09:06 05/08/2009

Bất ngờ với lợi nhuận của các ngân hàng Anh

Mai Phương

Các nhà băng hàng đầu của đảo quốc sương mù như HSBC và Barclays công bố những mức lợi nhuận tốt đẹp hơn dự kiến

Cả HSBC và Barclays cùng đạt lợi nhuận trước thuế 5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay - Ảnh: Getty.
Cả HSBC và Barclays cùng đạt lợi nhuận trước thuế 5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay - Ảnh: Getty.
Tiếp bước các ngân hàng Mỹ, các nhà băng hàng đầu của đảo quốc sương mù như HSBC và Barclays công bố những mức lợi nhuận tốt đẹp hơn dự kiến. Các khoản phí thu về từ lĩnh vực ngân hàng đầu tư và giao dịch chứng khoán đã giúp các ngân hàng Anh bù đắp cho những khoản thua lỗ ở mảng ngân hàng bán lẻ.

Ngày 3/8, HSBC và Barclays, hai ngân hàng từ chối sự cứu trợ của Chính phủ Anh trong cuộc khủng hoảng tài chính này, đã thông báo kết quả kinh doanh quý nửa đầu năm 2009 với mức lợi nhuận vượt dự kiến của giới quan sát.

Khởi sắc nhờ lĩnh vực ngân hàng đầu tư

Cả HSBC và Barclays cùng đạt lợi nhuận trước thuế 5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Ở Barclays, đây là mức lợi nhuận tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ở HSBC - ngân hàng lớn nhất châu Âu - mức lợi nhuận này đã giảm 51%, nhưng vẫn khả quan hơn rất nhiều dự báo trước đó. Trước khi kết quả này được công bố, các nhà phân tích đã dự báo HSBC thua lỗ trong quý 2.

Như vậy, HSBC và Barclays đã gia nhập vào đội ngũ các ngân hàng Mỹ và châu Âu báo lãi cao hơn dự kiến như Goldman Sachs, Credit Suisse, JPMorgan Chase, Deutsche Bank, BNP Paribas... Ngân hàng lớn nhất UBS của Thụy Sỹ là một trong số ít những ngân hàng lớn của châu Âu tính tới thời điểm này báo lỗ. Quý 2 vừa qua, UBS lỗ 1,4 tỷ Franc Thụy Sỹ (tương đương 1,32 tỷ USD), sau khi đã lỗ 2 tỷ Franc Thụy Sỹ trong quý 1.

Lợi nhuận trong quý của các ngân hàng này đều dựa trên sự khởi sắc của mảng ngân hàng đầu tư. Như tại Barclays, lợi nhuận của bộ phận ngân hàng đầu tư Barclays Capital đã tăng gấp đôi trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 1,7 tỷ USD. Tại HSBC, lợi nhuận trước thuế của bộ phận ngân hàng đầu tư cũng tăng hơn gấp đôi, lên 6,3 tỷ USD nhờ hoạt động giao dịch tiền tệ và bảo lãnh phát hành trái phiếu gia tăng.

Những con số này khiến thị trường trở nên lạc quan hơn với niềm tin rằng, giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng đã qua và sự phục hồi kinh tế đang đến rất gần. Chủ tịch HSBC Stephen Green cho rằng, dường như “chúng ta đã vượt qua, hoặc chuẩn bị vượt qua” đáy của chu kỳ trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, ông Green cũng ghìm sự lạc quan của mình lại bằng một nhận định rằng “thời gian, hướng đi và quy mô của sự phục hồi trong nền kinh tế chung vẫn còn rất bấp bênh”.

Mảng ngân hàng bán lẻ còn yếu

Lý do khiến Chủ tịch HSBC tỏ ra thận trọng như vậy là bất kỳ chuyển biến thực sự nào trong ngành ngân hàng còn phụ thuộc vào sự phục hồi của lĩnh vực ngân hàng bán lẻ còn đang ốm yếu. Cho tới thời điểm này, sự phục hồi đó vẫn chưa xảy ra.

“Cơ sở cho sự phục hồi đã xuất hiện. Nhưng nếu lĩnh vực ngân hàng bán lẻ không phục hồi thì sẽ chẳng có sự phục hồi nào diễn ra cả”, ông Ralph Silva, Giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn tài chính Tower Group có trụ sở ở London, Anh, nhận xét.

Cả Barclays và HSBC đều đã gánh chịu những hậu quả lớn từ hoạt động cho vay quy mô khổng lồ ở mảng ngân hàng bán lẻ. Mức thâm hụt tài sản của Barclays đã tăng vọt thêm 86%, lên mức 7,8 tỷ USD, trong 6 tháng đầu năm nay ở mảng này. Tại HSBC, thâm hụt tài sản vì nợ xấu đã tăng 39%, lên mức xấp xỉ 14 tỷ USD.

HSBC gặp nhiều rắc rối từ những khoản nợ khó đòi do bộ phận cho vay thế chấp nhà mang tên Household International cung cấp tại thị trường Mỹ. Chi nhánh HSBC tại Mỹ đã thua lỗ 2,9 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù ngân hàng này cho biết tỷ lệ nợ xấy tại Mỹ đã tăng chậm lại nhờ những nỗ lực cắt giảm những khoản cho vay có độ rủi ro cao trong các năm trước.

Hiện HSBC đang trong quá trình thu hẹp hoạt động tại Mỹ. Tháng 3 vừa qua, HSBC đã quyết định không cho phép Household cung cấp thêm các khoản vay mới.

Các quan chức trong ngành ngân hàng châu Âu tỏ thái độ lo ngại tỷ lệ vỡ nợ tại châu lục này sẽ còn tăng trong thời gian tới. Vào ngày 31/7 vừa qua, Giám đốc điều hành (CEO) của Deutsche Bank Josef Ackermann dự báo, thậm chí cả những ngân hàng tới thời điểm này tránh được thua lỗ vẫn sẽ không thể miễn nhiễm trước sự leo thang của tình trạng vỡ nợ ở cả hai lĩnh vực cho vay doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng. Theo ông Ackermann, “nợ xấu sẽ là làn sóng tiếp theo” của khủng hoảng tài chính.

Chuyên gia Silva của công ty tư vấn Tower thì cho rằng, một khi nền kinh tế toàn cầu còn yếu ớt, thì “tỷ lệ vỡ nợ ở mọi nơi sẽ còn tăng mạnh”.

Tháng 6 vừa qua, một báo cáo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ước tính rằng, chỉ riêng các ngân hàng của châu lục này có thể chịu thêm khoản thâm hụt tài sản lên tới 405 tỷ USD trong thời gian từ nay tới cuối năm 2010, chủ yếu do các khoản vay tiêu dùng và doanh nghiệp không đòi được, ngoài khoản thâm hụt 393 tỷ USD đã thua lỗ từ năm 2007 tới nay.

Sự gia tăng của nợ xấu chắc chắn còn gây tác động xấu tới tình hình lợi nhuận của các ngân hàng khác của Anh như Lloyds Banking Group và Royal Bank of Scotland (RBS). Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của hai ngân hàng này cũng sẽ được công bố trong tuần này.

Giới phân tích dự báo, nợ xấu tại RBS - ngân hàng nơi Chính phủ Anh nắm cổ phần 70% - sẽ tăng từ mức 2,5 tỷ USD lên hơn 10 tỷ USD do thua lỗ ở mảng cho vay tín dụng tiêu dùng và cho vay doanh nghiệp. Trong năm 2008, RBS đã gánh khoản thua lỗ kỷ lục 40,6 tỷ USD.

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Alistair Darling đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các ngân hàng lớn nhất của nước này để tìm hiểu lý do tại sao chi phí cho vay các doanh nghiệp nhỏ vẫn tăng trong khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5%.

Ông Darling cho biết, ông muốn các ngân hàng cải thiện bảng cân đối kế toán của họ, nhưng cũng nói rằng: “Vì thực tế là chúng ta đang ở trong suy thoái, nên vẫn cần họ cung cấp vốn vay”.

(Theo Business Week)