16:08 23/10/2017

Bảy năm “rút phao” tín dụng ngoại tệ

Minh Đức

Sứ mệnh của tín dụng ngoại tệ đang tiến gần đến thời điểm kết thúc

Tín dụng ngoại tệ thường có lãi suất cho vay thấp hơn nhiều so với VND, trở thành nguồn vốn giá trị hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Tín dụng ngoại tệ thường có lãi suất cho vay thấp hơn nhiều so với VND, trở thành nguồn vốn giá trị hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Tính từ giai đoạn bùng nổ, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã mất bảy năm để từng bước rút dần tín dụng ngoại tệ - một nguồn vốn có chi phí thấp hỗ trợ doanh nghiệp trong nhiều thời điểm.

Cụ thể, theo Thông tư số 31/2016/TT-NHNN, chỉ còn hơn hai tháng nữa để các ngân hàng thương mại kết thúc hoạt động cho vay ngoại tệ. Nếu không có điều chỉnh thời hạn, dự kiến hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng sẽ chuyển sang mua - bán thương mại đơn thuần sau 31/12/2017.

Bảy năm qua, đã nhiều lần Ngân hàng Nhà nước muốn chấm dứt cho vay ngoại tệ, nhưng trước yêu cầu thực tế, việc nới thời hạn được chuyển tiếp qua các năm, kéo dài cho đến nay.

Một mặt, tín dụng ngoại tệ từng bùng nổ trước đây, được nhiều chuyên gia dẫn chiếu là nguyên ngân gây bất ổn tỷ giá, cũng như gây phức tạp thêm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Mặt khác, tín dụng ngoại tệ thường có lãi suất cho vay thấp hơn nhiều so với VND, trở thành nguồn vốn giá trị hỗ trợ doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là từ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, cũng như trước áp lực lãi suất cho vay VND leo thang từ 18-25%/năm quãng 2010-2012.

Trước giá trị của nguồn vốn đó, trong bối cảnh kích cầu và gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp, cuối năm 2009, Ngân hàng Nhà nước có thông tư mở rộng thêm hai đối tượng nhu cầu vốn được vay bằng ngoại tệ; trong đó đáng chú ý là các nhu cầu để thực hiện các dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu.

Đầu năm 2010, nhà điều hành tiếp tục của chính sách "kích thích", qua quyết định giảm khá mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, từ 7% xuống 4% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, từ 3% xuống 2% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Khi đó, có ước tính khoảng 500 triệu USD được "trả lại" cho các ngân hàng để tăng nguồn cho vay theo sự điều chỉnh này.

Với độ mở của chính sách trên, năm 2010, tín dụng ngoại tệ bùng nổ. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2010, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên tới 29,81%; trong đó tín dụng VND tăng 25,3%, tín dụng ngoại tệ tăng tới 49,3%. Nếu trừ hư số do tỷ giá và giá vàng tăng thì tổng dư nợ năm đó tăng 27,6%; trong đó tín dụng VND tăng 25,3%, tín dụng ngoại tệ tăng 37,7%.

Trước diễn biến trên, nhiều chuyên gia giai đoạn đó khuyến cáo về rủi ro tiềm ẩn của tín dụng ngoại tệ đối với tỷ giá và tình trạng đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu định hướng siết lại tín dụng ngoại tệ. Song song, những năm sau, cơ chế trần lãi suất và đến nay đã áp hẳn trần 0%/năm đối với huy động ngoại tệ (USD) được thực hiện.

Định hướng chung, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách chuyển đổi dần hoạt động huy động - cho vay ngoại tệ trong hệ thống sang quan hệ mua bán thương mại đơn thuần. Định hướng này tiếp tục được đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tại một hội thảo chuyên đề tuần qua.

Trước thời hạn 31/12/2017 nói trên, với sự ổn định kéo dài của tỷ giá USD/VND (rủi ro chi phí được bình ổn), nhiều doanh nghiệp đã tăng vay ngoại tệ để tranh thủ nguồn vốn lãi suất thấp hơn vay VND.

Báo cáo cập nhật định kỳ của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, tín dụng ngoại tệ liên tục tăng mạnh từ đầu năm nay, cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng ngoại tệ ước tăng 12,9%, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của cùng kỳ năm 2016 và chiếm 8,4% tổng tín dụng.

Như trên, với chênh lệch thường thấp hơn 5-7%/năm so với lãi suất vay VND, tín dụng ngoại tệ trở thành "cái phao" giá trị vốn hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Nhưng đến nay, với định hướng của Ngân hàng Nhà nước, cũng như lãi suất cho vay VND đã giảm về mức thấp so với giai đoạn 2010-2012, chính sách tín dụng ngoại tệ đã xác định điểm kết thúc sau hai tháng tới.

Hiện khả năng có nới tiếp thời hạn cho vay hay không, cũng như tiếp tục khai thác giá trị nguồn lực tín dụng ngoại tệ hay không bên cạnh những đánh đổi và lựa chọn, vẫn đang để ngỏ.