11:53 21/01/2019

8 nhóm hàng mà Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nhất năm 2018

Duyên Duyên

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng mà Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2018 với 42,2 tỷ USD, tăng 11,7% so với năm 2017

Tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của hơn 10.000 doanh nghiệp FDI chiếm gần 60% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam năm 2018. Ảnh: Quang Phúc
Tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của hơn 10.000 doanh nghiệp FDI chiếm gần 60% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam năm 2018. Ảnh: Quang Phúc

Một số nhóm hàng có tốc độ nhập khẩu cao trong năm 2018 là dầu thô, chất dẻo nguyên liệu, vải các lại, kim loại thường, hóa chất...

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 12/2018, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 236,69 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2017.

Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn là nhóm hàng dẫn xuất về kim ngạch nhập khẩu với 42,2 tỷ USD trong năm 2018, tăng 11,7% so với năm trước đó. Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp ngành hàng này dẫn đầu về mức nhập khẩu.

Các thị trường chủ yếu cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam trong năm 2018 là Hàn Quốc với kim ngạch 17,26 tỷ USD, tăng 12,6% so với năm 2017, chiếm 41% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.

Tiếp theo là Trung Quốc với 7,83 tỷ USD, tăng 10,6%; thị trường Nhật Bản với 4,06 tỷ USD, tăng 27,2%...

Ngành hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này trong năm 2018 đạt 33,73 tỷ USD, giảm nhẹ 0,5% so với năm 2017.

Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu từ Trung Quốc với 12,02 tỷ USD, tăng 10,2%; từ Hàn Quốc với 6,17 tỷ USD, giảm 29% và từ Nhật Bản với 4,43 tỷ USD, tăng 2,7%.... so với năm 2017.

8 nhóm hàng mà Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nhất năm 2018 - Ảnh 1.

10 nhóm hàng nhập khẩu có mức tăng về trị giá lớn nhất năm 2018

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Giữ vị trí thứ ba trong nhập khẩu là điện thoại các loại và linh kiện. Nhập khẩu nhóm hàng này đạt 15,87 tỷ USD giảm 3,5% so với năm 2017.

Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là hai thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện trong năm 2018 cho Việt Nam, với trị giá chiếm 93,2% tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này.

Thứ tư là nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, bao gồm bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này năm 2018 đạt 23,91 tỷ USD, tăng 13,9% so với năm trước.

Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 10,53 tỷ USD, tăng 17,2%; Hàn Quốc với 3,14 tỷ USD, tăng 5,1%; Đài Loan với 2,43 tỷ USD, tăng 3,2%, từ Hoa Kỳ với 1,94 tỷ USD, tăng 22,3%... so với năm 2017.

Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo xếp vị trí thứ năm. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 14,96 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2017.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ Hàn Quốc đạt 3,47 tỷ USD tăng 12,5%; Trung Quốc đạt 3,17 tỷ USD tăng 11,5% ; Đài Loan đạt 1,52 tỷ USD tăng 16,6%... so với năm 2017.

Thứ sáu là mặt hàng sắt thép các loại với lượng nhập khẩu đạt 13,53 triệu tấn, trị giá 9,89 tỷ USD, giảm 9,8% về lượng nhưng tăng 9% về trị giá so với năm 2017.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2018 với 6,27 triệu tấn, trị giá đạt 4,5 tỷ USD, giảm 10,2% về lượng, nhưng tăng 9,6% về trị giá so với năm trước đó.

Đứng thứ 2 là Nhật Bản với 2,23 triệu tấn, trị giá 1,59 tỷ USD, giảm 2% về lượng và tăng 12,7% về trị giá; đứng thứ ba là Hàn Quốc với 1,7 triệu tấn, trị giá đạt 1,41 tỷ USD giảm 0,5% về lượng và tăng 15,4% về trị giá…

Nhập khẩu hóa chất và sản phẩm từ hóa chất giữ vị trí thứ bảy, khi đạt kim ngạch 10,19 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2017.

Hóa chất và sản phẩm trong năm 2018 nhập khẩu về Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc với 2,96 tỷ USD, tăng 19,2% so với năm 2017; xuất xứ từ Đài Loan với 1,19 tỷ USD, tăng 27,6%; xuất xứ từ Hàn Quốc với 1,13 tỷ USD, tăng 13,7%...

Thứ tám là nhập khẩu xăng dầu các loại. Trong năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 11,43 triệu tấn xăng dầu, trị giá 7,64 tỷ USD, giảm 11,4% về lượng nhưng tăng 8,1% về trị giá so với năm 2017.

Các thị trường cung cấp xăng dầu cho Việt Nam trong năm 2018 chủ yếu là Malaysia với 3,28 triệu tấn, tăng 22,4%; Hàn Quốc với 2,42 triệu tấn, giảm 21,4% và Singapore với 2,4 triệu tấn, giảm 44,2%.

Theo Tổng cục Hải quan, tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa của hơn 10.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam chiếm gần 60% trong năm 2018.

Trước đó, theo WTO, trong năm 2017, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có thứ hạng 25 trên phạm vi toàn cầu.