Agribank: Dự phòng rủi ro phủ kín hoàn toàn nợ xấu
Tổng dư nợ cho vay của Agribank tính đến cuối 2018 đạt trên 1 triệu tỷ đồng so với mức 876.237 tỷ đồng của năm 2017
Ngày 31/5, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) công bố báo cáo kiểm toán năm 2018. Theo đó, lợi nhuận đạt 7.345 tỷ đồng, nợ xấu khoảng 1,6%/tổng dư nợ, dự phòng trên 21 nghìn tỷ đồng và trong 6 tháng tới, nhà băng này dự kiến sẽ mua hết nợ tại VAMC.
Trao đổi với VnEconomy, đại diện Agribank cho biết, tính đến hết 2018, ngân hàng đã bước qua thời kỳ khó khăn nhất và tất cả đã sẵn sàng cho lộ trình cổ phần hoá theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, tổng dư nợ cho vay tính đến cuối 2018 đạt trên 1 triệu tỷ đồng so với mức 876.237 tỷ đồng của năm 2017. Trong đó, nợ ngắn hạn là 586.338,600 tỷ đồng; trung hạn: 308.611,585 tỷ đồng và nợ dài hạn là 109.621,565 tỷ đồng.
Phân tích dư nợ theo cơ cấu đối tượng, nhóm tổ chức kinh tế đạt 297.087,063 tỷ đồng, nhóm kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng nhiều nhất với con số 702.921,502 tỷ đồng và phần còn lại của các nhóm khách hàng khác.
Riêng về lợi nhuận, trong 3 năm liền kề, tốc độ tăng rất đáng chú ý. Cụ thể: nếu 2016, lợi nhuận chỉ 3.881 tỷ thì 2017 vọt lên 4.507 tỷ và 2018 là 7.345 tỷ.
Theo đại diện Agribank, ngân hàng này còn phải dành 20% tổng dư nợ cho vay 5 chương trình tín dụng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất khoảng 6%/năm, thấp hơn ít nhất 3% so với cho vay theo thị trường. Với tổng dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng, mỗi năm ngân hàng phải hy sinh một khoản lợi nhuận rất lớn để hỗ trợ các nhóm khách hàng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
"Năm 2019, chúng tôi đặt mục tiêu lợi nhuận trên 10 nghìn tỷ đồng và đứng vào top 5 ngân hàng có mức lợi nhuận đứng đầu hệ thống", vị đại diện Agribank nói.
Song song, nợ xấu hiện tại của ngân hàng ở mức 1,6%/tổng dư nợ, thấp xa với mục tiêu dưới 3% do Ngân hàng Nhà nước giao vào 2020. Đáng chú ý, năm 2018, ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro trên 21 nghìn tỷ đồng, trong khi nợ xấu trên 16.100 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2018, ngân hàng đã mua lại 26 nghìn tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC, kéo mệnh giá trái phiếu VAMC từ mức 40.983 tỷ đồng vào cuối 2017 xuống 7.550 tỷ vào cuối 2018; dự kiến, trong vòng 6 tháng tới, ngân hàng sẽ mua hết số trái phiếu còn lại tại VAMC.
Gần đây, Kiểm toán Nhà nước có lưu ý một số vấn đề với Agribank, đại diện Agribank cho biết thêm, thứ nhất, tính đến 31/12/2018, ngân hàng đã thoái vốn thành công tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), thu về số tiền 8,5 tỷ đồng so với mức 2,3 tỷ đồng đầu tư ban đầu; thu hồi 17 triệu đồng tiền gốc và 38,2 triệu đồng tiền lãi khoản vốn góp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhận bàn giao từ Tổng công ty Vàng bạc đá quý.
Thứ hai, tính đến quý 1/2019, ngân hàng đã chỉ đạo các công ty con, kết quả tình hình tài chính sau kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước như sau: ALCI lỗ luỹ kế 691 tỷ đồng, giảm 22 tỷ đồng; Công ty cổ phần chứng khoán lỗ 410 tỷ đồng, giảm 59 tỷ đồng; Công ty Dịch vụ Agribank lỗ 32 tỷ đồng, giảm 81 tỷ đồng; Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản chấm dứt lỗ luỹ kế và có lãi 299 triệu đồng.
Riêng với ALCII, đã hoàn thành thủ tục phá sản và hiện đang chấp hành quyết định số 2936/QĐ-CTHADS ngày 8/9/2018 của Cục Thi hành án dân sự Tp. Hồ Chí Minh về thi hành án chủ động.
Hiện tại, theo phản ánh của Agribank, ngân hàng đã ra khỏi giai đoạn tái cơ cấu lần thứ nhất (2013 - 2016) và hoàn thành nhiệm vụ củng cố năng lực tài chính, tạo tiền đề cho lộ trình cổ phần hoá. Trong bối cảnh việc tăng vốn điều lệ còn chờ phê duyệt của bộ, ngành và Chính phủ, trong năm 2019, ngân hàng dự kiến phát hành thêm 2 đợt trái phiếu, trị giá khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng để đáp ứng hệ số an toàn vốn khi tăng trưởng tín dụng.