09:53 26/09/2007

Báo động tình trạng tàu Việt Nam bị giữ ở nước ngoài

Xuân Vũ

Hàng chục tàu Việt Nam vận tải tuyến quốc tế bị lưu giữ vì những lỗi hết sức không đáng có: thiếu phao cứu sinh, mất an toàn chống cháy

Theo thống kê, hiện Việt Nam có tất cả 3.000 tàu vận tải hàng hóa đường thủy, trong đó chỉ có khoảng 300 tàu cắm cờ Việt Nam vận tải tuyến quốc tế.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có tất cả 3.000 tàu vận tải hàng hóa đường thủy, trong đó chỉ có khoảng 300 tàu cắm cờ Việt Nam vận tải tuyến quốc tế.
Hàng chục tàu Việt Nam vận tải tuyến quốc tế bị lưu giữ vì những lỗi hết sức không đáng có: thiếu phao cứu sinh, mất an toàn chống cháy, mất vệ sinh môi trường... Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài chính, thương hiệu của đội tàu Việt Nam mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín của cả quốc gia.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có tất cả 3.000 tàu vận tải hàng hóa đường thủy, trong đó chỉ có khoảng 300 tàu cắm cờ Việt Nam vận tải tuyến quốc tế. Số lượng ít như vậy, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2007 đã có hơn 24 tàu bị lưu giữ vượt "chỉ tiêu" năm 2006 để đứng vào vị trí thứ 7/10 quốc gia có số lượng tàu bị lưu giữ nhiều nhất tại các cảng quốc tế.

Lượng tàu bị lưu giữ ngày càng tăng

Hiện tại, đội tàu biển Việt Nam hoạt động chủ yếu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trung chuyển hàng hóa tới các cảng lớn và chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của Tokyo MOU (Tổ chức hợp tác kiểm tra nhà nước tại các cảng biển châu Á - Thái Bình Dương). Từ năm 2003 đến nay số lượng tàu Việt Nam bị tổ chức này kiểm tra và lưu giữ tại các cảng liên tục tăng cao. Đỉnh điểm là 8 tháng đầu năm 2007, tình trạng tàu mắc phải khiếm khuyết bị kiểm tra lưu giữ được đặt vào tình trạng báo động đỏ.

Theo thông báo của Cục Đăng kiểm, tàu Việt Nam thường xuyên bị lưu giữ tại các cảng: Hàn Quốc, Trung Quốc và một số cảng khác tại Hy Lạp, Achentina. Trong đó, riêng tháng 6/2007 đã có 4 tàu Việt Nam bị giữ tại YangPu, Zhanjiang, Haikou (Trung Quốc). Đây là những quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam và cũng chính vì vậy công tác kiểm soát tàu của chính quyền cảng tại các địa phương này tỏ ra rất chặt chẽ. Điểm đáng lưu ý là lần đầu tiên chính quyền cảng Malaysia cũng lưu giữ một tàu Việt Nam vào ngày 19/6/2007.

Thực tế này không chỉ làm thiệt hại về mặt tài chính của mỗi chủ tàu, của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường biển, còn làm mất thương hiệu và gây khó khăn cho đội tàu Việt Nam khi hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế. Nghiêm trọng hơn nó còn làm ảnh hưởng xấu tới thương hiệu của một quốc gia đang trong quá trình hội nhập vươn ra biển lớn.

Tổn hại đến thương hiệu quốc gia

Nguyên nhân của sự việc này bắt nguồn từ căn bệnh cố hữu hết sức nhỏ nhặt của các tàu thuyền Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ năm 2003 đến nay nhiều chính quyền cảng quốc tế vẫn thường xuyên cảnh báo tàu của chúng ta vì các khiếm khuyết: mất vệ sinh trên tàu, thiếu phao cứu sinh, mất an toàn chống cháy. Mới đây còn mắc thêm các lỗi: chủ tàu và thuyền viên không thực hiện đầy đủ chế độ bảo dưỡng, sửa chữa và trang bị lại thường xuyên cho tàu.

Bên cạnh đó, các sĩ quan và thuyền viên của tàu không có đủ năng lực hoặc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ trên tàu theo qui định.Mặt khác, sau khi tàu bị lưu giữ lại không thể giải quyết được triệt để và nhanh chóng. Về cảng vụ quốc tế, theo qui định thì chính quyền cảng có trách nhiệm thông báo cho chính quyền quốc gia tàu mang cờ quốc tịch khi thực hiện lưu giữ bất kì tàu nào, nhưng trên thực tế, một số chính quyền không tuân thủ qui định này. Vì vậy gây khó khăn cho Đăng kiểm Việt Nam trong quá trình thu thập, xác nhận thông tin để xử lí.

Trong khi đó về phía các đội tàu của Việt Nam, không ít các tàu bị lưu giữ đều tự tìm cách để giải quyết, không muốn thông báo cho Cục Đăng kiểm vì sợ khi cập cảng về sẽ bị kiểm tra và rà soát. Thường chỉ khi nào chủ tàu hết cách giải quyết mới bắt đầu liên lạc nhờ can thiệp.Do đó, khi tàu bị nạn các chủ tàu cần phải chủ động thông báo thông tin để Cục Đăng kiểm có sự hỗ trợ kịp thời bằng các biện pháp: hướng dẫn cách khắc phục khiếm khuyết, cử đăng kiểm viên hoặc đại diện của VR lên tàu tháo gỡ vướng mắc với chính quyền cảng sở tại.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, chủ yếu vẫn tự bản thân các chủ tàu phải nâng cao ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp. Căn bệnh này đang tạo cung cách làm việc manh mún, nhỏ lẻ của chủ tàu Việt Nam trong quá trình vươn ra biển lớn, làm mất đi tính cạnh tranh với các đội tàu quốc tế khi mà các đội tàu này đang chiếm lĩnh 80% thị trường vận tải biển của chúng ta.

Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực hoạt động, am hiểu luật lệ quốc tế, qui định mà cảng vụ nước sở tại ban hành.Các chủ tàu phải thường xuyên trao đổi thông tin với nhau bằng cách trang bị thiết bị viễn thông hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, khai thác tàu để sẵn sàng đối phó với trường hợp xấu.

Đội tàu Việt Nam từ trước đến nay vẫn hoạt động riêng lẻ, cho nên trong thời gian tới cần liên kết chặt chẽ với nhau, xây dựng một hiệp hội có tiếng nói thống nhất để tạo sức mạnh cạnh tranh đối với các đội tàu nước ngoài, cùng chia sẻ rủi ro trong kinh doanh, giúp đỡ nhau cùng tháo gỡ khó khăn khi tàu của hội viên bị lưu giữ. Một điều mà các chủ tàu nên có nhận thức sâu sắc, trách nhiệm hơn là không nên che đậy khiếm khuyết nhỏ, không đáng có làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu quốc gia.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần thường xuyên rà soát, kiểm tra các đội tàu chạy tuyến quốc tế. Có những chính sách ưu đãi, khuyến khích đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ sĩ quan, thuyền viên. Xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động hàng hải như tài chính, công nghệ thông tin, viễn thông... tạo điều kiện cho các chủ tàu liên lạc nhanh chóng, thuận tiện.