Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai có hiệu quả và đổi mới trên tất cả các mặt hoạt động
Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao độ, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã triển khai có hiệu quả và có nhiều đổi mới trên tất cả các mặt hoạt động, khẳng định vai trò then chốt của tổ chức bảo hiểm tiền gửi...
Đó là khẳng định của ông Phạm Bảo Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Theo thông tin từ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tính đến thời điểm 30/6/2023, có 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Các mảng nghiệp vụ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai có hiệu quả. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện cấp 131 bản sao và cấp lại 10 Chứng nhận tham gia BHTG; công tác thu hồi và công bố thông tin thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện kiểm tra định kỳ đối với 128/278 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đạt hơn 46% so với kế hoạch; thực hiện kiểm tra 12/60 quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2023.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề, kiến nghị kịp thời với Ngân hàng Nhà nước.
Nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính để bảo vệ người gửi tiền, 6 tháng đầu năm Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện thu phí bảo hiểm tiền gửi đạt 52,2% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao năm 2023, trong đó đã miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho 34 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được kiểm soát đặc biệt. Tổng nguồn vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến 30/6/2023 đạt 102,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt 95,76 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chủ động, tích cực cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt đối với một số quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.
Với mục tiêu lan tỏa chính sách bảo hiểm tiền gửi, công tác truyền thông đã được tích cực triển khai theo hướng đa dạng hoá về nội dung và hình thức, tập trung truyền tải các thông điệp liên quan đến Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi và các chính sách trong sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi. Trên cơ sở Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã phê duyệt và ban hành Đề cương Đề án truyền thông Chính sách bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2023.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023, 6 tháng cuối năm Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong quá trình xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm nâng cao năng lực tài chính để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia hiệu quả vào quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; Hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch chi tiết Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tổng quát theo các định hướng Chiến lược đã ban hành; Hoàn thiện để phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giai đoạn 2024, định hướng đến năm 2030…