17:11 04/12/2013

Án tử hình không nên "ngoại lệ" với tội phạm vị thành niên?

Nguyễn Lê

Theo kiến nghị của cử tri, tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng là do mức xử phạt còn quá nhẹ

Sát thủ Lê Văn Luyện gây án khi còn ở độ tuổi vị thành niên.<br>
Sát thủ Lê Văn Luyện gây án khi còn ở độ tuổi vị thành niên.<br>
Tăng án phạt đối với trẻ vị thành niên, đồng thời giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự không chỉ là kiến nghị của cử tri một địa phương gửi đến Quốc hội.

Lo lắng về nạn vi phạm pháp luật phức tạp trong thanh thiếu niên hiện nay, tội phạm ngày càng trẻ hóa, cử tri Đồng Tháp cho rằng trong điều kiện thông tin như hiện nay người từ đủ 16 tuổi đã có thể ý thức hành vi của mình, do đó, nhiều ý kiến đề xuất giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ xuống 16 tuổi để xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội.

Còn theo cử tri tỉnh Ninh Thuận, hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển nên nhận thức hành vi của người từ 14 đến dưới 16 tuổi đã được nâng lên, tình trạng trẻ hóa người phạm tội ngày càng nhiều. Để khắc phục tình trạng này, nên sửa luật theo hướng quy định người đủ 14 tuổi trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tất cả các hành vi phạm tội của mình, kể cả tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Cử tri tỉnh Vĩnh Long cũng lo ngại khi nhiều trường hợp giết người dã man, giết nhiều người do đối tượng vị thành niên thực hiện nhưng không thể xử phạt với mức án cao nhất, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để tăng tính răn đe, tránh trường hợp việc lợi dụng tuổi vị thành niên để vi phạm các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, cử tri gợi ý sửa đổi Bộ luật hình sự theo hướng tăng án phạt đối với trẻ vị thành niên, đồng thời giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Tương tự, cử tri tỉnh Bình Thuận chờ đợi việc sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng khung hình phạt đối với các trường hợp vị thành niên phạm tội đặc nghiêm trọng. Dẫn lại vụ Lê Văn Luyện, nhóm ý kiến này cho rằng, phải tăng mức hình phạt đến “tử hình” để đủ sức răn đe tội phạm.

Nhân dân An Giang phản ánh, hiện nay, tội phạm cướp giật, giết người chưa giảm, người phạm tội, trong độ tuổi thanh thiếu niên ngày càng tăng, cần hạ tuổi chịu trách nhiệm hình sự để răn đe vị thành niên phạm tội. Cử tri tỉnh này cũng đề nghị xem lại Bộ luật Hình sự, bổ sung theo hướng tăng hình phạt để nâng tính răn đe.

Cho rằng nguyên nhân quan trọng khiến tình hình phạm pháp trong nhóm người phạm tội ở độ tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) ngày càng gia tăng là do mức xử phạt dành cho nhóm tội phạm này quá nhẹ, cử tri Kiên Giang cũng đặt vấn đề sửa luật theo hướng có mức xử phạt tù thích đáng, thậm chí áp dụng hình phạt cao nhất tới tử hình với các trường hợp phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Tại văn bản trả lời chung cho nhóm vấn đề này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là nhân đạo, bên cạnh mục đích trừng trị còn nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bộ luật hình sự quy định không áp dụng hình phạt chung thân, tử hình, hình phạt tiền, hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

Tuy nhiên, cơ quan này xác nhận, trong những năm gần đây, tình trạng người chưa thành niên phạm tội có chiều hướng gia tăng, xảy ra nhiều vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. Trong quá trình tổng kết việc thực hiện Bộ luật hình sự hiện nay, những vấn đề cử tri kiến nghị Ủy ban Tư pháp đang nghiên cứu và sẽ xem xét trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý Bộ luật hình sự (sửa đổi), bảo đảm chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được sửa đổi phù hợp với tâm, sinh lý của lứa tuổi, các Điều ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm do người chưa thành niên thực hiện trong tình hình hiện nay.

Cơ quan này cũng "hứa", thông qua hoạt động giám sát sẽ lưu ý các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật. Trong đó, cần xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các đối tượng chưa thành niên phạm tội, nhất là trong các trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; kiến nghị, yêu cầu các cơ quan tư pháp khẩn trương ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật để xử lý nghiêm các trường hợp người chưa thành niên phạm tội.

Cũng trong lĩnh vực tư pháp, cử tri nhiều nơi còn băn khoăn về hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Nhiều cử tri Tp.HCM kiến nghị xem xét lại việc này vì những vướng mắc khiến người thi hành án phải chờ đợi, gây tâm lý không tốt trong nhân dân. Cử tri Hà Nội cũng nêu con số gần 400 tử tù đủ điều kiện thi hành án mà vẫn “tồn đọng” (từ 1/7/2011 đến nay) để đề nghị nghiên cứu cho áp dụng hình thức xử bắn và sử dụng tình nguyện viên để thực hiện thi hành án.

Cử tri tỉnh Tiền Giang lại đề nghị Quốc hội chọn phương án dùng điện trong xử tử hình để hạn chế tốn kém, đạt hiệu quả chính xác, và đảm bảo tính răn đe của pháp luật đối với các loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.

Chia sẻ những bức xúc của cử tri về việc chậm trễ trong thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, Ủy ban Tư pháp cũng khẳng định, hiện Chính phủ đã hoàn tất các điều kiện cần thiết, bắt đầu triển khai thi hành án tử hình đối với những người bị kết án đã đủ điều kiện thi hành từ ngày 5/8/2013. Uỷ ban cho biết sẽ tăng cường giám sát hoạt động thi hành án tử hình để bảo đảm cho các quy định của pháp luật được thực thi nghiêm túc, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật.