10:26 13/11/2008

Bán lẻ Mỹ vào mùa siêu hạ giá

Kiều Oanh

Kỳ nghỉ Giáng sinh năm nay ở Mỹ có lẽ sẽ trở thành một mùa bán lẻ đại hạ giá hiếm gặp ở Mỹ

Các hãng bán lẻ hiện đang chuẩn bị cho một kỳ nghỉ mua sắm giá rẻ chưa từng có ở nước này trong nhiều thập kỷ.
Các hãng bán lẻ hiện đang chuẩn bị cho một kỳ nghỉ mua sắm giá rẻ chưa từng có ở nước này trong nhiều thập kỷ.
Kỳ nghỉ Giáng sinh năm nay ở Mỹ có lẽ sẽ trở thành một mùa bán lẻ đại hạ giá hiếm gặp ở Mỹ.

Nhiều tháng qua, các hãng bán lẻ ở nước này đã liên tục lên các chiến dịch khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng, nhưng doanh số bán lẻ tháng 10 đi xuống của Mỹ cho thấy, những chiến dịch này chưa đem lại kết quả gì mấy.

Hiện chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là tới Black Friday - Ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn ở Mỹ, đồng thời là ngày mua sắm lớn nhất hàng năm ở Mỹ. Do đó, các hãng bán lẻ hiện đang chuẩn bị cho một kỳ nghỉ mua sắm giá rẻ chưa từng có ở nước này trong nhiều thập kỷ.

Nhiều người lo ngại rằng, đại chiến dịch giảm giá này có thể biến những cửa hàng cao cấp thành những cửa hàng bình dân và những cửa hiệu bình dân thành những cửa hàng một giá 1 USD mỗi món đồ.

Giá giảm kỷ lục

Tại các cửa hiệu của hãng bán lẻ Saks Fifth Avenue, nơi doanh số sụt giảm 16,6% vào tháng trước, một đôi bốt hiệu Christian Louboutin có giá 1.030 USD hiện được bán với giá chỉ có 618 USD. Tại Old Navy, nơi doanh số của các cửa hiệu đã mở hơn 1 năm giảm 20% trong tháng trước, những đôi găng tay và khăn quàng mùa đông có giá chỉ 1 USD.

“Tôi chưa bao giờ chứng kiến ngành bán lẻ lại rơi vào tình trạng này. Cuộc chiến bán lẻ đang diễn ra, tất cả các hãng bán lẻ đều hoảng sợ”, nhà phân tích thị trường bán lẻ Jennifer Black từng làm việc 30 năm trong lĩnh vực này nhận xét.

Trong tháng 10, các cửa hàng bách hóa (department store) chịu mức sụt giảm doanh số mạnh nhất, với mức giảm lên tới 12,8%. Do đó, các hãng bán lẻ như J.C. Penney và Nordstrom đang làm bất cứ điều gì có thể để vượt lên các đối thủ khác trong việc thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Tại Penney’s, nơi doanh số giảm 13% vào tháng trước,” chương trình siêu giảm giá mang tên “The Biggest Sale of Them All” (tạm dịch “Tất cả cùng hạ giá kỷ lục”) đang đem tới mức chiết khấu lên tới 60% cho tất cả các mặt hàng.

Tại hãng bán lẻ Neiman Marcus, nơi doanh số sụt giảm 27% vào tháng trước, một chương trình khuyến mãi mang tên “First Call Sale” (tạm dịch “Hạ giá ngay lập tức”) đang được áp dụng, theo đó, những mặt hàng mới vốn vẫn thường không được giảm giá ngay được hạ giá tới 40% ngay khi được đưa lên kệ.

Còn Nordstrom, hãng bán lẻ có doanh số giảm 15,7% trong tháng 10 vừa qua, thì đang áp dụng chiến lược “đọ giá” để cạnh tranh với các đối thủ khác. Nghĩa là, cứ Saks và Neiman hạ giá tới đâu, Nordstrom cũng hạ giá tới đó.

Thêm vào đó, trước đây, hãng vẫn thường áp dụng chế độ điểm thưởng cho khách hàng trong thời hạn 5 ngày trong các đợt giảm giá, thì nay, mỗi khách hàng mua hàng trị giá 500 USD sẽ được tặng một phiếu mua hàng trị giá 20 USD có giá trị trong vòng 69 ngày. Nordstrom áp dụng chế độ này với hy vọng khách hàng sẽ tích cực tích lũy điểm thưởng và quay trở lại nhiều hơn. Nordstrom cũng phụ thuộc nhiều vào các khách hàng trung thành trong việc hạn chế sự sụt giảm doanh số trong tháng tới.

Hãng thậm chí còn có nhân viên chuyên phục vụ khách nhặt hàng, đóng gói và vận chuyển quà miễn phí để thu hút khách hàng. “Những biện pháp này không mới, nhưng ở thời điểm hiện nay, các biện pháp này lại quan trọng hơn bất kỳ khi nào khác”, người phát ngôn Brooke White của hãng cho biết. “Nếu chúng tôi quan tâm tới khách hàng và họ kể cho bạn bè của họ biết về điều này, thì các biện pháp như vậy sẽ có giá trị hơn nhiều so với việc đổ tiền vào các hoạt động quảng cáo”.

Khuyến mãi kiểu những năm 1930

Điểm mới của lĩnh vực bán lẻ ở Mỹ trong mùa nghỉ lễ này là tính tự phát của quá nhiều hãng bán lẻ trong việc trước tình hình doanh số đi xuống. “Thường thì các hãng bán lẻ lên kế hoạch khuyến mãi và quảng cáo trước một năm. Nhưng trong năm nay, có thể thấy các hãng bán lẻ đang thử áp dụng mọi biện pháp có thể”, ông Craig Rowley, người đứng đầu Hay Group, một công ty tư vấn quản lý ở Philadelphia, Mỹ, cho biết.

Những biện pháp này bao gồm cả việc áp dụng những chiến lược hạ giá từ thời Đại khủng hoảng 1930 mà đã nhiều thập kỷ qua không được các hãng bán lẻ ngó tới. Điển hình là biện pháp đặt cọc.

Hãng bán lẻ Kmart từ lâu đã áp dụng biện pháp này, cho phép khách hàng đặt tiền đối với một sản phẩm bất kỳ, rồi sau đó trả dần để mua sản phẩm đó. Tuy nhiên, mùa nghỉ lễ năm nay, hãng Kmart đã quảng cáo nổi bật chiến lược bán hàng này với hy vọng thu hút thêm khách hàng. Một số hãng bán lẻ khác như T.J. Maxx và Burlington Coat Factory… cũng áp dụng hình thức đặt cọc.

Chịu mức doanh số sụt giảm nặng thứ hai sau các bách hóa tổng hợp là các cửa hiệu bán lẻ quần áo chuyên dụng. Các hãng này cũng đang liên tục tung ra các biện pháp khuyến mãi nhằm kích thích tăng doanh số. Hãng American Eagle Outfitters với mức doanh số sụt giảm 12% trong tháng 10 hiện đang áp dụng chương trình mua một sản phẩm, được giảm giá 50% cho sản phẩm tiếp theo.

Hãng Talbots vốn chỉ áp dụng 4 lần giảm giá một năm cũng đã thực hiện chương trình khuyến mãi tương tự, sau khi doanh số của hãng giảm 13,9% trong tháng 10. Với doanh số giảm 10% trong tháng 10, hãng đồ lót  Victoria's Secret cũng giảm giá 25% cho tất cả các sản phẩm.

Các hãng bán lẻ Mỹ đang nỗ lực cải thiện bảng cân đối kế toán của họ trong thời kỳ cuối năm này, do đó, bên cạnh việc giảm giá, họ sẽ phải cắt giảm chi phí. Trong đó, các hãng sẽ phải cắt giảm việc thuê nhân công mùa vụ và phân bổ nhân lực cho các cửa hàng dựa trên mức độ hiệu quả của các chương trình giảm giá.

“Các hãng bán lẻ sẽ phải ra quyết định theo tuần dựa trên tình hình doanh số. Khi kinh tế khó khăn, các hãng bán lẻ trở nên sáng tạo hơn trong việc thu hút khách tới mua hàng”, ông Daniel Butler, một quan chức trong Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, nhận xét.

(Theo Business Week)