09:45 07/01/2009

Ba kịch bản cho lao động thất nghiệp

Dũng Hiếu

Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lên “kịch bản” để ứng phó với tình hình lao động mất việc

Với dự kiến có khoảng 150.000 người bị mất việc trong 2009 và với mức hỗ trợ dự kiến tối đa là 3 tháng lương thì ngân sách Nhà nước sẽ phải chi khoảng 900 tỷ đồng.
Với dự kiến có khoảng 150.000 người bị mất việc trong 2009 và với mức hỗ trợ dự kiến tối đa là 3 tháng lương thì ngân sách Nhà nước sẽ phải chi khoảng 900 tỷ đồng.
Hết năm 2008, cả nước có gần 30.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp bị mất việc làm do suy giảm kinh tế.

Dự báo, năm 2009, khoảng 150.000 lao động thất nghiệp, cộng thêm với 30.000 người mất việc năm cũ là 180.000 người. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lên “kịch bản” để ứng phó với tình hình lao động mất việc.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân xác nhận, suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do không nhận được đơn đặt hàng. Chỉ tính riêng một số tỉnh phía Nam, phía Bắc - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, mấy tháng nay đã cho 22.000 lao động nghỉ việc.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động bị mất việc làm dưới 3 hình thức: chủ sử dụng bỏ trốn; doanh nghiệp phá sản và doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, buộc phải cắt giảm nhân công.

Thất nghiệp vì kinh tế suy thoái

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng vừa báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình doanh nghiệp thu hẹp, ngừng sản xuất dẫn đến số người lao động mất việc làm, phải nghỉ việc.

Theo đó, đến thời điểm này có 3 doanh nghiệp (đều thuộc khu vực FDI) có báo cáo về tình hình lao động mất việc vào cuối năm 2008 với tổng số 899 người.

Trong đó, Công ty TNHH Kim Quốc Bảo có 750 lao động mất việc làm. Công ty Wei Xern Sin Đà Nẵng có 106 lao động nhưng hiện chỉ còn 5 người được giữ lại để giải quyết một số vấn đề tồn đọng của đơn vị. Đặc biệt, Công ty Khoáng sản Transcend Việt Nam có 48 lao động thì cả 48 người đều... mất việc làm!

Thống kê của Ban quản lý Các khu công nghiệp - khu chế xuất thành phố Hà Nội cho thấy, 3-4 tháng gần đây, rất nhiều doanh nghiệp đã thông báo cắt giảm lao động do sản xuất kinh doanh gặp khó, như Công ty Canon (khu công nghiệp Thăng Long và Quế Võ), với khoảng hơn 2.000 lao động, Công ty Nissei Electric khoảng 300 lao động... hoặc tạm ngưng việc, hoặc nghỉ việc ăn lương từ 50-70%.

Công ty Cổ phần Sữa Hanoimilk cũng vừa cho nghỉ việc gần 250 lao động, trong đó phần lớn là người của địa phương mà doanh nghiệp đã nhận vào theo cam kết khi đền bù, giải phóng mặt bằng.

Công ty Đèn hình Orion - Hanel ở khu công nghiệp Sài Đồng B (Long Biên) vừa phá sản khiến hàng nghìn lao động thất nghiệp. Công ty Cơ khí chính xác số 1 và Công ty Cơ khí Cổ Loa (Hà Nội) thuộc Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam đã phải cho khoảng 150 công nhân nghỉ 2-3 ngày trong tuần suốt từ tháng 10/2008 đến nay.

Công ty Cổ phần Gang thép Vạn Lợi (Hải Phòng) cũng đang cho hơn 1.000 công nhân nghỉ việc từ nhiều tháng nay và sẽ còn kéo dài qua Tết do phôi thép không bán được, không cạnh tranh nổi phôi thép nhập khẩu. Hiện số lao động này nghỉ chỉ được hưởng 50% lương, doanh nghiệp nợ 50%.

Còn tại Tp.HCM, thống kê chưa đầy đủ thì toàn thành phố có khoảng trên 7.000 lao động tại các doanh nghiệp và 3.798 lao động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp bị mất việc.

Theo ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp.HCM, lao động chủ yếu là gia công các mặt hàng xuất khẩu, do đó năm 2009 chắc chắn sẽ có hàng loạt công nhân bị cắt giảm.

Ba kịch bản ứng phó

Theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Lao động - tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), sẽ phải có kịch bản cho từng trường hợp.

Tại kịch bản 1, người lao động bị mất việc do chủ sử dụng lao động bỏ trốn (chủ yếu ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Trước khi trốn, ông chủ đã tẩu tán hết tài sản khiến lao động vừa bị mất việc, vừa bị nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến đề nghị UBND tỉnh phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp nhận và chỉ đạo đội ngũ quản lý còn lại của doanh nghiệp đứng ra giải quyết các thủ tục cần thiết cho người lao động.

Đồng thời phải lập phương án về xử lý lao động theo hướng giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp khác có nhu cầu.

Còn với số lao động không sắp xếp được việc làm thì phân loại để xử lý theo hướng số lao động đã đủ điều kiện nghỉ hưu thì cho nghỉ hưu, nếu chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì giải quyết chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ cho người lao động.

Tại kịch bản 2, đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Người lao động trong trường hợp này được doanh nghiệp thanh toán các khoản nợ lương, phụ cấp, trợ cấp thất nghiệp, chi phí y tế đối với người lao động bị tai nạn lao động, tiền trợ cấp thất nghiệp... đồng thời được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc.

Nguồn chi trả sẽ lấy từ giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp, nếu không đủ được thanh toán theo tỷ lệ nợ tương ứng.

Ông Huân cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép sau khi giải quyết theo chế độ phá sản, giải thể, vẫn còn trường hợp phải trả nợ lương, phụ cấp và trợ cấp thôi việc cho người lao động thì tài sản còn lại của doanh nghiệp, nếu thiếu sẽ được Nhà nước hỗ trợ.

Tại kịch bản 3, đối với doanh nghiệp cắt giảm lao động.

Theo ông Huân, đây là trường hợp khó nhất, do doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng khó khăn nên phải cắt giảm lao động.

Việc cắt giảm dựa vào các hình thức: hai bên thỏa thuận tạm ngừng thực hiện hoạt động trong một thời gian nhất định, trong thời gian này quyền lợi của người lao động được thực hiện theo thỏa thuận.

Hoặc có thể doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động (thỏa thuận chấm dứt, hết hạn hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng...), thì trong trường hợp này, người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc (mỗi năm 1/2 tháng lương).

Doanh nghiệp có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc hoặc mất việc làm đối với người lao động bị cắt giảm theo quy định của pháp luật, nguồn kinh phí lấy từ chi phí và quỹ trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp có từ 200 đến 500 lao động phải cắt giảm trên 10% và doanh nghiệp trên 500 lao động phải cắt giảm ít nhất 5%, nếu doanh nghiệp thực sự khó khăn, không đủ kinh phí để trả trợ cấp thôi việc, mất việc thì được Nhà nước hỗ trợ, nhưng tối đa bình quân mỗi người không quá 3 tháng lương.

Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trước mắt thực hiện phương án này trong năm 2009, sau đó tùy tình hình sẽ tính tiếp sau năm 2009.

Với dự kiến có khoảng 150.000 người bị mất việc trong 2009 và với mức hỗ trợ dự kiến tối đa là 3 tháng lương như trên thì ngân sách Nhà nước (cả trung ương và địa phương) sẽ phải chi khoảng 900 tỷ đồng.