Bấp bênh đàm phán thương mại đẩy giá vàng hồi phục
Những lo ngại mới về đàm phán Mỹ-Trung và bạo lực leo thang ở Hồng Kông khiến một số nhà đầu tư quốc tế mua vàng
Giá vàng thế giới hồi phục yếu phiên đêm qua và sáng nay (14/11), khi giới đầu tư toàn cầu lo ngại về sự bấp bênh trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung và bạo lực leo thang ở Hồng Kông. Trong nước, giá vàng miếng nhích nhẹ khỏi vùng đáy của hơn 3 tháng.
Lúc gần 11h trưa, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 41,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 41,16 triệu đồng/lượng và 41,42 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
So với cùng thời điểm hôm qua, giá vàng miếng hiện tăng 50.000-60.000 đồng/lượng. Mức phục hồi này là dè dặt, xét tới việc giá vàng miếng đã trượt khoảng 900.000 đồng/lượng trong thời gian từ đầu tuần trước đến ngày hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ sáng nay cao hơn khoảng 500.000 đồng/lượng, từ mức chênh 700.000 đồng/lượng vào sáng qua.
Khi giá vàng quốc tế biến động mạnh gần đây, giá vàng miếng tăng và giảm đều chậm hơn, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới bị kéo giãn khi giá thế giới giảm và co lại khi giá thế giới tăng.
Giá các sản phẩm vàng 999,9 tiếp tục đứng cao hơn giá vàng miếng, có loại đắt hơn vàng miếng tới 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có giá mua vào là 41,26 triệu đồng/lượng và bán ra là 41,71 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá tương ứng lần lượt là 40,95 triệu đồng/lượng và 41,45 triệu đồng/lượng.
Dù hồi phục, giá vàng miếng vẫn đang ở gần vùng đáy kể từ đầu tháng 8 thiết lập vào ngày thứ Tư. Giá vàng trong nước gần đây chịu sức ép giảm mạnh từ giá vàng quốc tế, trong khi giá vàng thế giới chịu ảnh hưởng bất lợi từ xu hướng lập kỷ lục của thị trường chứng khoán Mỹ. Hy vọng về đàm phán thương mại Mỹ-Trung sớm dẫn tới một thỏa thuận thương mại đã khuyến khích giới đầu tư mua vào những tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu.
Tuy nhiên, lo ngại mới về đàm phán Mỹ-Trung lại đang nổi lên, khi giới thạo tin ngày 13/11 tiết lộ với tờ Wall Street Journal và hãng tin CNBC rằng cuộc đàm phán lại rơi vào bế tắc do hai bên chưa thể thống nhất được một loạt vấn đề quan trọng. Trung Quốc đòi Mỹ dỡ thuế quan và không muốn cam kết cụ thể về khối lượng mua nông sản Mỹ, trong khi Mỹ chưa muốn dỡ thuế và đòi Trung Quốc phải nhượng bộ thêm về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Cộng thêm bạo lực leo thang và lan rộng và Hồng Kông, một số nhà đầu tư bắt đầu tăng nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York phiên ngày thứ Tư, giá vàng giao ngay tăng 7,7 USD/oz, đạt 1.464,4 USD/oz. Lúc hơn 11h trưa thứ Năm theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng thêm 1,1 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, đạt 1.465,5 USD/oz.
Tuy được hỗ trợ bởi thâm lý thận trọng gia tăng, giá vàng quốc tế đang chịu áp lực từ quan điểm trở nên cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong phiên điều trần ngày 13/11 trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED Jerome Powell nói rằng kinh tế Mỹ đang ổn và FED sẽ không điều chỉnh chính sách tiền tệ chừng nào không có sự thay đổi quan trọng trong triển vọng nền kinh tế.
Năm nay, FED đã hạ lãi suất 3 lần để hỗ trợ kinh tế Mỹ trong bối cảnh sức ép thương chiến và kinh tế toàn cầu giảm tốc. Lãi suất giảm là một nhân tố quan trọng đưa giá vàng tăng 13% từ đầu năm tới nay.
Xu hướng mạnh lên gần đây của đồng USD cũng gây áp lực giảm giá lên vàng. Chỉ số Dollar Index dao động quanh ngưỡng 98,37 điểm trong phiên sáng nay tại châu Á, từ mức 98,31 điểm vào sáng qua.
Trong nước, tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định. Ngân hàng Vietcombank giữ báo giá USD ở mức 23.140 đồng (mua vào) và 23.260 đồng (bán ra).
Giá USD tự do tại Hà Nội duy trì phổ biến ở mức 23.180 đồng ở chiều mua và 23.200-23.205 đồng ở chiều bán.