Bị quân đội gây sức ép, Tổng thống Zimbabwe quyết không từ chức
Dưới sự lãnh đạo của chính quyền ông Mugabe, nền kinh tế Zimbabwe từ năm 2000 đến nay đã suy giảm một nửa
Tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe ngày 16/11 đã có cuộc đàm phán trực tiếp với thủ lĩnh của một nhóm các vị tướng quân đội vừa giành quyền kiểm soát Chính phủ nước này. Phe quân đội đang gây sức ép đòi ông Mugabe từ chức sau 37 năm cầm quyền, nhưng vị Tổng thống 93 tuổi không chấp nhận.
Theo hãng tin Bloomberg, tờ báo nhà nước Herald của Zimbabwe ngày thứ Năm đã đăng những bức ảnh cho thấy ông Mugabe gặp tướng Constantino Chiwenga, chỉ huy các lực lượng vũ trang Zimbabwe. Đài phát thanh quốc gia Zimbabwe đã xác nhận về cuộc gặp này.
Cha Fidelis Mukonori, một mục sư Cơ đốc giáo giàu ảnh hưởng ở Zimbabwe, đang đứng ra làm trung gian cho cuộc đàm phán. Ngoài ra, các quan chức từ Nam Phi, nước láng giềng của Zimbabwe cũng tham gia vào cuộc đàm phán này.
Nguồn thạo tin tiết lộ rằng việc ông Mugabe quyết không từ chức đang cản trở kế hoạch của quân đội về nhanh chóng thành lập một chính phủ tạm quyền. Phe quân đội muốn ông Mugabe, người đang bị quản thúc tại gia, nhất trí rời bỏ quyền lực để quân đội có thể tuyên bố đây không phải là một cuộc đảo chính, theo đó tránh căng thẳng với Cộng đồng Phát triển Nam Phi - nhóm nước có sự tham gia của Zimbabwe và Nam Phi.
Theo nguồn tin, quân đội muốn thành lập một chính phủ tạm quyền cho tới khi tiến hành được một cuộc bầu cử. Tuy nhiên, trước hết họ cần đạt được một thỏa thuận với ông Mugabe.
Dưới sự lãnh đạo của chính quyền ông Mugabe, nền kinh tế Zimbabwe từ năm 2000 đến nay đã suy giảm một nửa. Tình trạng khan hiếm nghiêm trọng tiền mặt hiện nay khiến các doanh nghiệp ở Zimbabwe không thể kinh doanh, trong khi các dịch vụ công rơi vào tê liệt.
Nguồn tin nói rằng hành động can thiệp của quân đội Zimbabwe đã được lên kế hoạch từ nhiều tuần trước, nhưng được đẩy nhanh sau khi Tổng thống Mugabe cách chức Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa. Ông Mnangagwa nhiều khả năng sẽ trở thành lãnh đạo chính phủ tạm quyền, cùng với một số nhân vật đối lập khác.
Hiện đã trốn ra nước ngoài, vị cựu Phó tổng thống này là một đồng minh của quân đội Zimbabwe, đồng thời là đối thủ của bà Grace - vợ ông Mugabe - người nuôi tham vọng kế nhiệm chồng.
Hiện không rõ bà Grace, 52 tuổi, đang ở đâu. Ở Zimbabwe, vị phu nhân này được gọi với biệt danh "Gucci Grace" do lối sống xa xỉ.
Quân đội Zimbabwe đang hy vọng hồi sinh nền kinh tế vốn lao dốc thảm hại bởi chương trình cải cách ruộng đất sai lầm mà ông Mugabe khởi xướng hồi năm 2000. Nguồn thạo tin nói quân đội cũng muốn cải thiện quan hệ giữa Zimbabwe với phương Tây và các tổ chức cho vay quốc tế, cũng như muốn thu hút đầu tư từ hơn 3 triệu người đã rời khỏi Zimbabwe sau khi các chủ đất da trắng bị cưỡng ép nộp lại đất cho nhà nước.
Zimbabwe từng là nước xuất khẩu thuốc lá cao cấp lớn thứ nhì thế giới và nước xuất khẩu ngô lớn thứ nhì châu Phi. Giới quan sát quốc tế cho rằng với tài nguyên dồi dào, Zimbabwe có thể mở ra những cơ hội đầu tư tuyệt vời nếu một chính phủ có khả năng lãnh đạo tốt được lập nên ở nước này.
Nhiều người dân thường Zimbabwe hiện đang hy vọng một chính phủ mới sẽ giúp cải thiện đời sống cho họ. 95% lực lượng lao động nước này đang thất nghiệp. Zimbabwe hiện thậm chí cũng không có đồng tiền riêng và phải phụ thuộc chính vào đồng USD để làm phương tiện thanh toán.