18:46 07/10/2015

“Ác mộng” kích cầu 2009 vẫn đang ám ảnh Trung Quốc

An Huy

“Gói kích thích năm 2009 bị xem là một sai lầm chính sách lớn. Trung Quốc không muốn lặp lại sai lầm đó”

Cũng giống như khi đối phó với lần giảm tốc tăng trưởng hồi năm 2008, lần này, Chính phủ Trung Quốc cũng dồn nhiều tâm sức cho các dự án cơ sở hạ tầng - Ảnh: Telegraph.<br>
Cũng giống như khi đối phó với lần giảm tốc tăng trưởng hồi năm 2008, lần này, Chính phủ Trung Quốc cũng dồn nhiều tâm sức cho các dự án cơ sở hạ tầng - Ảnh: Telegraph.<br>
Khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc toan đặt chân lên bàn đạp ga kích thích kinh tế, thì một hình ảnh hiện ra ở gương chiếu hậu khiến họ phải khựng lại - hãng tin Bloomberg nhận xét.

“Núi” nợ khổng lồ

Vào năm 2009 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở giai đoạn cao điểm, Thủ tướng Trung Quốc khi đó Ôn Gia Bảo đã công bố một gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ USD.

Một “di sản” mà kế hoạch khổng lồ này để lại cho đến nay, chính là một “núi” nợ khổng lồ mà đương kim Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch nước này Tập Cận Bình phải đối mặt.

Không muốn lặp lại kế hoạch chi tiêu mạnh tay như vậy giữa lúc nợ nần của các chính quyền địa phương đã chồng chất, ông Lý và ông Tập đành lựa chọn các biện pháp kích thích kinh tế trong quy mô hẹp.

Các biện pháp này bao gồm giảm thuế cho người tiêu dùng mua xe, giảm mức đặt cọc tối thiểu cho người mua nhà lần đầu, và cam kết sẽ hỗ trợ việc tiêu thụ xe hơi chạy điện.

Cũng giống như khi đối phó với lần giảm tốc tăng trưởng hồi năm 2008, lần này, Chính phủ Trung Quốc cũng dồn nhiều tâm sức cho các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án đường bộ và đường sắt cao tốc. Mặc dù vậy, vốn cho các dự án này chủ yếu là vốn trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh, thay vì tiền các địa phương đi vay ngân hàng. Biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn sự phình to của khối nợ xấu.

“Cách kích thích tăng trưởng thận trọng hơn phản ánh mối lo ngại của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đối với sự tăng trưởng nóng của vốn tín dụng trong thời gian 2009-2010. Đợt tăng trưởng tín dụng đó đã tạo ra những mất cân đối nghiêm trọng và nhiều nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc”, ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty nghiên cứu IHS Global Insight, nhận xét.

Đối với thế giới, việc Trung Quốc chấp nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với trước đây đồng nghĩa với giá hàng hóa cơ bản giảm sâu và xuất khẩu hàng hóa sang nước này chững lại.

Khi lý giải về nguyên nhân Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9, Chủ tịch FED Janet Yellen đề cập đến mối lo xuất phát từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

Tìm điểm cân bằng

Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc năm nay chỉ tăng trưởng khoảng 7%, mức tăng chậm nhất trong 25 năm.

Những con số ước tính về tổng số tiền mà Trung Quốc đã chi ra để kích thích tăng trưởng kinh tế trong năm nay rất khác nhau. Tuy vậy, theo ông Stephen Jen, nhà đồng sáng lập quỹ đầu cơ SLJ Macro Partners có trụ sở ở London, con số thực tế chắn chắn nhỏ hơn nhiều so với gói kích thích năm 2009. “Gói kích thích năm 2009 bị xem là một sai lầm chính sách lớn. Trung Quốc không muốn lặp lại sai lầm đó”, ông Jen nhận định.

Tuy nhiên, ông Jen cho rằng, nếu tăng trưởng giảm tốc quá mạnh, “Bắc Kinh sẽ chi nhiều hơn một chút để ngăn nguy cơ hạ cánh cứng”.

Trung Quốc hoàn toàn có khả năng để tăng cường chi tiêu tài khóa trong trường hợp cần thiết, bởi tỷ lệ nợ của Chính phủ nước này so với GDP mới chỉ ở mức dưới 30%.

Vấn đề nằm ở chỗ, liệu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có sẵn sàng hành động mạnh tay hay không.

“Bắc Kinh không muốn quay trở lại mô hình cũ là gói kích thích kinh tế khổng lồ. Họ đang cố gắng tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng và cải cách, nên họ vẫn chưa chi tiền mạnh như lần trước”, ông Chi Lo, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của công ty BNP Paribas Investment Partners, nhận định.