại cũng sụt giảm theo.

Bên cạnh đó số dư trên tài khoản của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cũng giảm; đồng thời hàng loạt công ty chứng khoán bị thua lỗ trong nhiều danh mục đầu tư từ đầu năm đến nay.

Hai nhân tố này làm giảm số dư tiền gửi của công ty chứng khoán tại các ngân hàng thương mại.

Năm là, từ đầu năm đến nay thị trường vàng biến động mạnh, trong điều kiện chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) ở mức cao, nên một lượng đáng kể tiền của người dân được đầu tư vào vàng.

Một số thông tin đã công bố cho hay, từ đầu năm 2008 đến nay trên 40 tấn vàng đã được nhập khẩu về Việt Nam, trị giá trên 1,2 tỷ USD, trong đó ước tính 60% đã bán ra dân chúng.

Sáu là
, thị trường chứng khoán sụt giảm, thị trường bất động sản chững lại, giá hạ nhưng cũng rất ít giao dịch. Chứng khoán và bất động sản không bán được, tiền không trở lại với nhà đầu tư, thì lấy đâu ra để gửi ngân hàng.

Bảy là
, các thông tin về tăng thuế và tăng giá đối với ô tô liên tục được đưa ra, nên nhiều người có kế hoạch mua ô tô đã phải nhanh chóng rút tiền gửi tại ngân hàng, vay thêm bạn bè, người thân và tìm kiếm nguồn khác để chớp thời cơ mua.

Tám là
, nguồn tiền trong dân cũng có giới hạn. Sau các đợt tăng lãi suất huy động vốn của ngân hàng thương mại từ cuối tháng 2/2008 đến nay, người dân đã tập trung gửi vào ngân hàng thương mại thời điểm lãi suất cao, lại còn được khuyến mại quay thưởng, tặng quà,... đến nay không còn tiền để gửi.

Các nguyên nhân nói trên cũng cho thấy, thị trường tiền tệ sẽ còn tiếp tục nóng lên. Để hạ nhiệt lãi suất, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay đang ở mức quá cao như hiện nay thì cần có sự linh hoạt trong điều hành chính sách của cơ quan chức năng. Bởi vì sản xuất kinh doanh phát triển, chi phí vốn vay giảm, số đông người lao động có thêm việc làm,... mới là nền tảng vững chắc cho kiềm chế lạm phát.