Lãnh đạo Hội Khoa học Kinh tế: Cần nghiên cứu toàn diện các kịch bản tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia
TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh cần phải có thêm các nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn, đảm bảo cả định lượng và định tính khi đánh giá về tác động các phương án, các kịch bản tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Từ đó, mới xác định được phương án tối ưu, đảm bảo bền vững các mục tiêu cần đạt được...
Ngày 14/11, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chủ trì hội thảo Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn với chủ đề: “Phương án tăng thuế đạt đa mục tiêu và lợi ích bền vững”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho biết đây là một dự án Luật trong số 13 dự án luật của chương trình Kỳ hop Quốc hội lần thứ 8, đang được Quốc hội thảo luận dựa trên dự thảo trình của Chính phủ.
Quá trình lấy ý kiến mở rộng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã nhận được nhiều sự quan tâm, không chỉ của các đơn vị trong ngành chịu sự điều chỉnh của Luật mà còn có nhiều ý kiến đóng góp của chuyên gia kinh tế, tài chính, pháp luật và đầu tư, thương mại.
"Nhìn chung, từ việc tổng hợp thông tin của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam trong quá trình bám sát các dòng chảy thông tin về chủ đề này, chúng tôi nhận thấy đa số các ý kiến đều chưa đồng thuận với dự thảo của Bộ Tài chính về các phương án tăng thuế", Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nói.
"Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần phải có thêm các nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn, đảm bảo cả định lượng và định tính khi đánh giá về tác động của các phương án, các kịch bản tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia theo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, để nhìn nhận rõ ràng hơn mức độ tác động theo các chiều hướng: bộ phận - tổng thể; theo thời gian: ngắn hạn - trung hạn - dài hạn. Trên cơ sở đó mới có thể xác định phương án tối ưu, có khả năng đảm bảo bền vững các mục tiêu cần đạt được".
TS. Chử Văn Lâm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
Cũng theo TS. Chử Văn Lâm, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam với sự hội tụ đông đảo đội ngũ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu kinh tế, hiện đang làm việc ở nhiều cơ quan đơn vị gồm cả sự nghiệp công tại các ban, bộ ngành đến các trường đại học, các viện nghiên cứu...
Nhiều năm qua, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã được giao thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, nghiên cứu và đề xuất các chính sách theo các đề tài nghiên cứu ở các quy mô khác nhau.
Bên cạnh đó, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam còn có cơ quan báo chí là Thời báo Kinh tế Việt Nam (nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam) đã phát huy mạnh mẽ vai trò báo chí, truyền thông thực hiện các nhiệm vụ thông tin, kiến tạo các diễn đàn, hội thảo nhằm tăng cường kết nối thông tin chính sách và cuộc sống.
Các hoạt động này đã mang lại giá trị lớn, cung cấp thông tin đa chiều, giúp các cơ quan quản lý và cơ quan hoạch định chính sách nắm bắt nhanh thông tin thực tiễn, đồng thời giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thông hiểu giữa các chủ thể, cùng nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung.
Không nằm ngoài các nhiệm vụ quan trọng đó, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chủ trì hội thảo Góp ý dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn với chủ đề “Phương án tăng thuế đạt đa mục tiêu và lợi ích bền vững”.
Hội thảo hôm nay đã mời và nhận được sự nhiệt thành của các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu tới và đóng góp các tham luận chất lượng, đặc biệt là phần chia sẻ kết quả nghiên cứu từ nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Tổng cục Thống kê.
"Chúng tôi được biết đây là công trình nghiên cứu kinh tế lượng rất tâm huyết của các nhà nghiên cứu với sự cẩn trọng từ cách tiếp cận, phương pháp đến các dữ liệu đầu vào nghiên cứu từ các nguồn chính thống và tin cậy cao", TS. Chử Văn Lâm nói.
Từ những phân tích trên, TS. Chử Văn Lâm kỳ vọng các báo cáo tham luận và báo cáo nghiên cứu này sẽ là cơ sở quan trọng để các chuyên gia dẫn chiếu bàn thảo và phân tích trong phiên tọa đàm của hội thảo hôm nay.
Đồng thời, kỳ vọng những thông tin từ các tham luận và báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia trình bày trong hội thảo hôm nay cũng như các nội dung thảo luận sẽ là nguồn thông tin chính thống và tin cậy đối với các cá nhân, tổ chức quan tâm, tham khảo, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách, nhà làm luật và các đại biểu Quốc hội.
Chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu cũng nhấn mạnh khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn cần lưu ý các phương án tăng thuế đáp ứng được 4 mục tiêu đề ra: (i) phù hợp với bối cảnh kinh tế, thực trạng ngành hàng; (ii) khả năng thích ứng của doanh nghiệp; (iii) mục tiêu tăng trưởng, ổn định thị trường; (iv) đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.