11:03 03/05/2007

Bán lẻ trong nước lo mất thị phần

Minh Quang

Đầu năm 2009, sẽ bắt đầu giai đoạn thử thách của các nhà kinh doanh bán lẻ của Việt Nam

Chỉ còn không đến hai năm nữa, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại và bán lẻ thay vì phải xin phép hay liên doanh như hiện nay - Ảnh: Việt Tuấn.
Chỉ còn không đến hai năm nữa, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại và bán lẻ thay vì phải xin phép hay liên doanh như hiện nay - Ảnh: Việt Tuấn.
Đầu năm 2009, sẽ bắt đầu giai đoạn thử thách của các nhà kinh doanh bán lẻ của Việt Nam, sau khi những cơ sở pháp lý cho phát triển thương mại quốc gia đã được Chính phủ ban hành.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị và cả khi đã có quyết định của Chính phủ, nhưng sự lo ngại vẫn không khỏi vơi đi trong lòng những nhà bán lẻ nội địa. Cuộc họp do Bộ Thương mại tổ chức ngày hôm qua (2/5) tại Tp.HCM một lần nữa lại là dịp để các nhà bán lẻ ở phía Nam thể hiện sự lo ngại đó.

Chỉ còn không đến hai năm nữa, các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập 100% vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại và bán lẻ thay vì phải xin phép hay liên doanh như hiện nay. Các nhà đầu tư nước ngoài sốt sắng với việc tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam bao nhiêu thì các nhà kinh doanh bán lẻ trong nước càng lo lắng trước nguy cơ bị tranh giành thị phần bấy nhiêu.

Ông Huỳnh Văn Minh, Giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết sự lo lắng xuất phát từ phần lớn những nhà bán lẻ trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, kỹ thuật và kinh nghiệm kinh doanh hạn chế trước những đại gia tầm cỡ quốc tế đang dòm ngó thị trường Việt Nam. Ông cho rằng Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng hơn để tạo sự tự chủ của doanh nghiệp như Satra.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op, nhà phân phối lẻ hàng đầu Việt Nam, đã cụ thể hóa những lo lắng đó bằng việc đưa ra hàng loạt những khó khăn mà các nhà bán lẻ Việt Nam đang phải đối đầu. Trước hết đó là đất đai, vấn đề lớn của các trung tâm thương mại nơi đòi hỏi khu vực rộng lớn và gần dân cư trong khi quỹ hạn chế và không tập trung.

Bà Nghĩa cho biết Saigon Co.op có ý tưởng giải quyết vấn đề đất đai bằng cách tận dụng các khu chợ, hình thành các trung tâm thương mại bên cạnh nhưng không được ủng hộ từ các tiểu thương kinh doanh tại các khu chợ. Bà Nghĩa cũng bức xúc về việc đầu tư cho hạ tầng cơ sở bởi lẽ không có chính sách nào hỗ trợ hay ưu đãi cho các nhà đầu tư từ phía Chính phủ.

Ông Minh của Satra lại quan tâm đến vấn đề cơ chế chủ động vốn đang là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của tổng công ty thương mại này. Một trong những chiến lược phát triển được các nhà thương mại bán lẻ trong nước cùng nhau triển khai thực hiện, đó là hình thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất quốc gia. Kế hoạch này do bốn nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, hai ở Hà Nội và hai ở Tp.HCM, thực hiện với tên gọi là VDA.

VDA sẽ thay mặt Saigon Co.op, Satra, Phú Thái và Tổng công ty Thương mại Hà Nội xây dựng những tổng kho hàng hóa tại các khu vực trong cả nước làm nơi tiếp hàng cho các mạng lưới phân phối của nhau, nơi thu mua hàng hóa phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu và tiếp theo là xây dựng các đại siêu thị.