07:49 13/07/2011

Ẩn họa khôn lường từ dòng vốn nước ngoài

Diệp Anh

Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có thể phải đối mặt với những thách thức và hiểm họa khôn lường từ các dòng vốn nước ngoài

Dòng vốn lớn từ bên ngoài có thể gây ra những hiểm họa cho khu vực kinh tế mới nổi ở châu Á.
Dòng vốn lớn từ bên ngoài có thể gây ra những hiểm họa cho khu vực kinh tế mới nổi ở châu Á.
Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có thể phải đối mặt với những thách thức và hiểm họa khôn lường từ các dòng vốn lớn của nước ngoài đang đổ ào ạt vào khu vực này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo.

Theo định chế tài chính toàn cầu này, mặc dù tổng lượng vốn nước ngoài đầu tư vào các quốc gia mới nổi ở châu Á chưa vượt qua mức kỷ lục xác lập trong các giai đoạn trước, các chỉ số doanh nghiệp vẫn ở mức an toàn, song các thách thức và hiểm họa mới đã nảy sinh từ tính chất của dòng vốn này.

Dòng vốn lần này chủ yếu là trái phiếu và cổ phiếu, là các nguồn vốn mà các thị trường vốn của nền kinh tế châu Á mới nổi không thể hấp thu với số lượng lớn khiến các bong bóng giá tài sản hình thành nhanh chóng, đẩy nền kinh tế vào nguy cơ "cái chết bất ngờ".

Theo IMF, các dòng trái phiếu và cổ phiếu này hiện đã tăng trưởng chậm lại, nhưng vẫn tiếp tục chảy vào khu vực châu Á trong vòng 2 năm tới. Tình hình này có thể uy hiếp sự ổn định tài chính và gây mất cân bằng thị trường tài sản.

Thêm vào đó, hiện trạng này còn có khả năng làm phức tạp hơn nữa việc thực hiện chính sách tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh thế giới lo ngại sự phát triển quá nóng của các nền kinh tế mới nổi.

IMF cho rằng, để giải quyết vấn đề trên, các nền kinh tế châu Á mới nổi nên tập trung tăng cường hiệu lực và hiệu quả của chính sách tiền tệ. Ngoài ra, cần tập trung bảo vệ ổn định tài chính, thúc đẩy các biện pháp vĩ mô thận trọng nhằm giảm nguy cơ quá nóng về giá tài sản cũng như vỡ nợ.

Hôm qua (12/7), tổ chức định mức tín nhiệm Moody's đã bất ngờ hạ bậc xếp hạng tín dụng của Ireland xuống Ba1, đồng thời cảnh báo quốc gia nặng nợ này sẽ cần tới gói giải cứu thứ hai. Đánh giá của Moody's đã khiến những lo lắng về nguy cơ khủng hoảng nợ ở châu Âu thêm chất chồng.

Động thái của Moody's được đưa ra chỉ một tuần sau khi tổ chức này hạ bậc tín dụng của Bồ Đào Nha cùng với cảnh báo tương tự. Điều này cho thấy quan điểm của Moody's là bất cứ sự trợ giúp tài chính thêm nào từ EU đều có thể khiến vấn đề nợ nần của khu vực này thêm trầm trọng.

Trước đó một ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cấm các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đưa ra đánh giá tín dụng đối với các quốc gia đang phải nhận sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Phát biểu tại Brussels (Bỉ), Ủy viên châu Âu phụ trách các thị trường tài chính Michel Barnier cho biết, EC dự định yêu cầu Ba Lan, hiện là Chủ tịch luân phiên của EU, đưa vấn đề này ra thảo luận tại phiên họp của Hội đồng EU cấp bộ trưởng kinh tế và tài chính.

Trước đó, lãnh đạo EU đã nhiều lần chỉ trích ba cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới là Moody's, Standard & Poor's và Fitch đang làm nóng tình trạng đầu cơ xung quanh các nước có vấn đề trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tờ Business Week dẫn lời ông Lu Zhengwei, chuyên gia kinh tế của Industrial Bank tại Thượng Hải cho rằng, "hiện bất cứ sự nới lỏng chính sách hay gói kích cầu nào cũng đều có thể khiến kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn thực sự, với lạm phát vượt kiểm soát, trong khi nợ công, nợ xấu chồng chất".

Theo chuyên gia này, tăng trưởng chậm lại sẽ giúp nền kinh tế Trung Quốc bền vững hơn và kiềm chế được vấn nạn lạm phát. Theo báo cáo mới đây, lạm phát của Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua đã leo lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Giới phân tích dự báo, kinh tế Trung Quốc trong quý 2 vừa qua có thể đã đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 2 năm, từ đó làm suy yếu kinh tế toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc dự báo trong bản báo cáo tháng 7 tới đây sản phẩm quốc nội tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 9,7% của quý 1.

Trong một động thái khá bất ngờ, hôm 11/7 vừa qua, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt chính sách tiền tệ của Mỹ và gọi đó là "chính sách du côn", trang Vietnamplus dẫn nguồn tin Tân Hoa xã cho hay.

Phát biểu tại Viện Khoa học Nga ở thủ đô Moscow, ông Putin nói: "không biết may mắn hay không, chúng tôi không thể in tiền dự trữ. Song người Mỹ đang làm gì? Họ chỉ cần vẩy tay, bật máy in và ném tiền ra thế giới để giải quyết các vấn đề cấp bách của họ."

Thủ tướng Putin cho hay, trong khi lợi dụng sự độc quyền trong việc lưu hành đồng tiền dự trữ lớn nhất toàn cầu, Mỹ lại yêu cầu Nga tuân thủ một nguyên tắc tài chính nghiêm ngặt. Theo ông Putin, Nga không thể giải quyết các vấn đề mà nước này đang đối mặt bằng cách kìm thâm hụt ngân sách với việc in thêm tiền.

Liên quan tới kinh tế Mỹ, theo báo cáo của Bộ Thương mại nước này hôm 12/7, thâm hụt thương mại trong tháng 5 vừa qua đã tăng 15,1% lên 50,2 tỷ USD, cao nhất trong gần 3 năm, chủ yếu do giá dầu nhập khẩu tăng cao kỷ lục.

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu tăng 2,6% lên 225,1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu giảm gần 1% xuống 174,9 tỷ USD, đưa mức thâm hụt thương mại lên cao nhất kể từ tháng 10/2008 tới nay. Trong tháng 4/2011, thâm hụt thương mại sau điều chỉnh là 43,6 tỷ USD.

Nhập khẩu từ Nhật giảm 500 triệu USD xuống 8,3 tỷ USD, thu hẹp thâm hụt thương mại với châu Á của Mỹ xuống 2,6 tỷ USD. Trong khi đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc tiếp tục phình to, từ 21,6 tỷ USD lên 25 tỷ USD.

Không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, hôm 12/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp 0,1% và cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế tài khóa 2011 từ 0,6% xuống còn 0,4%.

Tuy nhiên, BoJ cho biết, hoạt động kinh tế của Nhật đang gia tăng khi sự thiếu hụt nguồn cung sau động đất được dần khắc phục. Hoạt động sản xuất gần đây đã cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.