Bãi bỏ điều kiện kinh doanh: Nơi đạt mục tiêu, nơi chưa xuất phát
Nếu coi mỗi bộ như một con tàu thì có con tàu đã đến ga cuối cùng nhưng có bộ chưa vào nơi xuất phát trong cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Nếu coi mỗi bộ như một con tàu thì có con tàu đã đến ga cuối cùng nhưng có bộ chưa vào nơi xuất phát trong cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Đó là nhận xét của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội nghị quốc tế cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh, sáng 15/3.
Trên nóng dưới lạnh
Điểm lại kết quả thực hiện về cải thiện môi trường kinh doanh 4 năm qua, ông Cung nhận xét có chỉ số được cải thiện vượt bậc như tiêp cận điện năng, nộp thuế, bảo vệ nhà đầu tư...
Nhưng có những chỉ số gần như không thay đổi, đó là đăng ký kinh doanh, thực thi hợp đồng, phá sản doanh nghiệp và đăng ký sở hữu tài sản.
Riêng về chỉ số đăng ký kinh doanh, ông Cung nhấn mạnh rằng đang xấu đi, vẫn đứng thứ 123 trong các nền kinh tế, trong khi nói như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là nếu đứng thứ 100 là hạng bét, ít nhất phải từ 50 - 70. Viện trưởng CIEM cũng nhấn mạnh điều đáng nói là trên thế giới thì những cải cách về đăng ký kinh doanh là nhiều nhất còn ở Việt Nam thì không có thay đổi.
Chuyển sang mục tiêu cải cách rất quan trọng là cải cách điều kiện kinh doanh với mục tiêu giảm 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành ông Cung đánh giá hiện nay Bộ Công Thương cắt giảm đạt hơn một nửa, Bộ Xây dựng cũng rất quyết liệt, đề xuất bãi bỏ cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có phương án đề xuất bãi bỏ nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra. Còn các bộ khác phần lớn cho đến nay mới rà soát chưa có phương án thay đổi nên chưa đề xuất được số lượng điều kiện kinh doanh cần bãi bỏ, thậm chí có một số bộ còn chưa rà soát như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo có rà soát chưa thấy kết quả.
Có con tàu đã ra ga cuối cùng trong khi có đoàn tàu còn chưa vào ga xuất phát, ông Cung so sánh.
Đúc kết một số bài học kinh nghiệm, ông Cung nhìn nhận, ở những lĩnh vực mà người đứng đầu vào cuộc ngay từ đầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt sát sao thì ở đó đạt kết quả như mục tiêu.
Nhắc lại nhận xét được nói nhiều là còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, ông Cung miêu tả: Thủ tướng, Phó thủ tương nóng nhưng một số bộ trưởng còn lạnh, nhiều chủ tịch tỉnh chưa nóng. Ở một số bộ thì bộ trưởng nóng nhưng cục trưởng vụ trưởng chưa nóng, chuyên viên thì còn rất lạnh.
Đặt mục tiêu cao hơn
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong những năm qua.
Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, mà trọng tâm là cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, ông Trung nói.
Điểm nổi bật của Nghị quyết 19 được ông Trung đề cập là lần đầu tiên Việt Nam định vị và đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu, đồng thời, xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế.
Cách làm nói trên thể hiện cách tiếp cận mới của Chính phủ, giúp Việt Nam đo lường và theo dõi được mức độ cải thiện và khoảng cách về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Một số kết quả được ông Trung nhắc đến là bốn năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, trong đó năm 2017 tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 68), là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.
Thông tin tiếp theo từ vị Thứ trưởng là năm 2018, Chính phủ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn. Dự thảo nghị quyết 19-2018 (hiện đang gửi các bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến) duy trì mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nhấn mạnh cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành; bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và ngành du lịch để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đề cập điểm nhấn trọng tâm dự thảo 19 - 2018, ông Cung cho biết Chính phủ muốn tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh hơn với một số chỉ số còn thấp nhất là khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu tài sản, giao dịch qua biên giới, bãi bỏ cho được 1/2 số điều kiện kinh doanh và loại 20 - 30% số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo danh mục của Luật Đầu tư.