10:04 29/11/2018

Agribank kỳ vọng xử lý dứt điểm nợ xấu

Thùy Linh

Agribank một trong những ngân hàng tiên phong đưa ra nhiều chính sách xử lý dứt điểm nợ xấu đã đạt được kết quả, duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,98%

Trên tinh thần quyết liệt xử lý nợ xấu dứt điểm, Agribank đã tập trung triển khai trong toàn hệ thống.
Trên tinh thần quyết liệt xử lý nợ xấu dứt điểm, Agribank đã tập trung triển khai trong toàn hệ thống.

Sau 1 năm triển khai, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Agribank một trong những ngân hàng tiên phong đưa ra nhiều chính sách xử lý dứt điểm nợ xấu đã đạt được kết quả, duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,98%.

Trên tinh thần quyết liệt xử lý nợ xấu dứt điểm, Agribank đã tập trung triển khai trong toàn hệ thống: (i) Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ phận xử lý nợ xấu; (ii) Củng cố tăng cường năng lực hoạt động của Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (AMC); (iii) Tổ chức rà soát, xây dựng, tập huấn quy chế thu giữ tài sản đảm bảo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo, bán nợ xấu cho VAMC; (iv) Mạnh dạn, chủ động thực hiện tổng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ xấu về mức lãi suất thời điểm 15/8/2017; Miễn, giảm lãi tồn đọng theo thời hạn trả nợ gốc để khuyến khích khách hàng tìm mọi nguồn thu trả nợ ngân hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh…

Agribank đã đưa ra phương án chấp nhận giảm lãi suất, phối hợp với VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, Agribank phải đối mặt với không ít vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn như:

Công tác quản trị rủi ro tín dụng đã được nghiên cứu triển khai nhưng vẫn còn thiếu một số công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro.

Các khách hàng sau xử lý hầu hết gặp khó khăn về tài chính, nguồn trả nợ chủ yếu từ việc phát mại tài sản đảm bảo, tuy nhiên quá trình xử lý tài sản đảm bảo lại gặp khó khăn, vướng mắc. Khách hàng có duy nhất một căn nhà đem thế chấp để lấy vốn làm ăn nhưng bị thua lỗ.

Theo theo pháp luật căn nhà bị ngân hàng siết nợ nhưng nếu quyết liệt thu giữ tài sản, thì sẽ đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết một cách hợp tình hợp lý.

Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ tài sản đảm bảo của bên nhận tài sản đảm bảo. Mặc dù vậy, khi khách hàng không hợp tác thì các tổ chức tín dụng vẫn phải khởi kiện khách hàng ra tòa án nhân dân có thẩm quyền. Như vậy, tổ chức tín dụng chỉ thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo thành công đối với một số trường hợp nhất định như: khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà tài sản đảm bảo không có tranh chấp; tài sản đảm bảo là đất trống… Điều này vô hình chung cũng hạn chế việc xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng..

Để quyết liệt xử lý và ngăn ngừa nợ xấu Agribank cũng như các tổ chức tín dụng khác mong muốn các Bộ, Ban Ngành liên quan bám sát Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về một số nội dung như: Hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc nộp thuế khi xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng trước khi thực hiện thu hồi nợ vay đúng theo tinh thần của Nghị quyết 42; hướng dẫn thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản đảm bảo; quy định rõ trách nhiệm thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản đảm bảo;

Tập trung quyết liệt hơn nữa trong giải quyết dứt điểm các vụ việc đang thi hành án; Hướng dẫn chỉ đạo về việc hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42...

Đồng thời, cùng ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết 42, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về xử lý nợ xấu, nhằm gia tăng hơn nữa ý thức trả nợ của khách hàng.

Với kỳ vọng xử lý dứt điểm nợ xấu, Agribank xác định tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ, linh hoạt áp dụng có hiệu quả các cơ chế về xử lý nợ tại Nghị quyết 42 như: miễn, giảm lãi, phí; thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo; sử dụng dịch vụ xử lý nợ của AMC; bán khoản nợ đã bán cho VAMC theo giá trị trường…

Việc phát mại tài sản đảm bảo được Agribank quán triệt phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng pháp luật.