10:37 30/05/2008

Báo cáo ngoại về kinh tế Việt Nam: “Cần nhận định trung tính hơn”

Chu Minh

Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP tại Hà Nội cho rằng cần cẩn trọng với báo cáo của các ngân hàng đầu tư về kinh tế Việt Nam

Ông Pincus cho rằng, lòng tin sẽ được củng cố nếu lạm phát bị khống chế.
Ông Pincus cho rằng, lòng tin sẽ được củng cố nếu lạm phát bị khống chế.
Trong lúc lạm phát tại Việt Nam đạt mức kỷ lục, thì ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cảnh báo rằng có thể xảy ra "khủng hoảng tiền tệ" tại đây.

>>Merrill Lynch “mổ xẻ” lạm phát ở Việt Nam

Mới đây, ngân hàng Merrill Lynch cũng công bố một báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam, trong đó cho rằng Việt Nam là ví dụ cho sự điều hành kém sau khi đã đạt thành công. Báo cáo của Morgan Stanley cho rằng tỷ giá đồng tiền có thể sẽ trượt dài, dẫn tới khủng hoảng tiền tệ.

Tuy nhiên, trả lời hãng thông tấn BBC trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế trưởng của UNDP tại Hà Nội cho rằng, cần đánh giá một cách hết sức cẩn trọng báo cáo của các ngân hàng đầu tư như Morgan Stanley, bởi theo ông, VND không bị ấn định giá quá cao so với USD.

Theo ông Pincus, các ngân hàng như Morgan Stanley, Merrill Lynch hay JP Morgan đã tô đậm hình ảnh Việt Nam quá mức vào năm ngoái để rồi năm nay đưa ra đánh giá ảm đạm. "Họ từng nói về một Việt Nam như con hổ mới Á châu, sự kỳ diệu mới trong phát triển kinh tế châu Á, tức là tựa như tâm lý tuổi mới lớn, lúc thì yêu hết mình, lúc thì chỉ như muốn tự vẫn ngay lập tức".

"Ý tôi muốn nói là họ cần cân bằng hơn trong cách đánh giá tình hình hồi năm ngoái cũng như vào thời điểm hiện nay. Họ nên cẩn thận hơn khi nói về triển vọng đồng Việt Nam bị mất giá hàng chục phần trăm bởi VND không bị định giá quá cao. Họ cần đưa ra nhận định trung tính hơn, bởi đánh giá như vậy chẳng giúp cải thiện được tình hình", ông Pincus nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông, có thể nói một trong những bài học mà Chính phủ Việt Nam cần rút ra, đó là nếu Chính phủ không rõ ràng trong chính sách và các biện pháp thì những lời đồn đoán sẽ đóng vai trò lấn át.

"Có nghĩa là khi người ta không có được thông tin đầy đủ, thì họ sẽ làm những việc có tính bảo vệ cho chính họ một cách rất quyết liệt như chúng ta đã thấy trong những ngày qua: đổ xô đi mua Đô la, không chỉ các hộ gia đình mà thậm chí cả các công ty nữa", ông giải thích.

Về cách điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Pincus cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước muốn đóng vai trò điều tiết, thì không những họ phải nói rõ chính sách và các biện pháp can thiệp lạm phát, mà họ cần phải thu thập thông tin từ giới tài chính, ngân hàng, từng giờ từng phút chứ không thể để sự đồn đoán đóng vai trò thống lĩnh được.

Đồng thời, theo ông, Chính phủ phải mạnh dạn tuyên bố và hành động cương quyết nhằm kéo mức lạm phát xuống. Nếu mức lạm phát bắt đầu giảm, lòng tin sẽ được khôi phục.