Anh dỡ phong toả giữa lúc số ca nhiễm Covid-19 tại châu Âu vượt 50 triệu
Ngày 19/7, Anh chính thức chấm dứt các biện pháp hạn chế, phong tỏa kéo dài hơn một năm để phòng dịch Covid-19, trong lúc số ca nhiễm mới đang tăng chóng mặt
Theo thống kê của Reuters, ngày 19/7, châu Âu trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới vượt mốc 50 triệu ca nhiễm Covid-19 trong bối cảnh biến thể Delta nguy hiểm và lây lan nhanh khiến số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng kỷ lục.
Cứ khoảng 8 ngày, châu Âu lại có thêm 1 triệu ca nhiễm Covid-19 mới. Kể từ khi đại dịch bùng phát, khu vực này ghi nhận 1,3 triệu ca tử vong vì Covid-19.
Phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, biến thể Delta với đặc tính lây lan nhanh hơn đáng kể so với virus Covid-19 gốc, đã được phát hiện tại khoảng 100 quốc gia và hiện là biến thể virus chủ đạo trên toàn cầu.
Các thị trường chứng khoán tại châu Âu chao đảo trong phiên giao dịch ngày 19/7 khi nhiều mã cổ phiếu sụt hơn 2%. Đây là phiên giao dịch tồi tệ nhất trong vòng 9 tháng khi các nhà đầu tư lo ngại biến thể Delta có thể làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
“Các nhà đầu tư cực kỳ lo lắng rằng một đợt phong tỏa nữa kéo dài 1-2 tháng có thể sớm được áp dụng”, Russ Mould, Giám đốc đầu tư tại AJ Bell, cho biết. "Dịch Covid-19 đang lây lan nhanh trở lại và các nhà hàng, công ty giải trí có thể không có được mùa hè sôi động như kỳ vọng”.
Châu Âu hiện là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 khi chiếm 27% tổng số ca nhiễm và 31% số ca tử vong trên toàn cầu.
Theo thống kê của Reuters, châu Âu mất 350 ngày để chạm mốc 25 triệu ca nhiễm đầu tiên, nhưng chỉ mất 194 ngày để tăng từ 25 triệu lên 50 triệu ca.
Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại châu Âu khi số ca nhiễm đang xấp xỉ 6 triệu.
Ngày 19/7, Anh chính thức chấm dứt các biện pháp hạn chế, phong tỏa kéo dài hơn một năm để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, “ngày tự do” của người dân nước này không thể trọn vẹn với số ca nhiễm tăng vọt, vượt qua mọi dự báo. Số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày qua tại Anh là 44.671 - mức cao nhất kể từ đầu tháng 5, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19/7 cho biết các câu lạc bộ đêm và các địa điểm đông người khác sẽ phải yêu cầu khách hàng xuất trình bằng chứng đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ từ cuối tháng 9 tới.
Trái ngược với Anh, nhiều nước châu Âu đã tái áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch sau khi số ca nhiễm tăng trở lại.
Pháp là nước áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn nhất trong khu vực khi yêu cầu xuất trình chứng nhận tiêm vaccine hoặc chứng nhận miễn dịch tại nhiều địa điểm như nhà hát, rạp chiếu phim, địa điểm thể thao hoặc lễ hội với số lượng khán giả trên 50 người từ tháng 8 và yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc với nhân viên y tế.
Trong khi đó, tuần trước, Hà Lan tuyên bố tái áp dụng quy định làm việc tại nhà do số ca nhiễm Covid-19 tăng lên, chỉ vài tuần sau khi nước này dỡ bỏ quy định này cũng như nới lỏng hạn chế tại quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm.
Hy Lạp yêu cầu khách hàng dùng bữa trong nhà hàng, quán bar, quán cà phê phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine trong bối cảnh số ca nhiễm tăng trở lại.
Trước biến thể Delta nguy hiểm và lây lan chóng mặt, nhiều nước châu Âu đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine.
Để thúc đẩy người dân tiêm vaccine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ dừng chương trình xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho những người muốn đi du lịch hoặc tham dự sự kiện mà không cần tiêm phòng. Kết quả là số lượng người đặt lịch tiêm vaccine qua trang DoctoLib đã đạt mức kỷ lục 926.000 người trong ngày 19/7. Tính đến ngày 15/7, 2,6 triệu người đã đặt lịch tiêm vaccine sau bài phát biểu của tổng thống, 62% trong số đó dưới 35 tuổi.