10:45 25/04/2008

Ảm đạm thương mại toàn cầu

Trung Việt

Kinh tế Mỹ suy giảm, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, thương mại toàn cầu có thể chỉ tăng 4,5% năm nay, so với 5,5% năm 2007

Năm nay sẽ là một năm ảm đạm của thương mại toàn cầu.
Năm nay sẽ là một năm ảm đạm của thương mại toàn cầu.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn do khủng hoảng tài chính, kinh tế Mỹ suy giảm, lạm phát tăng cao ở nhiều nước, thương mại toàn cầu có thể chỉ tăng 4,5% năm nay, so với 5,5% năm 2007.

Các chuyên gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa đưa ra nhận định này và cho rằng những khó khăn kể trên đã làm giảm đáng kể dự báo tăng trưởng kinh tế ở các nước.

Tiếp tục đà suy giảm của năm 2007

Dự kiến mức tăng trưởng kinh tế trung bình năm nay ở những nước phát triển là 1,1% và các nước đang phát triển là trên 5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh tiếp tục được duy trì ở các nước đang nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga..., song cũng chỉ bù được phần nào sự giảm sút mạnh ở một số nước phát triển chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản và EU. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng giảm sút trên các thị trường thế giới khiến triển vọng buôn bán toàn cầu năm 2008 ảm đạm.

Năm 2007, sự giảm sút trong buôn bán ở các nước đang phát triển đã đẩy mức tăng trưởng buôn bán toàn cầu xuống 5,5% so với 8,5% năm 2006. Mức tăng trưởng buôn bán này sẽ tiếp tục sụt giảm, dự kiến chỉ đạt 4,5%. Riêng triển vọng tăng trưởng kinh tế và thương mại ở các nước đang phát triển và Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) được dự báo có nhiều dấu hiệu tích cực hơn. Giá hàng hóa bắt đầu tăng mạnh trở lại, giúp duy trì triển vọng tăng trưởng ngắn hạn ở phần lớn các nước đang phát triển và SNG.

Nguyên nhân là do những năm qua, sự phụ thuộc về xuất khẩu của các nước này vào các nước phát triển đã giảm mạnh, nên không bị ảnh hưởng nhiều khi nhu cầu nhập khẩu từ các nước phát triển giảm. Ngoài ra, các nước đang phát triển và SNG có lượng dự trữ ngoại hối tăng mạnh và nợ nước ngoài giảm. Những yếu tố này sẽ giúp duy trì mức đầu tư và tiêu dùng cao, kể cả khi giá hàng hóa có thể giảm trong nửa cuối năm 2008.

Tuy nhiên, với những nước đang phát triển bị thiếu lương thực và có mức thu nhập bình quân đầu người thấp, thì tăng trưởng kinh tế-thương mại không khả quan. Giá lương thực tăng mạnh và lạm phát cao, nên nhu cầu của người dân giảm đáng kể. Với giá các loại ngũ cốc đã tăng gấp đôi trên thị trường thế giới từ giữa năm 2007 đến tháng 3/2008, nhiều nước đang phát triển phải đối phó với an ninh lương thực và kim ngạch nhập khẩu dự kiến tăng mạnh trong năm nay.

Cảnh báo tình trạng đầu cơ

Các nhà kinh tế thế giới đã cảnh báo, cùng với cuộc khủng hoảng tài chính, sự suy yếu của đồng USD, các nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường dầu, nguyên liệu, lương thực, khiến giá các mặt hàng này bị đẩy lên cao.

Các chuyên gia nhận định, nguyên liệu đang trở thành cổ phiếu. Một lý do cơ bản khiến các nhà đầu tư tập trung vào thị trường nguyên liệu là do đồng USD mất giá. Các nước mới nổi như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và một số nước Trung Đông đang sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ. Hàng nghìn tỷ USD vốn có thể đầu tư vào CK Mỹ, nhưng trong bối cảnh kinh tế Mỹ suy giảm và đồng USD sụt giá, đã được các quỹ đầu tư đổ vào thị trường nguyên liệu, làm giá tăng vọt.

Hai ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới là Morgan Stanley và Lehman Brothers vừa bị thiệt hại nặng bởi cuộc khủng hoảng tín dụng trên thị trường bất động sản Mỹ, gần đây đã tập trung vào thị trường nguyên liệu, nông sản. Lehman Brothers đã thành lập 260 nhóm thu mua nông sản tại nhiều trung tâm tài chính thế giới để mua, bán và tích trữ hàng.

Theo thống kê, các hợp đồng mua bán một số nông sản như đậu tương, lúa mì, gạo tăng gấp ba kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính tháng 8/2007. Luồng vốn khổng lồ đổ vào thị trường đầu cơ dầu mỏ, kim loại, nông sản đang tạo nên bong bóng đầu cơ mới, sau khi các bong bóng cổ phiếu và bất động sản xì hơi.

Trong vòng 4 năm, giá dầu thô đã tăng gấp ba. Nhu cầu đột biến của thế giới đã làm mất ý nghĩa của việc tăng sản lượng khai thác nên bất kỳ thông tin bất lợi nào về sự bất ổn của thời tiết, chính trị, đều làm dấy lên lo ngại gián đoạn nguồn cung. Một số kim loại như đồng, nhôm, nicken đang hấp dẫn các nhà đầu tư.

Giá các mặt hàng này tăng do nhu cầu tăng đột biến, khiến cho thị trường diễn biến căng thẳng và thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư mới. Một số chuyên gia phân tích thị trường cho rằng, nhiều nhà đầu tư đang cố tạo ra sự khan hiếm bằng cách tích trữ hàng để đợi tăng giá.