14:08 30/08/2019

Ấn Độ phản ứng về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

An Huy

Ấn Độ tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar - Ảnh: Deccan Herald.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar - Ảnh: Deccan Herald.

Ấn Độ tuyên bố quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời khẳng định ủng hộ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở vùng biển này, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

"Biển Đông là một phần lợi ích chung toàn cầu. Ấn Độ, vì vậy, quan tâm đến hòa bình và ổn định ở khu vực này. Ấn Độ quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS", tờ báo Deccan Herald dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nói trong một cuộc họp báo ngày 29/8.

Ông Kumar cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ bất đồng nào cũng phải được giải quyết một cách hòa bình theo đúng trình tự luật pháp và ngoại giao, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực.

Tuyên bố trên được New Delhi đưa ra trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc quay trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ ngày 13/8, sau lần vi phạm trước đó từ ngày 12/7 - 7/8.

Chính Trung Quốc cũng là một thành viên của UNCLOS, nhưng phớt lờ công ước này, bất chấp phản ứng và sức ép của cộng đồng quốc tế. Trước Ấn Độ, một loạt quốc gia như Mỹ, Malaysia, Australia hay Liên minh châu Âu (EU) đều đã bày tỏ quan điểm kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và nhấn mạnh vai trò của UNCLOS.

Ngoài những hành động phi pháp trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc cũng bị các nước tố cáo can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam, cũng như có các hành động bồi đắp, tôn tạo và quân sự hóa ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo ngày 22/8 khẳng định Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của mình bằng các biện pháp hòa bình, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.