18:53 11/07/2025

EU loay hoay đàm phán thương mại với Mỹ

An Huy

Liên minh châu Âu (EU) đang mắc kẹt giữa sự bấp bênh về thời điểm mà khối này có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ...

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen - Ảnh: Reuters.

Lúc đầu, mục tiêu của các nhà lãnh đạo EU đặt mục tiêu đến ngày 7/9 đạt một thỏa thuận khung về thương mại với Washington. Đó là mốc thời gian mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lúc đầu để kết thúc thời gian tạm miễn thuế suất cao hơn của thuế quan đối ứng. Vào đầu tuần này, sau khi ông Trump đã lùi thời hạn áp thuế suất cao hơn của thuế đối ứng tới ngày 1/8, EU dường như vẫn kiên định với mục tiêu đến ngày 7/9 đạt thỏa thuận với Mỹ.

Nhưng đến hiện tại, đã qua mốc thời gian trên mà chưa có thêm đối tác thương mại nào đạt thỏa thuận, kể cả EU. Đến hiện tại, Mỹ mới tuyên bố đã đạt thỏa thuận với Anh, Trung Quốc và Việt Nam.

Hôm thứ Ba tuần này, ông Trump vẫn phát tín hiệu rằng Mỹ và EU có thể đạt thỏa thuận trong tuần. “Có lẽ chúng tôi sẽ gửi thư cho họ sau 2 ngày nữa. Chúng tôi vẫn đang đàm phán với họ”, ông Trump nói về EU, có ý rằng một lá thư được gửi đi đồng nghĩa là đã có thỏa thuận hoặc có quyết định về mức thuế quan đối với khối này.

Cũng trong tuần này, ông Trump phát tín hiệu rằng đàm phán giữa Mỹ và EU đã có tiến triển. “Họ đối xử với chúng ta rất tệ cho tới tận gần đây. Bây giờ, họ đối xử với chúng ta rất tốt. Giống như một thế giới khác vậy. Trước đây, họ là một trong những đối tác khó đàm phán nhất”, ông Trump nói tại một cuộc họp nội các ở Nhà Trắng hôm thứ Tư. Đây được xem là một sự thay đổi thái độ của ông Trump, nguồn vốn luôn cho rằng mối quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương là không bình đẳng và thiếu cân bằng.

Theo Hội đồng châu Âu (EC), thương mại hai chiều giữa EU và Mỹ đạt tổng kim ngạch khoảng 1,68 nghìn tỷ euro (1,97 nghìn tỷ USD) khi tính cả hàng hóa và dịch vụ vào năm 2024. EU ghi nhận thặng dư về thương mại hàng hóa, nhưng lại thâm hụt trong thương mại dịch vụ, khiến tổng thặng dư thương mại của khối này với Mỹ vào khoảng 50 tỷ euro trong năm ngoái.

Hôm thứ Ba tuần này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cũng phát tín hiệu có thể Mỹ sắp đạt thỏa thuận hương mại với EU. “Với uy tín của họ, EU hiện đã đưa ra những đề nghị đáng kể và thực sự, nghĩa là họ sẽ dỡ bỏ các rào cản, sẽ mở cửa thị trường cho nông dân, chủ trang trại, ngư dân Mỹ, thực sự mở cửa thị trường của họ và để người Mỹ, và xét cho cùng là tinh thần kinh doanh của Mỹ, cuối cùng cũng được vào thị trường châu Âu”, ông Lutnick với hãng tin CNBC.

Nhìn chung, giới chuyên gia dự báo EU sẽ đồng ý mức thuế cơ sở 10%, với hy vọng có thể đàm phán được một số miễn trừ hoặc đạt được các thỏa thuận khác cho các lĩnh vực ngành hàng cụ thể. Mức thuế này sẽ thấp hơn đáng kể so với mức thuế 50% mà ông Trump đã dọa sẽ áp lên hàng hóa châu Âu nếu không có thỏa thuận.

Hiện tại, tất cả hàng hóa EU vào Mỹ đang bị áp thuế quan 10% - thuế suất cơ sở của thuế đối ứng, riêng thép và nhôm bị áp thuế 50% và ô tô 25%.

Về phần mình, giới chức châu Âu tỏ ra thận trọng hơn. Phát biểu hôm thứ Tư trước Nghị viện châu Âu, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói: “Chúng ta giữ vững các nguyên tắc của mình, bảo vệ lợi ích của mình, tiếp tục đàm phán bằng thiện chí, và cũng chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả mọi kịch bản”.

Ngày thứ Năm, bà Leyen nói: “Chúng tôi không ngây thơ. Chúng tôi biết mối quan hệ của mình với Mỹ có thể sẽ không bao giờ như trước nữa”.

Trao đổi với trang Euronews, một số nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ rằng EU dự báo mối quan hệ thương mại giữa khối này với Mỹ vẫn còn khó khăn ngay cả khi hai bên có đạt được một thỏa thuận khung về thương mại đi chăng nữa. “Dù có thỏa thuận, đó có thể vẫn chưa phải là hồi kết của câu chuyện. Quan hệ thương mại giữa châu Âu với Mỹ đã trở nên mong manh, khó đoán”, một nhà ngoại giao EU nói.

Nhà ngoại giao này cho rằng một số quốc gia thành viên EU sẽ không hài lòng với thỏa thuận nguyên tắc về thương mại được cho là sắp đạt được giữa khối này với Mỹ. “Hầu hết các nước đều mong đợi một thỏa thuận, nhưng nếu thỏa thuận không mang lại cho châu Âu một vị thế tốt hơn so với trước đây, thuế quan đối với hàng châu Âu vào Mỹ sẽ tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại giữa EU và Mỹ”, vị này nói.

Một nhà ngoại giao EU khác dự báo các cuộc đàm phán giữa 27 nước thành viên EU sẽ gặp khó khăn. Sau khi một thỏa thuận nguyên tắc được phê duyệt, mỗi quốc gia sẽ tự đánh giá nền kinh tế của mình sẽ bị ảnh hưởng như thế nào và những gì cần phải được đàm phán trong một thỏa thuận toàn diện hơn để hạn chế tác động tiêu cực đến thương mại của nước mình.

Trong ngắn hạn, căng thẳng có thể gia tăng quanh việc liệu EU có nên thực thi kế hoạch thuế quan trả đũa áp lên 21 tỷ USD hàng hóa Mỹ - kế hoạch đã bị hoãn đến ngày 14/7. Một số nước như Đức và Italy, vốn có quan hệ thương mại lớn với Mỹ, muốn linh hoạt hơn để tránh leo thang xung đột. Một số khác như Pháp lại muốn thể hiện sức mạnh.

Trong khi đó, ông Peter Chase, chuyên gia cấp cao của tổ chức German Marshall Fund nói rằng câu hỏi đặt ra bây giờ không phải là mức thuế 10% có chấp nhận được với châu Âu hay không, mà là có chấp nhận được với Mỹ hay không.

“Bên nhập khẩu phải trả thuế quan chứ không phải bên xuất khẩu. Nếu châu Âu bị áp thuế 10% mà Hàn Quốc bị áp 25%, doanh nghiệp Mỹ sẽ phải trả nhiều hơn để mua cùng sản phẩm từ Hàn Quốc so với sản phẩm từ châu Âu”, ông Chase giải thích. “Và cuối cùng chính người tiêu dùng Mỹ sẽ là người phải gánh thuế đó”.