Băn khoăn xu hướng một luật sửa nhiều luật
Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định
"Đáng lo ngại là tình trạng sửa luật liên tục khiến cho cả người dân và nhà đầu tư đều không yên tâm".
Đó là nhận xét của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh chương trình năm 2018, chiều 16/4.
Đánh giá chung về tình hình thực hiện, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ, hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên.
Cụ thể, năm 2017 bổ sung 6 dự án, lùi thời gian trình 5 dự án, rút khỏi chương trình 3 dự án, 2 dự án được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Còn năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 3 dự án, bổ sung 10 dự án...
Sau khi điều chỉnh thì chương trình 2018 có thêm một dự án luật sửa 4 luật và một luật sửa 11 luật.
Trong đó, nhóm một luật sửa 11 luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp, ngay tại kỳ thứ 5 (tháng 5/2018).
Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định phản ánh và nêu ví dụ cụ thể việc ban hành Luật Quy hoạch dẫn đến phải sửa hơn 25 luật, rồi việc xây dựng Luật Quốc phòng (sửa đổi) yêu cầu sửa đổi, bổ sung ban hành mới 9 luật, pháp lệnh...
Uỷ ban Pháp luật đánh giá, việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức. Chính phủ chưa bố trí thời gian để thảo luận bàn sâu về chính sách cụ thể của mỗi dự án. Trong quá trình soạn thảo, tiếp thu chỉnh lý, người đứng đầu một số cơ quan soạn thảo dành thời gian để tham gia ít, chủ yếu giao cho cấp dưới.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình. Phát biểu của nhiều đại biểu còn trùng lặp, chưa tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến. Kỹ thuật văn bản còn một số điểm chưa thống nhất. Nhiều trường hợp gửi hồ sơ dự án đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét, những hạn chế nêu trên đã tồn tại nhiều năm và ngày càng nặng hơn chính là do kỷ cương không nghiêm, nhưng báo cáo của Uỷ ban Pháp luật cũng chưa từng chỉ ra một bộ nào không làm tốt.
Bà Nga nêu thực tế các uỷ ban của Quốc hội vùi đầu vào làm luật, không còn thời gian nào mà đi giám sát, trong khi đó thì vẫn còn tình trạng làm luật trên bản nháp. Khi mà hồ sơ nhiều dự án luật rất sơ bộ, nhiều báo cáo, trong đó có báo cáo tổng kết thi hành luật - cơ sở quan trọng để sửa, ban hành luật mới - không ký, không đóng dấu.
Rổi báo cáo đánh giá tác động gần như 100% không ai ký, không có dấu.
Lấy ví dụ dự án Luật Quản lý, phát triển đô thị mới trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, hồ sơ dày, ai cũng khen, nhưng trong đó có 6 tài liệu là bản nháp, trong đó có báo cáo tổng kết và báo cáo đánh giá tác động, thuyết minh chi tiết...Rồi dự án Luật Chăn nuôi, trồng trọt cũng tương tự mà Chính phủ cũng cho qua, Bộ Tư pháp thẩm định cũng cho qua.
Tình trạng này, theo bà Nga dẫn đến chất lượng chính sách đưa ra rất có vấn đề. Thường vụ Quốc hội cần nghiêm túc với tình trạng này, văn bản không ký không đóng dấu thì khoan hãy trình, nếu cứ nể nả nhau thì các hạn chế trên vẫn tiếp diễn, bà Nga phát biểu.
Đáng lo ngại, vẫn theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp là tình trạng sửa luật liên tục khiến cho cả người dân và nhà đầu tư đều không yên tâm. Chưa bao giờ hệ thống pháp luật mất ổn định như giai đoạn này, bà Nga nhận xét.
Cũng nhận xét tình trạng chậm gửi tài liệu không những không được khắc phục mà còn trầm kha hơn, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cũng phàn nàn về sự điều chỉnh liên tục của chương trình.
Đại biểu đã báo cáo cử tri rồi sau đó vào kỳ họp dự án đó lại rút ra thì rất mang tiếng, ông Phúc nhấn mạnh.
Theo Tổng thư ký thì thay vì cứ "bắc nước chờ gạo người" như lâu nay thì bây giờ "có gạo mới bắc nước" chứ cứ chờ mãi sao được.
Chúng tôi đi tiếp xúc, cử tri kêu luật ra đời chóng mặt, 1- 2 năm lại sửa, ông Ngọ Duy Hiểu (đại biểu Hà Nội) phản ánh. Nếu hệ thống pháp luật thay đổi quá nhiều dẫn đến tư duy đơn giản hoá vấn đề xây dựng luật, làm cho kỷ luật kỷ cương giảm, ông Hiểu nhận xét.