11:51 18/10/2010

Báo cáo đánh giá về cạnh tranh còn “hiền” quá?

Anh Quân

Bình luận xung quanh bản báo cáo đánh giá về cạnh tranh trong 10 lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, được Cục Quản lý cạnh tranh giới thiệu

Bản báo cáo cạnh tranh dày 453 trang với nhiều thông tin thống kê được xem là chi tiết.
Bản báo cáo cạnh tranh dày 453 trang với nhiều thông tin thống kê được xem là chi tiết.
Hai hàng ghế được kê thêm mới đủ chỗ cho người tham dự. Nhưng ý kiến đánh giá “nể mặt” nhất cũng đã dùng tới những từ “hơi hiền”, “hơi vo tròn”, dành cho báo cáo đánh giá về cạnh tranh trong 10 lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, được Cục Quản lý cạnh tranh giới thiệu tại một hội thảo được tổ chức giữa tuần trước.

Ngồi cạnh người viết, một vị chuyên gia nằm trong số ít người nhận được bản thảo báo cáo cách đây một tháng để nghiên cứu, đóng góp ý kiến tỏ ra thất vọng, ông cho rằng: “Báo cáo có thông tin, nhưng không có thông điệp”.

Về mặt thông tin, tại báo cáo, toàn bộ thông tin về thị trường sản phẩm, bao gồm quy mô, tốc độ phát triển…; các rào cản gia nhập thị trường và rút khỏi thị trường gồm cả tập quan người tiêu dùng; cấu trúc thị trường với một nội dung quan trọng về mức độ tập trung thị trường; các vấn đề thể chế, chính sách… đều được đánh giá cao ở mức độ chi tiết.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng của các chuyên gia và báo giới, đặt ở những kết luận rút ra từ báo cáo hơn 450 trang, dường như chưa được thỏa mãn. Năm ngành hàng bao gồm sữa, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi và phân bón hóa học, qua kết luận của nhóm nghiên cứu, chưa cho thấy những thông điệp rõ nét về tình trạng vi phạm cạnh tranh, vốn được dư luận rất quan tâm trong thời gian gần đây.

“Xuất phát từ đặc thù của 5 ngành nghề mà mức độ tập trung kinh tế không cao, thông qua công tác giám sát thị trường và khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận thấy các hành vi hạn chế cạnh tranh hầu như không xảy ra, hoặc nếu có xảy ra thì tính chất và mức độ chưa tới mức quan ngại”, báo cáo nêu như vậy trong phần nhận định về thực trạng cạnh tranh trên thị trường.

Kết luận có vẻ thận trọng quá mức này, được bà  Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, nhận xét như sau: “Báo cáo có vẻ hơi hiền, hơi vo tròn”.

Trên thực tế, phương pháp khảo sát để đưa đến nhận định của nhóm nghiên cứu có lẽ còn có điểm chưa hợp lý mà đây là dẫn chứng: “Qua các câu hỏi trả lời khảo sát cũng như qua phỏng vấn sâu (trực tiếp) thì thông tin nhận được là không có hiện tượng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong cả 5 lĩnh vực nói trên”, báo cáo cho hay.

“Tôi thấy hơi lạ là nhóm nghiên cứu lại đi hỏi mấy ông bán sữa rằng ông có liên kết làm giá hay không?”, TS. Lê Đăng Doanh đặt vấn đề trong phần bình luận của mình.

Với thực tế như vậy, những kết luận chắc chắn nhất về tình trạng phản cạnh tranh được báo cáo nêu lên chỉ còn thể hiện ở một vài thông tin không mới: “Việc các hãng sữa ngoại đề nghị giá bán lẻ ra thị trường Việt Nam quá cao so với giá gốc cũng như so với các nước trong khu vực (mặc dù mức thuế nhập khẩu so sánh không cao) là một điều không bình thường và đủ là cơ sở để có những quan ngại về sự thao túng thị trường của họ”.

Hay với ngành thép là thông tin khá cũ: “Giữa năm 2008, lợi dụng việc thị trường thế giới và trong nước không ổn định, đã xuất hiện một số hành vi đầu cơ, nâng giá lũng đoạn thị trường thép. Chính phủ đã phải ra văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát…”.

Để rồi, cơ sở dữ liệu khá công phu về cấu trúc thị trường, mức độ tập trung kinh tế, môi trường chính sách… giúp nhóm nghiên cứu đưa đến kết luận rằng, môi trường cạnh tranh của 5 lĩnh vực hàng hóa kể trên không có bất kỳ một mối quan ngại nào lớn.

“Mức độ cạnh tranh trên thị trường là khá cao”, “trên thị trường chỉ mới xuất hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, “hạn chế cạnh tranh hầu như chưa xuất hiện”… đó là những cụm từ được báo cáo đưa liên tiếp trong phần đánh giá tóm tắt.

Tương tự là nhận định về mức độ cạnh tranh của 5 lĩnh vực dịch vụ gồm ngân hàng, bảo hiểm, phân phối xăng dầu, viễn thông và hàng không.

Báo cáo cho rằng, mặc dù mức độ tập trung là khá cao trong các lĩnh vực dịch vụ (nghĩa là có tồn tại doanh nghiêp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường) nhưng mức độ cạnh tranh trên thị trường là khá cao, số lượng doanh nghiệp không nhiều nhưng cạnh tranh khá quyết liệt, nhất là trong lĩnh vực viễn thông.

Nhưng cùng với kết luận khá “hiền” này, báo cáo cũng nhắc lại các vụ việc hạn chế cạnh tranh đã được Cục Quản lý cạnh tranh thụ lý và điều tra như vụ Vinapco lạm dụng vị thế độc quyền; thỏa thuận tăng giá  của 19 doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra là một số vụ việc cũng mới xác định ở mức có “hiện tượng” như thỏa thuận ấn định lãi suất của các tổ chức tín dụng trong Hiệp hội ngân hàng, hiện tượng tăng giá xăng dầu liên tục…

Với những kiến nghị để xây dựng thị trường cạnh tranh hơn, TS. Võ Trí Thành cho rằng nên đặt vấn đề về quan điểm cạnh tranh, đặc biệt là với những ngành có chi phí ra nhập thị trường cao như viễn thông, hàng không…

“Xây dựng một thị trường cạnh tranh không phải là số lượng doanh nghiệp tham gia vào đó nhiều hay ít mà quan trọng là phải gây được áp lực cạnh tranh như thế nào lên doanh nghiệp và thị trường”, ông Thành góp ý kiến.

Trong khá nhiều phần phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đều kỳ vọng ở các báo cáo sau có thể khắc phục được những vấn đề mà bản báo cáo này, dù đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của nhóm nghiên cứu, nhưng vẫn chưa có được kết quả như mong đợi. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề nghị đưa thêm vào nghiên cứu các lĩnh vực có dấu hiệu độc quyền như điện lực chẳng hạn.