20:33 25/05/2009

ASEM hạ quyết tâm chống khủng hoảng tài chính

Kiều Oanh

Tăng cường hợp tác kinh tế Á-Âu là vấn đề nổi bật được đem ra bàn thảo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9

Các hội nghị FMM diễn ra hai năm một lần, là cầu nối giữa hai kỳ hội nghị cấp cao ASEM - Ảnh: VNN.
Các hội nghị FMM diễn ra hai năm một lần, là cầu nối giữa hai kỳ hội nghị cấp cao ASEM - Ảnh: VNN.
Tăng cường hợp tác kinh tế Á-Âu trong bối cảnh thế giới chứng kiến hàng loạt thách thức là vấn đề nổi bật được đem ra bàn thảo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 (FMM 9), khai mạc chiều 25/5 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - đại diện quốc gia chủ nhà của hội nghị - đã nhấn mạnh những khó khăn to lớn mà thế giới đang phải đối mặt ở thời điểm hiện nay.

“Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế đang gây ra những tổn thất to lớn, đẩy thế giới vào một thời kỳ hết sức khó khăn và bất ổn. Chúng ta đang phải ứng phó với những tác động tiêu cực về chính trị, kinh tế, xã hội của cuộc khủng hoảng, đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức gay gắt mang tính toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh năng lượng, chủ nghĩa khủng bố...”, Thủ tướng nói.

Dẫn chứng cụ thể hơn về tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tới khu vực, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ho Nam Hong của Vương quốc Campuchia - quốc gia đang nắm vai trò điều phối viên châu Á trong ASEM - đưa ra số liệu cho thấy, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu của nhiều nước Đông Á sang Bắc Mỹ và châu Âu đã sụt giảm 10-30%. Cùng với đó, hoạt động đầu tư trong khu vực cũng lao dốc, kéo tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.

“Châu Á đã chịu ảnh hưởng nặng nề do các nhà đầu tư thế giới trở nên e ngại với các thị trường nhiều rủi ro và sự đứt mạch đột ngột của các dòng vốn chảy vào”, ông Ho nhận xét.

Mang chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế - tài chính và các thách thức toàn cầu”, Hội nghị FMM 9 được kỳ vọng sẽ củng cố nền móng cho sự hợp tác giữa hai châu lục, đưa các quốc gia thành viên vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay.

“Tôi hy vọng, trong hai ngày họp này, chúng ta sẽ đi tới những điểm mới trong chương trình nghị sự của ASEM, giúp các quốc gia thành viên vượt qua được những thách thức của khủng hoảng tài chính”, bà Benita Ferrero-Waldner, Cao ủy về đối ngoại và láng giềng của Ủy ban châu Âu (EC) phát biểu.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, quan hệ kinh tế cần được nâng tầm thành lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất trong ASEM. Để xây dựng mối quan hệ Á-Âu mới và chặt chẽ hơn, “các bên cần coi hợp tác kinh tế là động lực quan trọng nhất”.

Trong quá trình tồn tại và phát triển 13 năm qua, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) đã đạt được nhiều thành tựu lớn nhờ hoạt động hợp tác đa dạng và thiết thực. Ngày nay, ASEM đại diện cho 58% dân số, 50% GDP và 60% thương mại toàn cầu.

Tham gia ASEM với tư cách một thành viên sáng lập, Việt Nam hiện là thành viên tích cực của diễn đàn này. Việt Nam đã đóng góp 10 sáng kiến và là đồng tác giả 15 sáng kiến khác trong ASEM, trong đó có 14 sáng kiến đã được triển khai, chủ yếu trong các lĩnh vực văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, khoa học - công nghệ, du lịch và kinh tế. Đặc biệt, vào năm 2004, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 tại Hà Nội.

Việc đăng cai Hội nghị FMM 9 lần này tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong ASEM, đặc biệt xét tới những nỗ lực bước đầu thành công của Việt Nam trong công tác chống lại tác động tiêu cực của khủng hoảng. Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh những cố gắng của Việt Nam trong việc kiềm chế ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu.

“Với quyết tâm cao, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã kịp thời thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ và phù hợp, nhờ đó đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống tín dụng, kiểm soát được lạm phát, duy trì được tăng trưởng kinh tế 6,2% trong năm 2008 và 3,1% trong quý 1/2009, bảo đảm được an sinh xã hội và cuộc sống của người dân, chính trị - xã hội ổn định. Dự báo cả năm 2009 tăng trưởng khoảng 5%”, Thủ tướng nói.

Có thể nói, những con số này đã cho thấy thành công bước đầu trong quá trình vượt khủng hoảng của Việt Nam, khi mà tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế hướng ra xuất khẩu khác trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông Đài Loan, Singapore... đang ở mức dưới 0%.

Các hội nghị FMM diễn ra hai năm một lần, là cầu nối giữa hai kỳ hội nghị cấp cao ASEM. Hội nghị tại Hà Nội lần này nhằm thúc đẩy triển khai các quyết định đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEM 7 diễn ra Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 10/2008 và mở đường cho Hội nghị cấp cao ASEM 8 diễn ra Brussels (Bỉ) vào năm 2010.

Ngoài hai ngày họp chính 25-26/5, FMM 9 còn có các hoạt động bên lề tổ chức trước đó như Tọa đàm Doanh nghiệp ASEM tại Tp.HCM, Liên hoan phim ASEM tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Hà Nội và các hoạt động do Quỹ Á-Âu (ASEF) tổ chức.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm cho biết, ngoài vấn đề hợp tác chống khủng hoảng, đại diện ngoại giao từ 45 quốc gia thành viên ASEM tham gia hội nghị FMM lần này còn tập trung vào 4 vấn đề khác là tăng cường hợp tác để đối phó với những vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch cúm, an ninh năng lượng, an ninh hàng hải; tăng cường đối thoại chính trị; đẩy mạnh hợp tác văn hóa; và tương lai của ASEM.

Trong đó, trong ngày 25/5, hội nghị đã công bố “Sáng kiến ASEM nhằm nhanh chóng ngăn chặn dịch cúm”.