TS. Nguyễn Đức Hiển: Ban Kinh tế Trung ương sẽ chắt lọc, tiếp nhận ý kiến đóng góp tại tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, toàn bộ các ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, ý kiến của các bộ ngành, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp nhận ý kiến nhằm phục vụ xây dựng báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô độc lập của Ban.
Sau 4 tiếng diễn ra liên tục, Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức, sáng 11/7 đã diễn ra thành công, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia tài chính, doanh nghiệp, đại diện nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thực trạng kinh tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh rằng toàn bộ các ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế, ý kiến của các bộ ngành, sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tiếp nhận trên tinh thần khách quan nhằm phục vụ việc xây dựng báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô độc lập của Ban. Tất cả các ý kiến đều được chắt lọc và tiếp thu.
Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương cũng đồng tình với nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm rằng đây là thời điểm khó khăn, quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, cần có cách tiếp cận, có tư duy xây dựng chính sách, cả những vấn đề căn cơ như các chuyên gia khuyến nghị, các giải pháp thực chất và hiệu quả cần làm ngay. Ban Kinh tế Trung ương tiếp nhận ý kiến các chuyên gia, ghi nhận những ý kiến tại tọa đàm để xây dựng chính sách và gửi lên Chính phủ.
Cuối cùng, TS. Nguyễn Đức Hiển cũng đồng tình cao với chủ đề của tọa đàm là tập trung phục hồi tổng cầu nhưng nhìn rộng ra một số nội dung khác nhằm nhìn nhận các kiến nghị đầy đủ toàn diện.
"Chúng tôi sẽ thể hiện những kiến nghị của tọa đàm trong báo cáo vĩ mô độc lập của Ban. Trong trường hợp có kiến nghị cụ thể thì đề nghị các chuyên gia trong và ngoài nước gửi thẳng về Ban Kinh tế Trung ương tiếp nhận để cuối tuần này chúng tôi hoàn thiện dự thảo báo cáo sau đó gửi các cơ quan có liên quan", TS. Nguyễn Đức Hiển kết luận.
Trước đó, theo TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, trước tọa đàm này, các cuộc họp lắng nghe phản ánh thực trạng và tham vấn ý kiến của các Hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài, cùng một số tập đoàn doanh nghiệp lớn đã được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức và ghi nhận nhiều thông tin giá trị. Đây cũng là cơ sở để xác định các nhóm vấn đề chính, cần bàn thảo, phân tích và đánh giá sâu hơn trong cuộc tọa đàm tập trung ngày hôm nay.
"Với sự quan tâm và nhiệt thành tham dự, đóng góp các báo cáo tham luận và tham gia thảo luận của đại diện các Ban Đảng, đại diện các bộ ngành, văn phòng chính phủ; các ủy ban thuộc Quốc hội; các tổ chức quốc tế; các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội doanh nghiệp; và đặc biệt rất nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đã cùng tham gia, tọa đàm hôm nay ghi nhận được nhiều thông tin giá trị, làm cơ sở tham khảo quan trọng cho các cơ quan hoạch định chính sách, đáp ứng mục tiêu phát triển của Việt Nam trong thời gian tới", TS. Chử Văn Lâm nhấn mạnh.