06:00 21/01/2022

Ba nhà khoa học đứng sau công nghệ vaccine mRNA nhận giải thưởng VinFuture 3 triệu USD

Nguyễn Tuyến

Giải thưởng chính VinFuture (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD đã được trao cho ba nhà khoa học gồm Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Rutter Cullis với công trình đặc biệt "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người"...

Giải thưởng cao nhất trị giá 3 triệu USD được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) - Ảnh: VOV
Giải thưởng cao nhất trị giá 3 triệu USD được trao cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) - Ảnh: VOV

Tối 20/1, lễ trao Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture được tổ chức tại Hà Nội quy tụ nhiều nhà khoa học tên tuổi trên thế giới. Đây là sự kiện quốc tế tôn vinh các nhà khoa học với các công trình nghiên cứu xuất sắc, với tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai.

Lễ trao giải thưởng diễn ra với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Về phía Quỹ VinFuture, tham dự sụ kiện có GS. Richard Henry Friend - Chủ tịch Hội đồng giải thưởng; và hai nhà sáng lập quỹ là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn VinGroup cùng phu nhân, bà Phạm Thu Hương - phó chủ tịch Tập đoàn VinGroup.

GIẢI THƯỞNG CHÍNH 3 TRIỆU USD

Tại lễ trao giải, Giải thưởng chính VinFuture (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD đã được trao cho ba nhà khoa học gồm Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Rutter Cullis với công trình đặc biệt "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người". Đây là công nghệ được các hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna sử dụng trong quá trình phát triển vaccine Covid-19 của mình.

Công trình khoa học này đã mang lại lợi ích cho hàng tỷ người trên thế giới, giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân cũng như bảo vệ an toàn cho nền kinh tế của hàng loạt quốc gia trước cuộc khủng hoảng Covid-19. 

Thủ tướng trao giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Cullis (Canada) - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng trao giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD cho 3 nhà khoa học Katalin Kariko, Drew Weissman và Pieter Cullis (Canada) - Ảnh: TTXVN

Chia sẻ sau khi nhận giải thưởng, GS. Weissman gửi lời cảm ơn đến Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, các nhà sáng lập và các nhà khoa học đã sáng lập ra giải thưởng. Ông cho rằng công nghệ vaccine mới mở ra các loại vaccine mới để chống lại các bệnh khác nhau và quan trọng nữa là khởi nguồn cho sự hợp tác giữa các quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Thái Lan và nhiều quốc gia khác.

"Tôi không phải người nhận giải thưởng này mà hàng nghìn nhà khoa học đi trước và đi sau tôi sẽ tiếp bước những nghiên cứu này, tạo ra nhiều phương pháp chữa bệnh mới", GS. Weissman phát biểu.

GS. Drew Weissman là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y, Đại học Pennsylvania (UPenn, Mỹ). Trong sự nghiệp của mình, GS. Weissman đã dành hơn 15 năm nghiên cứu về RNA nhằm sản xuất vaccine với một niềm tin lớn vào khả năng chữa bệnh dường như vô tận của mRNA tùy chỉnh. Tuy nhiên, bản thân ông không ngờ rằng, công nghệ mRNA mà ông đồng sáng tạo với đồng nghiệp cũ, TS. Katalin Kariko, đã trở thành một công nghệ bước ngoặt được sử dụng trong một số vaccine Covid-19 dựa trên mRNA hiện đang được phát triển ở giai đoạn cuối.

GS Weissman và GS Kariko đã phát triển công nghệ mRNA biến đổi nucleoside và các cải tiến khác liên quan đến vaccine mRNA. Đây là công nghệ mà Pfizer/BioNTech và Moderna đã sử dụng trong quá trình phát triển vaccine của họ. Vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA đã được sử dụng tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Còn GS. Pieter R. Cullis là Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC). Ông đồng thời là Giáo sư tại Khoa Hóa sinh và Sinh học Phân tử và Trưởng nhóm Nghiên cứu NanoMedicines, UBC.
GS. Cullis và các đồng nghiệp đã đạt được những tiến bộ mang tính nền tảng trong việc tạo ra và đưa hệ thống các hạt nano lipid (LNP) vào tĩnh mạch dưới hình thức các loại thuốc dạng phân tử nhỏ và thuốc đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA). Công trình này góp phần tạo ra ba loại thuốc đã được các cơ quan quản lý ở Mỹ và Châu Âu phê chuẩn để điều trị ung thư và các biến chứng liên quan.

GIẢI ĐẶC BIỆT CHO NHÀ KHOA HỌC NGHIÊN CỨU CÁC LĨNH VỰC MỚI

Giải đặc biệt cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới thuộc về nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan - GS. TS. Omar M.Yaghi với công trình nghiên cứu về vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs). Đây là nhóm vật liệu mới được làm từ kim loại và các hợp chất hữu cơ, mang lại bước tiến mới trong cuộc cách mạng trong hóa học, viên chất rắn xốp và các ứng dụng của chúng.

GS. TS. Omar M.Yaghi nhận giải đặc biệt cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới - Ảnh: Lao động
GS. TS. Omar M.Yaghi nhận giải đặc biệt cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới - Ảnh: Lao động

Phát minh của GS. TS. Yaghi về MOF và COF có ý nghĩa lớn trong việc làm sạch môi trường, mang lại bầu không khí sạch hơn, nguồn năng lượng sạch hơn và nguồn nước sạch hơn. Ngoài ra, máy thu nước MOF của GS. Yaghi đã được chứng minh là có tiềm năng cung cấp nước sạch mọi lúc mọi nơi, nhờ đó giúp con người có thể tự chủ về nguồn nước. 

Ông Yaghi hiện làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia thuộc Đại học California-Berkeley (Mỹ)

GIẢI ĐẶC BIỆT CHO CÁC NHÀ KHOA HỌC NỮ

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ xướng tên nhà khoa học người Mỹ gốc Trung Quốc Zhenan Bao, Giáo sư tại Trung tâm Shriram, Khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Stanford (Mỹ), với công trình về da điện tử.

Đây là công trình nghiên cứu tiên phong về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, bà đã phát triển một loạt các mô hình phân tử cho các vật liệu điện tử hữu cơ mới và các phương pháp chế tạo các vật liệu này.

GS Bao đã đề ra khái niệm và nguyên lý căn bản để tích hợp da điện tử nhân tạo lên cơ thể người. Bà đã giới thiệu loại da điện tử đầu tiên được chế tạo từ giác quan cơ học nhân tạo có khả năng phát ra xung điện tử, giúp trực tiếp gửi tín hiệu đến não bộ. Bà cũng đã ứng dụng thành công cảm biến điện tử giống như da người trong các robot giúp tăng cường đáng kể khả năng cầm nắm và thao tác các vật nhỏ, dễ vỡ mà không gây hư hại.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ xướng thuộc về GS Zhenan Bao - Ảnh: Lao động
Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ xướng thuộc về GS Zhenan Bao - Ảnh: Lao động

Ngoài ra, bà cũng đã phát minh ra “BodyNet”, một loại thiết bị định vị thông minh không dây (tag) có chứa các cảm biến, màn hình và các thiết bị thông minh. BodyNet có đặc tính mềm mại nên có thể được dễ dàng gắn hoặc cấy ghép vào cơ thể người. Các thiết bị được tích hợp gồm máy đo áp suất nội sọ, máy theo dõi lưu lượng máu và các phương tiện để theo dõi cử động của cơ thể.

Chia sẻ khi nhận giải thưởng, nữ giáo sư bày tỏ niềm vinh dự và gửi lời cảm ơn tới các sinh viên và khẳng định giả thưởng này dành cho tất cả chúng ta. Bà cũng cảm ơn giải thưởng VinFuture đã thúc đẩy nghiên cứu của các nhà khoa học. Bà cho biết mong muốn xã hội sẽ đặc biệt quan tâm hơn nữa và hỗ trợ thêm các nhà khoa học nữ.

GIẢI ĐẶC BIỆT CHO NHÀ KHOA HỌC TỪ CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học từ các nước đang phát triển thuộc về vợ chồng GS Quarraisha Abdool Karim và GS Salim Abdool Karim với phát minh gel có chứa dược chất Tenofovir, một sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV. 

Nghiên cứu của hai nhà khoa học cho thấy Tenofovir có thể phòng ngừa lây nhiễm HIV, qua đó đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Kết quả từ nghiên cứu này mang lại tác động lớn trong việc ngăn chặn lây lan HIV trên khắp thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển.

Vợ chồng GS Quarraisha Abdool Karim và GS Salim Abdool Karim nhận giải Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học từ các nước đang phát triển - Ảnh: Lao động.
Vợ chồng GS Quarraisha Abdool Karim và GS Salim Abdool Karim nhận giải Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học từ các nước đang phát triển - Ảnh: Lao động.

Giáo sư Salim Abdool Karim là nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm, nổi tiếng với những đóng góp trong việc phòng ngừa và điều trị HIV. Theo cơ sở dữ liệu các ấn phẩm khoa học Web of Science, ông là một trong những nhà khoa học được trích dẫn thường xuyên nhất thế giới. Còn GS Quarraisha Abdool Karim là nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm với hướng nghiên cứu chính là tìm hiểu sự lây lan dịch HIV ở Nam Phi và phòng chống nhiễm HIV ở phụ nữ.

Phát biểu tại lễ trao giải, GS. Salim Abdool Karim cho biết nghiên cứu của vợ chồng ông được thực hiện ở Nam Phi - nơi HIV là một thách thức hàng ngày trong cuộc sống.

"Với chúng tôi, nghiên cứu này nhằm tạo ra sự khác biệt. Chúng tôi đã nghiên cứu hết sức mình. Giải thưởng không chỉ dành cho vợ chồng tôi mà là tia sáng hy vọng cho nhà khoa học từ các nước đang phát triển đang miệt mài trong các phòng nghiên cứu để tạo ra những sự khác biệt nhằm tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn", GS. Salim Abdool Karim phát biểu.

Ngay sau khi kết thúc sự kiện, mùa giải VinFuture năm thứ hai chính thức được khởi động. Quỹ VinFuture sẽ mở cổng tiếp nhận đề cử từ ngày 15/2-3/6/2022.