17:01 28/08/2007

Acer "thôn tính" Gateway: Vụ sáp nhập vì quy mô

Phương Mai

Vụ sáp nhập giữa Acer và Gateway cho thấy quy mô có vai trò quan trọng như thế nào trong ngành công nghiệp sản xuất máy tính cá nhân toàn cầu

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Wang của Acer và thị phần của 10 hãng sản xuất máy tính hàng đầu thế giới năm 2006.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Wang của Acer và thị phần của 10 hãng sản xuất máy tính hàng đầu thế giới năm 2006.
Vụ sáp nhập giữa hãng sản xuất máy tính cá nhân của Đài Loan Acer và Gateway của Mỹ cho thấy quy mô có vai trò quan trọng như thế nào trong ngành công nghiệp sản xuất máy tính cá nhân toàn cầu, một ngành công nghiệp mà tỷ suất lợi nhuận không cao trong khi mức độ cạnh tranh mỗi ngày thêm khốc liệt.

Giai đoạn mới của ngành công nghiệp máy tính

Ngày 27/8, hãng Acer tuyên bố đã mua lại hãng sản xuất máy tính Gateway của Mỹ với giá 710 triệu USD. Động thái mới nhất này của hãng Acer trong việc tiến công vào thị trường Mỹ cũng đánh dấu một giai đoạn mới trong sự biến chuyển mạnh mẽ diễn ra trong ngành công nghiệp máy tính cá nhân toàn cầu.

Với vụ mua lại này, Acer sẽ hất cẳng đối thủ Lenovo của Trung Quốc để trở thành hãng sản xuất máy tính có thị phần lớn thứ ba trên thế giới. Mới chỉ hai năm trước đây, Lenovo vươn vị trí này nhờ việc mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của tập đoàn International Business Machines.

Ngoài ra, vụ mua lại này lại một lần nữa làm ngắn đi danh sách của các hãng sản xuất máy tính của Mỹ, một danh sách trước đây từng bao gồm những “ông lớn” như Compaq. Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn có hai hãng sản xuất máy tính lớn nhất thế giới là H-P và Dell.

Được biết Acer đã nung nấu một kế hoạch mua lại trong vòng khoảng 1 năm nay. Chủ tịch Wang lần đầu công bố dự định trên của công ty vào tháng 3 vừa qua, nhưng không cho biết mục tiêu cụ thể của Acer là công ty nào. Ngày 27/8, ông cho biết, Acer và Gateway đã bắt đầu thảo luận về thỏa thuận này từ 6 tuần trước đó.

Theo các điều khoản của thỏa thuận giữa Acer và Gateway, Acer sẽ mua lại tất cả các cổ phiếu đã phát hành của Gateway với giá 1,90 USD/cổ phiếu, 57% cao hơn so với mức giá cổ phiếu của Gateway tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Ngay sau vụ mua bán được công bố, giá cổ phiếu của Gateway đã tăng 61% lên mức 1,82 USD/cổ phiếu. Acer và Gateway cho biết, thỏa thuận này đã được hội đồng quản trị của hai bên thông qua và được dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12 tới.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, họ không ngạch nhiên trước việc Gateway bị mua lại. Gateway đã trải qua thời hoàng kim của mình vào cuối thập niên 1990 với logo da bò và những cửa hàng bán lẻ Gateway Country, nhưng sau đó đã gặp phải sự cạnh tranh gay gắp từ những đối thủ nặng ký như Dell với mức giá sản phẩm rẻ hơn.

Vào năm 2002, Gateway mở rộng sang lĩnh vực điện tử tiêu dùng như TV màn hình phẳng, nhưng những nỗ lực như vậy không thể cải thiện được lĩnh vực sản xuất máy tính đang trong thời kỳ khó khăn của hãng. Đến năm 2004, Gateway đã đóng cửa các cửa hàng bán lẻ và lại tập trung vào sản xuất máy tính cá nhân. Giá cổ phiếu của Gateway từng có thời kỳ đạt mức 82,50 USD/cổ phiếu, đã giảm tới 98% xuống mức hiện tại.

Lợi thế nhờ quy mô

Các hãng sản xuất máy tính cá nhân mua linh kiện từ nhà cung cấp và sẽ được hưởng mức giảm giá dựa trên cơ sở độ lớn của một đơn đặt hàng. Hiện tại Hewlett-Packard và Dell, hai công ty chiếm hơn 52% thị phần máy tính cá nhân của Mỹ vào năm 2006, có thể đưa ra những đơn đặt hàng lớn nhất và nhờ đó, được hưởng mức giảm giá lớn nhất.

Với những khoản giảm giá từ phía nhà cung cấp như vậy, những công ty này có thể hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với các đối thủ khác nhằm duy trì hoặc tăng thị phần. Vòng tròn này khiến các đối thủ nhỏ con hơn trong ngành công nghiệp máy tính gần như không thể cùng lúc cạnh tranh và đảm bảo lợi nhuận.

Mặc dù Gateway và Acer có quy mô khá lớn, thị phần của hai hãng này vẫn nhỏ bé khi đứng cạnh hai người khổng lồ là H-P và Dell. Tuy nhiên, gộp chung, cả Gateway và Acer đạt doanh thu hơn 15 tỷ USD trong năm 2006 và ước tính, sẽ đưa ra thị trường khoảng 25 triệu chiếc máy tính trong năm nay.

Mặc dù sẽ chiếm thị phần khoảng 10,8% trên thị trường máy tính cá nhân của Mỹ, công ty hợp nhất giữa Acer và Gateway vẫn nhỏ bé hơn rất nhiều so với H-P và Dell. Trong quý 2 vừa qua, H-P chiếm 23,6% thị trường máy tính cá nhân ở Mỹ, còn Dell chiếm 28,4%. Gộp chung, Acer và Gateway sẽ chiếm thị phần khoảng 9% trên thị trường máy tính cá nhân toàn cầu, so với mức 19,2% của H-P và 16,1% của Dell.

“Quy mô hiện đóng một vai trò quan trọng và thậm chí sẽ còn trở nên quan trọng hơn trong tương lai,” Chủ tịch Acer Gianfranco Lanci nhận định. Ông cho biết thêm, trước mắt, ông có kế hoạch hợp nhất chuỗi cung cấp của Gateway vào chuỗi cung cấp của Acer để tăng hiệu quả hoạt động nhưng vẫn để Gateway hoạt động như một công ty riêng.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Acer J.T. Wang thì cho biết: “Vụ giao dịch này đem lại quy mô lớn cho Acer để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.”

Chiến lược sau khi sáp nhập

Các quan chức của Acer cho biết, sau vụ sáp nhập này, hãng sẽ tiếp tục sử dụng các thương hiệu eMachine và Gateway. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Wang cho biết, việc sử dụng cùng lúc nhiều thương hiệu là một “thay đổi lớn trong chiến lược công ty” của hãng Acer vốn chỉ có một thương hiệu. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, việc có 3 thương hiệu sẽ là một nguồn sức mạnh cho phép công ty cùng lúc nhắm vào những phân khúc thị trường khác nhau.

Chủ tịch Lanci nói: “Một lý do khác là thương hiệu Gatewat là một thương hiệu rất nổi ở Mỹ và chúng tôi muốn tiếp tục phát triển thương hiệu này tại thị trường Mỹ cũng như mở rộng ra các thị trường khác. Chúng tôi đã nhận thấy cơ hội cho thương hiệu này tại một số thị trường đang nổi lên ở châu Á.”

Các quan chức của Acer cho biết, họ kỳ vọng vụ sáp nhập sẽ giúp công ty mới tiết kiệm khoảng 150 triệu USD vào năm tới thông qua việc tăng quy mô của các đơn đặt hàng mua linh kiện và cắt giảm chi phí nhờ kết hợp các bộ phận chồng chéo như dịch vụ khách hàng. Gateway cho biết, hiện đang trong quá trình đàm phán để bán lại bộ phận của công ty chuyên cung cấp máy tính cá nhân cho các trường học, chính phủ và doanh nghiệp.

Ý nghĩa với các bên

Một nguồn tin thân cận cho biết, Gateway quyết định để Acer mua lại vì Hội đồng quản trị của công ty cho rằng công ty hợp nhất sẽ được lợi từ quy mô lớn hơn và hiệu quả cao hơn, nhờ thế nâng cao khả năng cạnh tranh. Ra đời vào năm 1985 và đã từng có một thời kỳ hoạt động thành công, trong những năm gần đây, Gateway phải đối mặt với tình hình cạnh tranh gay gắt và doanh số sụt giảm.

Còn đối với Acer, một công ty từng một thời sản xuất máy tính cho những thương hiệu lớn của phương Tây, vụ mua lại này đánh dấu một bước tiến lớn, mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc sở hữu Gateway, một công ty có 1.645 nhân viên, sẽ giúp nhanh chóng cải thiện vị trí của Acer tại Mỹ, một thị trường từ lâu nằm dưới sự thống trị của Dell và H-P. Gần đây, Acer cũng đã có được những bước tiến nhất định tại thị trường này trong việc bán sản phẩm máy tính laptop của mình thông qua những chuỗi bán lẻ lớn như Best Buy.

Những gì đang diễn ra quả thực là một bức tranh tương phản so với những gì diễn ra vào giữa thập niên 1990, khi Acer phải nỗ lực rất nhiều để giành giật thị phần tại Mỹ và phải rút lui khỏi thị trường này vào năm 1999. Sau này, Chủ tịch Wang có nói vui rằng, đối với Acer, Mỹ là “miền đất của những nỗi buồn.” Sau đó, Acer đã phục hồi và xâm nhập thành công vào châu Âu, thị trường mà hãng hiện chiếm thị phần lớn nhất.

Vụ sáp nhập này cũng sẽ đem lại thách thức lớn đối với hãng sản xuất máy tính Lenovo của Trung Quốc. Vào năm 2005, Lenovo mua lại bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của IBM và đang trong cuộc chiến giành vị trí thứ 3 trong ngành công nghiệp máy tính toàn cầu với Acer.

Đầu tháng 8 này, Lenovo cho biết đang trong quá trình đàm phán để mua lại cổ phần tại Packard Bell BV, một hãng sản xuất máy tính của Hà Lan. Tuy nhiên, vào ngày 26/8, Gateway đã dội một gáo nước lạnh vào Lenovo khi tuyên bố rằng, hãng sẽ dùng tới “quyền ưu tiên từ chối” để mua lại toàn bộ cổ phiếu của PB Holding, công ty mẹ của Packard Bell.

Gateway cho biết, vào tháng 6/2006 hãng đã mua lại được quyền này từ John Hui, một doanh nhân Mỹ gốc Trung Quốc, người sở hữu Packard Bell. Gateway cũng cho biết, hãng mới nhận được một thông báo từ phía ông Hui đề nghị bán lại toàn bộ cổ phiếu của công ty mẹ của Packard Bell cho Gateway.

Tuy nhiên, phản ứng trước tuyên bố của Gateway, Lenovo cho biết, hãng vẫn giữ ý định mua lại Packard Bell.

(Theo WSJ)