11:10 13/06/2018

Ai được, ai mất sau thượng đỉnh Mỹ-Triều?

An Huy

Trung Quốc được cho là thắng lợi, còn Nhật Bản và Hàn Quốc “trắng tay” sau cuộc gặp lịch sử

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp ở Singapore ngày 12/6 - Ảnh: Reuters.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp ở Singapore ngày 12/6 - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc - đối thủ của Mỹ - được, còn hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc hầu như chẳng được gì từ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Bloomberg nhận định.

Theo hãng tin này, thắng lợi lớn nhất từ thượng đỉnh Mỹ-Triều thuộc về Triều Tiên và Trung Quốc, bởi Bắc Kinh từ lâu luôn ủng hộ quy trình mà ông Trump khởi xướng trong cuộc gặp này.

Thắng lợi của Trung Quốc

Khi gặp ông Kim Jong Un ở Singapore, ông Trump đã cam kết khởi động một quy trình đàm phán mở và nói Mỹ sẽ dừng hoạt động tập trận chung với Hàn Quốc. Xét đến việc Triều Tiên đã tuyên bố dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, những cam kết của ông Trump đồng nghĩa với đối thoại và mô hình "dừng đổi lấy dừng" mà Trung Quốc đã kêu gọi suốt nhiều năm.

Thắng lợi cho Trung Quốc càng được chứng minh khi ông Trump một lần nữa gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là bạn thân và cảm ơn ông Tập về vai trò của Bắc Kinh trong việc tăng cường trừng phạt Triều Tiên. Dù không có mặt, ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn lơ lửng trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong Un: ông Tập Cận Bình đã có hai lần gặp ông Kim Jong Un trong những tuần gần đây, và máy bay chở nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Singapore để dự cuộc gặp là của hãng hàng không Trung Quốc Air China.

Ngoại giao của ông Trump "gửi đi những tín hiệu sai lầm đến Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga" - nhà phân tích Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia nhận xét. "Nếu Mỹ sẵn sàng đưa ra lời hứa như vậy đối với Triều Tiên, thì Mỹ còn đang tin tưởng bao nhiêu trong vấn đề duy trì cam kết an ninh với đồng minh?"

Hai cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với ông Kim Jong Un đã giúp khôi phục mối quan hệ Trung-Triều vốn trở nên băng giá trong khoảng 6 năm trở lại đây. Hai nước láng giềng vốn là đồng minhh thân cận của nhau đã trở nên lạnh nhạt sau khi Trung Quốc ủng hộ Liên hiệp quốc siết trừng phạt Triều Tiên bằng cách hạn chế nhập khẩu năng lượng và nguồn thu ngoại tệ của nước này.

Nhật, Hàn "trắng tay"?

Nhật Bản, đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực, không đạt được mục đích gì từ thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ông Kim Jong Un không hề đưa ra lời hứa giải quyết vấn đề công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc, và ông cũng không đưa ra hạn chế nào về chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Đối với Hàn Quốc, có vẻ như ông Trump thậm chí cũng không báo trước về quyết định dừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Giới chức Hàn Quốc nói rằng họ đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa thực sự của tuyên bố mà ông Trump đưa ra.

Giới phân tích cho rằng với kết quả cuộc gặp như vậy, ông Trump cho phép hai đối thủ chiến lược là Trung Quốc và Triều Tiên hưởng lợi, trong khi phần thua thiệt nghiêng về các đồng minh thân cận của Mỹ. Điều này rất giống với sự chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ với các đồng minh tại thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mới đây - khi ông Trump không ủng hộ tuyên bố chung và gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau là "yếu đuối và thiếu trung thực" khi ông Trudeau chỉ trích hàng rào thuế quan của Mỹ.

Cuộc gặp lịch sử kết thúc, giờ là lúc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thực thi nhiệm vụ trấn an những nỗi lo của lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc. Vào ngày thứ Tư, ông Pompeo sẽ bay tới Seoul để gặp người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản, tiếp đó sẽ đến Bắc Kinh để gặp quan chức Trung Quốc.

Ông Trump luôn nói rằng cuộc gặp với ông Kim Jong Un chỉ là sự khởi đầu của một quá trình, rằng Mỹ sẽ không dễ dàng nới lỏng sức ép với Triều Tiên, bao gồm cả việc trừng phạt nước này, cho tới khi đạt mục tiêu Triều Tiên "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược".

Bước lùi của Mỹ

Tuy nhiên, yêu cầu này không hề được đề cập trong tuyên bố chung mà ông Trump và ông Kim đặt bút ký. Cũng không có một lộ trình nào được vạch ra cho việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đây được xem là một bước lùi lớn so với những gì mà các quan chức Mỹ vẫn tuyên bố trước cuộc gặp - rằng họ muốn một quy trình nhanh chóng và sự thể hiện thiện chí rõ ràng từ Triều Tiên.

Mặc dù vậy, ông Trump bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ là bên mất trong cuộc gặp thượng đỉnh. "Chúng tôi chẳng từ bỏ điều gì", ông nói. "Toàn bộ cuộc gặp vừa tốt cho Mỹ, vừa tốt cho Triều Tiên".

Về phần mình, Trung Quốc tỏ ra phấn chấn với kết quả thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói hai nước đã "tạo ra một trang sử mới".

"Dĩ nhiên là Trung Quốc ủng hộ và hoan nghênh kết quả cuộc gặp. Vì đây là mục tiêu mà chúng tôi hy vọng và nỗ lực để có được", ông Vương Nghị nói.

Dù phản đối việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc cũng muốn ngăn chặn một cuộc khủng hoảng chính trị ở Bình Nhưỡng hoặc một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Bất kỳ sự mất ổn định nào, hoặc một thỏa thuận nào dẫn tới thống nhất hai miền Triều Tiên dưới sự dẫn dắt của Mỹ đều có thể đặt ra khả năng quân đội Mỹ hiện diện sát biên giới Trung Quốc.

Khi tới Trung Quốc, nhiệm vụ quan trọng nhất của Ngoại trưởng Pompeo sẽ là đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ duy trì thực thi trừng phạt Triều Tiên. Thời gian qua, sự trừng phạt của Trung Quốc đối với Triều Tiên đã giúp Mỹ củng cố sức mạnh, và được ông Trump cho là góp phần đưa ông Kim Jong Un tới bàn đàm phán.

Tuy nhiên, ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Trung Quốc đã phát tín hiệu về khả năng nới lỏng trừng phạt Triều Tiên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang nói lệnh trừng phạt sẽ được xem xét lại nếu Triều Tiên tuân thủ các yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về phi hạt nhân hóa.

"Lệnh trừng phạt là một phương tiện, không phải là mục đích", ông Geng nói. "Chúng tôi tin rằng Hội đồng Bảo an sẽ nỗ lực để ủng hộ những cố gắng ngoại giao hiện nay".